Phóng tay chi tiêu cho Tết
Năm nào Tiến Thanh cũng tiêu sạch số tiền dành dụm cả năm vào mấy ngày Tết bởi quan điểm "đói đến chết ba ngày Tết cũng phải no".
Là nhân viên làm công ăn lương, quen ăn tiêu dè sẻn, nhưng cứ đến Tết thanh niên 30 tuổi quê Quế Võ, Bắc Ninh dường như biến thành con người khác.
Mỗi lần về quê ăn Tết, Thanh thường chi tiền mua đồ đạc mới cho bố mẹ giá từ vài triệu đến vài chục triệu, rồi bỏ lì xì cho các cháu toàn tiền trăm nghìn. Có năm thấy hàng xóm sắm đồ gì mới Thanh đều mua theo, lúc là cái máy hút ẩm, cái điều hòa nhiệt độ, rồi đến đồng hồ quả lắc. Anh thổ lộ thích được nghe mọi người khen ngợi: "Có thằng con làm việc trên thành phố, Tết về toàn mua đồ xịn cho bố mẹ".
Ngoài thú vui mua sắm đồ đạc mới dịp Tết, Thanh cũng thường tổ chức ăn nhậu, tụ tập bạn bè. Hàng chục triệu ki cóp cả năm, hết Tết là không còn một đồng. Với anh, số tiền để mua thể diện với bạn bè, làng xóm, họ hàng chưa bao giờ là đủ.
Sau Tết, ví tiền của Mai Liên ở Thái Bình cũng thường trống rỗng. Nhu cầu ăn uống của gia đình không nhiều nhưng những loại thực phẩm tích trữ vẫn được người phụ nữ 36 tuổi xếp chật tủ lạnh. Về quê chồng, ngày nào cô cũng làm ba mâm cỗ bề thế dâng cúng tổ tiên nhưng vì nhà neo người, ăn mãi không hết nên nhiều lần phải đổ bỏ.
Năm nào, Liên cũng dành ít nhất 40 triệu đồng cho Tết. Ngoài 20 triệu đồng chia đều biếu nội ngoại, tiền lì xì cho họ hàng cũng lên tới 10 triệu đồng. Tổng chi phí cho Tết nhiều năm còn vượt mức thưởng của hai vợ chồng.
Thấy vợ chi tiêu phóng tay, người chồng nhiều lần khuyên nên tiết kiệm, nhưng Liên lại cho rằng, Tết nên sắm sửa đầy đủ để hướng tới sự no ấm, sung túc cho cả năm.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, quan điểm phải no đủ ba ngày Tết của Tiến Thanh hay Mai Liên đều xuất phát từ thói quen xa xưa. Trước đây dù túng thiếu nhưng Tết đến mọi người luôn cố gắng chạy vạy để được ăn ngon, mặc đẹp với hy vọng cả năm sẽ được đủ đầy như vậy.
"Tết đến người ta không chỉ ăn no bụng mà còn ăn để lấy may. Bởi vậy, quanh năm cấy trồng, chăn nuôi tằn tiện cũng đều dành cho Tết", ông Hòa giải thích. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người thường vung tay quá trán vào dịp này.
Một nguyên nhân nữa theo vị chuyên gia là nhiều người thích thể hiện, chơi trội, thích tìm những món hàng độc lạ với giá đắt đỏ nhằm "thể hiện đẳng cấp" vào dịp Tết. Hoặc một số người thấy họ hàng, hàng xóm có những thứ mà mình không có sẽ nảy sinh tâm lý ghen tị. Tình trạng này xảy ra nhiều ở người chưa lập gia đình và người không có kế hoạch tài chính rõ ràng.
Trong báo cáo của công ty Milieu Insight (Singapore) khảo sát 4.000 người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á năm 2023 cho thấy, 52% số người được hỏi cho biết, tổng chi tiêu của họ cho dịp Tết Nguyên đán năm nay có thể cao hơn năm ngoái. Người tiêu dùng Việt Nam và Thái Lan được cho là có xu hướng chi tiêu "phóng tay" hơn so với Malaysia và Singapore.
Một báo cáo khác của công ty Meta (Facebook) năm 2023 cũng nhận định, mức chi tiêu trung bình cho dịp Tết năm 2023 của 58% người Việt đã tăng với mức hơn 700.000 VND so với Tết 2022. Mức tăng chi mua sắm Tết cao hơn ở Gen Z và Millennials. Trong đó, cứ 10 người mua sắm Tết thì có 7 người đồng ý rằng Tết là thời điểm để khám phá các danh mục sản phẩm khác biệt so với các thời điểm khác trong năm.
Theo PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp, người Việt quan niệm "cả năm có vài ngày Tết" nên theo ai cũng muốn sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng mới. Nhìn theo khía cạnh tích cực đây là động lực thúc đẩy kinh tế. Mua sắm Tết vì thế không hẳn là sự lãng phí.
"Tuy nhiên chi tiêu thế nào để phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình là việc cần phải bàn tới. Trong cuộc sống hiện tại không nên dùng từ tiết kiệm nữa mà nên dùng từ chi tiêu hợp lý", ông Cương nói.
Chuyên gia khẳng định nếu không có kế hoạch tài chính rõ ràng, mọi người dễ rơi vào tình trạng chi tiêu phóng tay, ảnh hưởng tới cuộc sống sau Tết, thậm chí cả năm kế tiếp.
Như trường hợp của Tiến Thanh, vì quen "xả láng" vào dịp Tết, hai năm gần đây tài chính khó khăn, anh phải vay tín dụng để tiêu để rồi hết Tết là hết tiền lại lao vào công cuộc "cày cuốc" trả nợ.
Còn như Mai Liên, cô thường xảy ra tranh cãi với chồng mỗi dịp năm mới đến bởi bị anh chỉ trích không biết cách chi tiêu. Vợ chồng cứ đến dịp này là mặt nặng mày nhẹ.
Để tránh tình trạng trên, theo TS Đỗ Minh Cương, chỉ nên chi tiêu Tết gói gọn trong tháng lương thứ 13 hay tiền thưởng Tết. Với những người có ít hoặc không có khoản lương thưởng này, cần lên kế hoạch tài chính rõ ràng từ đầu năm.
Theo đó, với những gia đình cơ bản nên chia tổng thu nhập một tháng thành năm phần, lần lượt ưu tiên gồm chi phí sinh hoạt gia đình (điện, nước, ăn uống, thuê nhà); đầu tư/chi phí giáo dục (gồm cả giáo dục cho con cái và bố mẹ); dành cho sức khỏe, bảo hiểm, dự phòng chữa bệnh; chi phí đối ngoại (hiếu, hỉ) và cuối cùng là tiết kiệm đầu tư phát triển kinh tế.
Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà có tỷ lệ định khoản khác nhau, có thể phân chia theo tỷ lệ phần trăm là 40-25-10-10-15. Nhiều gia đình khi chưa dùng đến chi phí dự phòng có thể gộp vào khoản tiền tiết kiệm đầu tư. Ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt hơn, có thể có thêm chi phí dành cho du lịch.
Với những gia đình khi Tết đến lương thưởng ít hoặc không có thì có thể trích một phần từ chi phí dành cho đối ngoại và tiết kiệm để lo cho Tết.
Cũng theo vị chuyên gia, tâm lý háo hức đón Tết dù cao đến đâu cũng phải lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Tết rồi cũng qua đi, nếu chi tiêu vượt quá ngân sách, khi đó khoản nợ sẽ ở lại. Dù dưới bất kỳ hình thức nào, nợ nần sẽ tạo nên áp lực tài chính vào những ngày đầu năm mới.
"Để có một cái Tết trọn vẹn, không nhất thiết là phải chi bao nhiêu, đủ đầy ra sao, mà việc sắp xếp ấy phải phù hợp với khả năng của mỗi người", ông Cương nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận