menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vũ Lương

Phối hợp chính sách tài chính - tiền tệ và tài khóa

Chính sách tiền tệ cần phối hợp với chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, giá cả và lãi suất.

Kiểm soát lạm phát, giá cả và lãi suất

Ưu tiên chống lạm phát, dù áp lực không lớn

Ngày 2/11 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản thêm 0,75%, lên 3,75 - 4%/năm. Đây là lần tăng 0,75% thứ tư liên tiếp và là lần tăng lãi suất thứ sáu của Fed kể từ tháng 3/2022. Theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, thời điểm để đánh giá lại tốc độ tăng lãi suất đang đến, bởi lạm phát có thể gần đạt đỉnh (tháng 9/2022, lạm phát là 8,2%, lạm phát lõi là 6,6%).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát dai dẳng, sát ngưỡng cao nhất trong 40 năm là nguyên nhân khiến Fed liên tục nâng lãi suất và chưa có ý định dừng lại. Do đó, việc tăng lãi suất của Fed trong tuần qua tiếp tục không có yếu tố bất ngờ.

“Đáng chú ý là thông điệp của Chủ tịch Fed về khả năng giảm mức độ nâng lãi suất, có nghĩa là trong những lần nâng lãi suất tiếp theo, mức tăng sẽ không phải là 0,75%, mà thấp hơn, thậm chí có thể là 0,25%”, TS. Ánh nói.

Trước câu hỏi về việc Fed tăng lãi suất tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam theo hướng nào, TS. Ánh cho biết, thứ nhất, lãi suất đồng Việt Nam (VND) sẽ có xu hướng tăng; thứ hai, tác động lên chính sách tỷ giá hối đoái.

TS. Ánh phân tích, khi Mỹ tăng lãi suất, đồng USD lên giá và cho đến nay đã lên giá ở mức kỷ lục. Gần như tất cả các đồng tiền khác trên thế giới đều giảm giá so với USD, từ đó tạo ra áp lực giảm giá rất lớn đối với VND. Trong trường hợp VND không mất giá, khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, do xuất khẩu là mũi nhọn, trọng điểm trong tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, để duy trì ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hao tổn một lượng dự trữ ngoại tệ không nhỏ. Trên thực tế, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, cơ quan này đã phải bán ra ngoại tệ để can thiệp, ổn định thị trường. Còn nếu không bán USD, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế áp lực tỷ giá.

“Nguy cơ xảy ra lạm phát cao trong năm nay của Việt Nam gần như không còn, trong đó, lạm phát cơ bản, loại trừ các yếu tố nguyên nhân trực tiếp từ tiền tệ, vẫn rất thấp. Mặc dù nhiệm vụ chống lạm phát đã đơn giản hơn nhiều, nhưng chống lạm phát vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hơn là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, TS. Ánh nói.

Trong khi đó, ông Quách Mạnh Hào, giảng viên kinh tế, tài chính tại Trường đại học Lincoln, Anh quốc nhận định: “Fed tăng lãi suất, lại tiếp tục có tác động, có sức ép lên tỷ giá và lãi suất”.

Trong diễn biến có liên quan, số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 20/10/2022, tín dụng tăng 11,38%, cung tiền M2 tăng 3,09%, huy động vốn tăng 4,8% so với cuối năm 2021. Chênh lệch huy động - tín dụng sau khi rơi vào trạng thái âm kể từ tháng 7 phần nào có sự cải thiện (mặc dù chưa quá rõ ràng), nhờ mặt bằng lãi suất huy động tăng mạnh trong 2 tháng qua.

Trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ ngày 29/10, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, diễn biến huy động vốn và tín dụng trong năm 2022 đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Được biết, lãi suất liên ngân hàng tăng cao trong bối cảnh thanh khoản thắt chặt. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong tuần đầu tháng 10, với lãi suất qua đêm và 1 tuần đạt đỉnh, lần lượt là 8,4%/năm và 9,5%/năm vào ngày 5/10, tương ứng tăng 4%/năm và 4,4%/năm so với đầu tháng 9.

Trong tuần cuối tháng 10, thông qua loại hình mua kỳ hạn, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra 37.176 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 6%/năm), trong khi 33.446 tỷ đồng bơm ra trước đó đáo hạn, đồng thời phát hành mới 73.099 tỷ đồng tín phiếu, trong khi 126.199 tỷ đồng tín phiếu phát hành trong tuần trước đó đáo hạn. Như vậy, thông qua cả 2 loại hình mua kỳ hạn và bán hẳn, cơ quan này đã bơm ròng tổng cộng 56.830 tỷ đồng, lượng tín phiếu đang lưu hành giảm còn 73.099 tỷ đồng.

Chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả

Về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, thứ nhất và quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; thứ hai là bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng như của cả nền kinh tế; thứ ba, lĩnh vực tiền tệ có 3 chỉ số quan trọng, đó là lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng và cuối cùng là bảo đảm an toàn cho các tổ chức tín dụng, sau đó mới là kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc, việc điều chỉnh các mức lãi suất điều hành của cơ quan quản lý trong tháng 9 và tháng 10 phù hợp với thế giới khi lạm phát tại nhiều nước tăng cao và kéo dài, chưa ở mức có thể dừng lại được. Tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đã tăng lãi suất, điển hình là Fed tăng rất nhanh và mạnh, làm cho đồng nội tệ của các nước mất giá so với USD. Các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát trong nước và chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ.

Ông Phạm Thanh Hà khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên những tác động của kinh tế thế giới đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước là tất yếu.

“Chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những biến động đó. Trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, phải xác định mục tiêu trọng tâm, trọng điểm trong giai đoạn đó là gì. Tuy nhiên, mục tiêu chính vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Ông Krishna Srinivasan, Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, lạm phát tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%. Rủi ro đối với tăng trưởng thiên về suy giảm tăng trưởng và rủi ro đối với lạm phát là lạm phát có thể tăng lên. Các chính sách cần được căn chỉnh, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng để quản lý rủi ro và giảm bớt sự đánh đổi chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả.

“Nên cân nhắc một vị thế chính sách chặt chẽ hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng và việc đảm bảo ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu. Các chính sách tài khóa cần được duy trì linh hoạt và nhắm trúng đối tượng tốt hơn”, ông Krishna Srinivasan nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh trưởng BIDV khuyến nghị: “Thận trọng, linh hoạt, hợp lý là quan trọng; phối hợp tốt chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, giá cả và lãi suất; tìm kiếm điểm tối ưu, trung hoà giữa lãi suất và tỷ giá; đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại