24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Thu Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phong tỏa tại Trung Quốc đang là rủi ro lớn đối với lạm phát toàn cầu

So với hai năm trước, các lệnh phong tỏa hiện tại có ảnh hưởng lớn hơn tới lạm phát.

Hiện tại, những đợt phong tỏa phòng dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang là rủi ro lớn hơn đối với lạm phát toàn cầu nếu đem so sánh với thời điểm hai năm về trước, các chuyên gia phân tích cho biết.

Lý do là thế giới đang ngày một phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, kể từ khi đại dịch bùng phát, các chuyên gia phân tích giải thích trong báo cáo công bố ngày 8/4.

Thị phần hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trên thị trường quốc tế đã tăng lên ngưỡng 15,4% trong năm 2021, cao nhất kể từ năm 2012.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong hai năm trở lại đây, khi quốc gia này đạt được những thành công nhất định trong việc nhanh chóng kiểm soát các làn sóng lây nhiễm Covid-19 và sớm đưa hoạt động sản xuất quay lại trạng thái bình thường, trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới lại gặp không ít khó khăn trước đà lây lan mạnh của đại dịch. Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược zero-Covid tại thời điểm mà không ít quốc gia khác đã cho nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch trong năm vừa qua.

Trong vài tuần trở lại đây, Trung Quốc đại lục phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bệnh này bùng phát đầu năm 2020, với một loạt các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được ban bố ở mức độ nghiêm ngặt cao hơn, theo lời một số lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài. Các quy định người dân phải ở nhà và xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh tế tại thành phố Thượng Hải.

“Chúng tôi tin rằng ảnh hưởng vĩ mô từ các lệnh phong tỏa sẽ rất lớn và vẫn chưa được phản ánh hết thông qua diễn biến thị trường gần đây”, Jay Huang, tới từ Bernstein, và nhóm của mình chia sẻ trong báo cáo.

So với trước đại dịch, chi phí xuất khẩu bằng container tại Thượng Hải hiện tại cao gấp 5 lần, và chi phí vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cũng cao gấp 2 lần, báo cáo cho biết, đồng thời nhấn mạnh thực trạng hàng hóa bị giao chậm.

“Do đó, lạm phát sẽ có khả năng tăng cao hơn nữa, đặc biệt là đối với các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, nhưng cùng lúc cũng sẽ cản trở đà phục hồi lực cầu của chính quốc gia này”.

Liên quan tới vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, công ty ôtô điện Trung Quốc- Nio đã đưa ra thông báo dừng sản xuất trong cuối tuần qua và chỉ cho hoạt động trở lại một số dây chuyền từ ngày 14/4. Volkswagen cho biết các nhà máy của họ tại ngoại ô thành phố Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm cũng đã buộc phải đóng cửa sớm nhất tới ngày 14/4.

Phân tích của Bernstein cũng chỉ ra rằng Trung Quốc hiện cung ứng phần lớn nhu cầu container, tàu thủy, đất hiếm, mô đun năng lượng mặt trời, điện thoại và máy tính cho thị trường nước ngoài.

Các nhà máy tại Trung Quốc giờ đây không chỉ đảm nhận khâu lắp ráp hoàn thiện sản phẩm cuối cùng mà còn có thể sản xuất ra những linh kiện như tấm nền màn hình LCD và các bo mạch tích hợp, với kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đã tăng mạnh trong năm 2021, theo nội dung báo cáo.

Dữ liệu thương mại quý I cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tương đối ổn định. Chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này đã tăng nhanh hơn dự báo trong tháng 3, theo dữ liệu công bố ngày 11/4.

Trung Quốc, nhà xuất khẩu ôtô mới nổi

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất ôtô, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng xe chạy điện, theo báo cáo của Bernstein.

Các chuyên gia phân tích nhấn mạnh mức tăng trưởng xuất khẩu ôtô và linh kiện đã tăng bình quân 119% trong năm 2021 so với năm trước đó, vượt xa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 30% của toàn nền kinh tế. Trung Quốc chiếm khoảng 74% thị phần sản xuất pin xe điện toàn cầu, báo cáo chia sẻ.

Trung Quốc là thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Trong một vài năm trở lại đây, quốc gia này đang tích cực khuyến khích sự phát triển cũng như thúc đẩy doanh số xe chạy điện, chủ yếu thông qua hình thức trợ cấp. Các doanh nghiệp ôtô nước ngoài tại đây cũng bắt đầu cho ra mắt các dòng xe chạy điện phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hiện tại, Tesla, BMW và nhiều nhà sản xuất ôtô khác đang gia tăng sản lượng xe điện tại Trung Quốc, nhằm mục đích xuất khẩu sang các thị trường khác. Nếu tính cả xe sử dụng nhiên liệu, SAIC, công ty sản xuất xe hơi quốc doanh, và Chery đang là hai doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm xe du lịch hàng đầu tại Trung Quốc. Các thị trường nhập khẩu nhiều xe ôtô sản xuất tại Trung Quốc là Chile, Ai Cập và Arab Saudi.

Trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu ôtô du lịch tăng 14% lên 107.000 chiếc, trong đó, số lượng xe sử dụng năng lượng mới chiếm 10,7%, theo Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tác động từ các yếu tố bất ổn bên ngoài và đà sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tới châu Âu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả