Phong tỏa thành phố lớn, Trung Quốc không từ bỏ 'zero-Covid'
Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, đã xét nghiệm Covid-19 toàn bộ 25 triệu dân, đồng thời kéo dài thời gian phong tỏa giữa lúc số ca nhiễm tăng nhanh.
Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ thời "Vũ Hán phong thành", trong đó các thành phố lớn như Thượng Hải phải áp dụng các biện pháp mạnh tay. Tình hình một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về chính sách "zero-Covid" của Bắc Kinh.
Phong tỏa các thành phố lớn
Tại Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc và thế giới, giới chức đã cho phong tỏa toàn thành theo hai giai đoạn từ tuần trước. Tuy nhiên, giai đoạn 1 - áp dụng cho khu vực phía đông và nam sông Hoàng Phố - đã được gia hạn thêm 10 ngày kể từ ngày 1.4. Trong khi đó, giai đoạn 2, áp dụng cho các quận phía tây sông Hoàng Phố, đáng lẽ kết thúc ngày 5.4, nhưng sau bị kéo dài vô thời hạn, theo thông báo mới nhất.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Thượng Hải ghi nhận hơn 13.000 ca nhiễm mới ngày 4.4, tăng hơn 4.000 ca so với một ngày trước. Thượng Hải vẫn chiếm phần lớn trong tổng số 16.590 ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn quốc.
Tính từ đầu tháng 3, Thượng Hải đã ghi nhận hơn 60.000 ca nhiễm, chủ yếu là ca không triệu chứng. Đây là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất tại Thượng Hải kể từ khi Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán cuối năm 2019.
Trong ngày 4.4, thành phố đã xét nghiệm toàn bộ dân số hơn 25 triệu người. Ít nhất 38.000 nhân viên y tế từ các địa phương khác đã được huy động tới Thượng Hải để thực hiện chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn này. Một số máy bay quân sự Y-20 và 2.000 quân nhân cũng đã được điều đến Thượng Hải để hỗ trợ chiến dịch.
Giới chức cùng ngày cho hay thành phố sẽ áp đặt thêm một số hạn chế đối với hệ thống giao thông kể từ ngày 5.4, bao gồm việc tạm dừng thêm nhiều tuyến tàu điện. Trước đó, hình ảnh quay từ trên cao cho thấy những con đường không một bóng người ở Thượng Hải.
Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, người phụ trách việc ứng phó với Covid-19 của chính phủ Trung Quốc, đã thị sát các điểm xét nghiệm tại Thượng Hải ngày 4.4. Bà nói công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh tại thành phố đang ở "thời điểm then chốt" và điều quan trọng là toàn bộ người dân phải được xét nghiệm, theo Reuters.
Trước Thượng Hải, nhiều địa phương khác đã tiến hành phong tỏa, truy vết và cách ly ngay khi xác định những ca nhiễm đầu tiên.
Tại Cát Lâm, một tỉnh đông bắc Trung Quốc với 24 triệu dân, giới chức đã cho phong tỏa toàn tỉnh từ ngày 14.3 và tiến hành xét nghiệm đại trà để cô lập ca nhiễm. Dù tình hình phần nào được kiểm soát, Cát Lâm vẫn đứng thứ hai sau Thượng Hải về số ca nhiễm mới hôm 4.4.
Thường Xuân, tỉnh lỵ của Cát Lâm, đến nay đã thực hiện ít nhất 10 đợt xét nghiệm toàn bộ cư dân của thành phố. Do ảnh hưởng của việc phong tỏa, hai chợ đầu mối lớn ở Thường Xuân đã bị đóng cửa, dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm. Chính quyền thành phố đã phải lên tiếng xin lỗi người dân.
Tại thành phố Cát Lâm, thành phố lớn thứ hai của tỉnh cùng tên, người dân đã có thể đi lại tự do từ ngày 1.4 sau hơn 3 tuần phong tỏa. Tuy nhiên, việc tụ tập đông người ở công viên và quảng trường vẫn bị cấm.
\n
Tại Thâm Quyến, đặc khu kinh tế với 17 triệu dân ở phía nam Trung Quốc, chính quyền cũng ban bố lệnh phong tỏa kéo dài một tuần hồi giữa tháng 3 khi số ca nhiễm gia tăng. Thâm Quyến là đại bản doanh của những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, nên bất cứ hạn chế nào đối với hoạt động kinh doanh cũng có nguy cơ gây ra tổn thất kinh tế lớn.
Hiện tại, dù một số hạn chế đã được dỡ bỏ, cư dân tại Thâm Quyến vẫn cần phải có xét nghiệm PCR âm tính mới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng, theo Financial Times.
Thành phố Tây An, tỉnh lỵ tỉnh Thiểm Tây ở phía tây bắc Trung Quốc, từng trải qua đợt phong tỏa kéo dài hơn một tháng, bắt đầu từ trước Giáng sinh năm 2021 và kết thúc vào cuối tháng 1.2022. Một số người dân phàn nàn rằng họ không thể mua được thực phẩm, các nhu yếu phẩm như băng vệ sinh và thậm chí là không được chăm sóc y tế khẩn cấp, dẫn đến những phản ứng giận dữ trên mạng xã hội.
Thách thức với "zero-Covid"
Trung Quốc đến nay vẫn kiên trì với chiến lược "zero-Covid", bất chấp việc nhiều nước đã từ bỏ cách tiếp cận này sau khi các biến chủng virus dễ lây nhiễm hơn như Delta và Omicron xuất hiện, làm tê liệt hệ thống y tế ngay cả ở các nước giàu nhất.
Song sự bùng phát dịch bệnh hiện nay tại Trung Quốc, dù vẫn ở mức thấp so với các nước khác, đã trở thành thách thức lớn đối với chiến lược của Bắc Kinh, vốn dựa vào việc phong tỏa nhanh chóng, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc để kiểm soát dịch bệnh.
Mặc dù một số lãnh đạo và nhà khoa học Trung Quốc đã ám chỉ Trung Quốc cuối cùng có thể từ bỏ chiến lược này, điều đó có thể sẽ không sớm xảy ra.
Theo bà Zhu Jiangnan, phó giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, sự tương phản giữa chiến lược của Trung Quốc và cách tiếp cận của nhiều quốc gia khác đã cho thấy "cuộc cạnh tranh giữa các thể chế khác nhau".
"Trung Quốc đã khá thành công trong việc duy trì khả năng chống chọi trước Covid cao hơn so với nhiều quốc gia khác trong hai năm qua", bà nói với South China Morning Post. "Tôi đoán rằng thành công này đã khiến chính quyền các cấp ở Trung Quốc rất tin tưởng vào chiến lược này".
Song cũng theo SCMP, một số quan chức trong chính quyền Thượng Hải cho biết họ không hoàn toàn tin tưởng vào thành công của chiến dịch xét nghiệm toàn bộ 25 triệu cư dân vừa qua, vì virus hiện đã lây lan rộng trong cộng đồng. Thành phố dự kiến tổ chức một đợt xét nghiệm khác có quy mô tương tự trong vài ngày tới.
Một số người dân Thượng Hải đã phàn nàn về phong tỏa và xét nghiệm nhiều lần, cho rằng cái giá phải trả cho chiến lược "zero-Covid" tại Trung Quốc đã trở nên quá đắt. Dù vậy, cảnh sát đã cảnh báo cư dân rằng họ sẽ có thể sẽ bị phạt, theo quy định về kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, nếu họ không đi xét nghiệm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận