“Phớt lờ” các C/O, hải quan Mỹ ráo riết truy xuất hàng nhập khẩu từ Việt Nam
Không quan tâm đến chứng nhận xuất xứ (C/O) mà cơ quan chức năng Việt Nam cấp, hải quan Mỹ sẽ ráo riết truy nguồn gốc hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA) đánh giá: Đối với các mặt hàng nông sản, hải sản "Made in Vietnam” thì thường 100% có xuất xứ từ Việt Nam, còn đối với các mặt hàng sản xuất và lắp ráp như điện tử, hàng công nghiệp thường có những bộ phận có xuất xứ từ hơn 1 quốc gia.
Sẽ trừng phạt nặng
Và để tìm ra câu trả lời, hải quan Mỹ có đủ công cụ và phương pháp. Họ không quan tâm đến các C/O, không chấp nhận 100% hồ sơ chứng từ mà doanh nghiệp nộp.
Trong trường hợp xuất xứ Việt Nam không được chấp nhận thì doanh nghiệp sẽ bị trừng phạt nặng nề. Với những trường hợp là lừa đảo, kiểu tạm nhập tái xuất thì dù hàng đưa đến đâu, hải quan Mỹ vẫn có thể trừng phạt, các phán quyết được thực thi với các doanh nghiệp vì đã có thỏa thuận với hải quan các nước.
Hiện tại, đang có trường hợp, cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ xác định 36 hoạt động vi phạm của một công ty và mức phạt lên tới 62 triệu đô la Mỹ. Tất nhiên, đây chưa phải là phán quyết cuối cùng nhưng tinh thần là "thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.
Cơ quan hải quan Mỹ cũng đưa ra những phán quyết về xuất xứ với những trường hợp cụ thể. Một trường hợp có thật đang được đưa ra làm mẫu là mặt hàng ván phủ veneer từ sợi.
Theo đó, một công ty Mỹ đã yêu cầu cơ quan hải quan Mỹ đưa ra phán quyết khi nhập khẩu hàng từ công ty Việt Nam trong trường hợp gỗ đến từ Mỹ, sau đó vận chuyển sang Trung Quốc, trải qua nhiều giai đoạn sản xuất phức tạp để cho ra sản phẩm ván phủ veneer từ sợi. Sản phẩm sau đó được đóng hộp, xuất sang Việt Nam rồi được cắt ra đóng thành bàn ghế và xuất ngược lại Mỹ. Với đường đi như vậy, mã HS của sản phẩm đã thay đổi.
Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ cần đăng ký một phán quyết có tiền lệ để biết trước sẽ được đối xử và ứng xử thế nào. Đó là cách để đảm bảo cho khách hàng Mỹ, vốn muốn mua hàng từ Việt Nam, tránh những lo ngại về việc có thể gặp rủi ro.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký một phán quyết mới để đảm bảo chắc chắn là hàng hóa đến từ Việt Nam để khách hàng tin tưởng. Đây cũng là cách làm thương hiệu hiệu quả.
Chuyên gia hải quan này cũng lưu ý, các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Mỹ cần vô cùng thận trọng và lưu trữ tất cả số liệu liên quan. Doanh nghiệp cần thực hiện mọi quy định một cách đúng đắn nhất để tránh bị trừng phạt không đáng có cũng như chịu những chi phí cực lớn. Và một trong những cách làm là nên có sự tư vấn, hỗ trợ từ các đơn vị chuyên nghiệp.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa
Hiện một số mặt hàng Trung Quốc trước đây xuất khẩu sang Mỹ bởi thuế suất tương đối thấp, thì bây giờ đang phải chịu một thuế suất trừng phạt, do đó phải tìm đường sang Mỹ theo cách khác.
Vì thế, chúng ta cần cảnh báo, nếu như các doanh nghiệpViệt Nam nhìn thấy mối lợi trước mắt mà quên đi những tác hại lâu dài thì cần phải chấm dứt các thực tiễn không tốt đó. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải có các sản phẩm "Made by Vietnam” do chính Việt Nam chế tạo, sản xuất, chứ không phải "Made in Vietnam” như hiện nay.
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fullright, nếu không có tình trạng chuyển tải, quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam thì xuất khẩu từ Việt Nam đi Mỹ không thể có đột biến. Bởi lẽ, nhìn những mặt hàng mà Mỹ đang áp thuế cao với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam lâu nay chỉ khoảng 13 tỉ đô la Mỹ, tương đương 6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, khi có bất thường thì cần đặt nghi vấn về chuyển tải.
Và nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu ở hai mặt hàng điện tử và gỗ nội thất thì thấy có sự "không ngẫu nhiên". Trong 5 tháng đầu năm, hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 81% nhưng xuất khẩu đi Mỹ tăng 72%. Tương tự, hàng gỗ nội thất cũng lần lượt tăng tương ứng 35% và 35%.
Tránh cuộc “truy xuất” của hải quan Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải khắc phục một số điểm yếu nội tại như tăng năng suất lao động, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc, chủ động ứng phó hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới...
Kế tiếp, cần cảnh báo với doanh nghiệp về câu chuyện nếu vì lợi trước mắt sẽ có thể ảnh hưởng tới cả ngành lẫn nền kinh tế.
Đặc biệt, về luật pháp, cần có thêm các biện pháp thi hành, theo dõi giám sát đặc biệt với hàng Trung Quốc quá cảnh, không tạo ra những thay đổi đáng kể.
BàMagdalena Krakowiak, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam cần phát triển mạnh các khối doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo ra những nơi cung cấp việc làm mới, nâng cấp chuỗi cung ứng hiện giờ. Mặt khác, cần phải chú ý tới sự phát triển của các sản phẩm chất lượng cao và phát triển được những thương hiệu địa phương.
Thách thức khó khăn chính của Việt Nam là cần tập trung vào việc thúc đẩy nâng cấp chuỗi cung ứng, tập trung vào vấn đề người lao động, cần phải có những tập huấn bài bản hơn, giúp người lao động học các kỹ năng mới để tăng khả năng cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận