Phố Wall lo lắng đến đâu về thỏa thuận thuế toàn cầu?
Phố Wall lo ngại về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu theo thỏa thuận mới đây của nhóm G7, nhưng chưa tính đến rủi ro ở hiện tại.
Tìm kiếm tài chính cho các dự án lớn trong nước, Mỹ có gợi ý đầy tham vọng cho các quốc gia khác: Đã đến lúc đổi mới căn bản hệ thống thuế toàn cầu.
Sau nhiều năm đàm phán, một thỏa thuận thuế toàn cầu có thể sẽ sớm thành hiện thực.
Nhóm bộ trưởng tài chính G7 gặp nhau ở London hôm thứ Bảy đã nhất trí ủng hộ mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia.
Nhóm tuyên bố rằng các công ty lớn nhất nên trả thuế ở nơi họ có doanh thu, chứ không phải chỉ ở nơi họ có hiện diện thực tế.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết mức thuế suất tối thiểu toàn cầu như vậy sẽ chấm dứt “cuộc chạy đua xuống đáy về thuế doanh nghiệp” và “đảm bảo công bằng cho tầng lớp trung lưu và người lao động ở Mỹ và toàn thế giới”.
Chính phủ ở các nền kinh tế lớn trong nhiều năm đối mặt với nhiều thách thức trong việc đánh thuế các công ty lớn như Facebook và Google - những công ty hoạt động ở nhiều nước khác nhau, với khung pháp lý khác nhau.
Một thực tế phổ biến ở nhiều công ty đa quốc gia là họ kê khai doanh thu, ví dụ doanh thu từ phần mềm hay bằng sáng chế, ở các lãnh thổ có mức thuế thấp hơn, bất kể doanh thu đó được tạo ra ở đâu. Nhờ đó, họ tránh trả thuế cao hơn ở nước sở tại.
Rào cản đầu tiên mà hiệp định thuế G7 phải đối mặt là giành được sự ủng hộ của nhóm quốc gia G20, nhóm sẽ họp tại Venice vào tháng tới.
Một thỏa thuận như vậy giữa các nền kinh tế hàng đầu cũng sẽ thúc đẩy các đàm phán tương tự giữa khoảng 140 quốc gia do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dẫn đầu.
"Nếu G7 đồng ý và sau đó là G20, khả năng đạt được một thỏa thuận rộng hơn có lẽ sẽ rất tốt", Elke Asen, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Chính sách Thuế Toàn cầu của Tổ chức Thuế (Tax Foundation), có trụ sở ở Mỹ, nói với CNN.
Bao nhiêu là mức thuế tối thiểu hợp lý?
Một số quốc gia trong đó có Ireland phản đối mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%.
Ireland đã mời gọi thành công các công ty đa quốc gia, như các hãng công nghệ lớn của Mỹ, bằng mức thuế doanh nghiệp 12,5%.
Bà Elke Asen của Tax Foundation nói các quốc gia như Ireland có nhượng bộ không, phụ thuộc vào mức độ áp lực từ các quốc gia lớn hơn.
“Một thỏa thuận chỉ hiệu quả nếu các quốc gia có chế độ thuế thấp hơn tham gia”.
Bộ trưởng tài chính Ireland Paschal Donohoe đã tham gia họp cùng các bộ trưởng G7 ở London hôm thứ Bẩy, mặc dù ông bảo vệ mức thuế 12,5% của nước mình.
Sau thông báo của G7, ông Donohoe tweet: “Bây giờ tôi mong muốn được tham gia vào các cuộc thảo luận tại OECD. Bất kỳ hiệp định nào cũng sẽ phải đáp ứng nhu cầu của các quốc gia lớn và nhỏ, phát triển và đang phát triển”.
Trong khi đó, không ít các tổ chức phi chính phủ chỉ trích mức thuế tối thiểu 15% là quá thấp.
Tổ chức tư vấn IPPR của Anh cho biết mức đó “sẽ không đủ để kết thúc cuộc đua xuống đáy”.
IPPR nói mức thuế tối thiểu sẽ cắt giảm ưu đãi đối với các công ty đa quốc gia đang đặt lợi nhuận tại các thiên đường thuế. “Nhưng để thỏa thuận có ý nghĩa như kỳ vọng, nó phải được thực hiện trên cơ sở từng quốc gia, vì các công ty có thể sử dụng thiên đường thuế để bù đắp mức thuế cao hơn 15% ở những nơi khác”.
Gabriel Zucman, nhà kinh tế học tại Đại học California, nổi tiếng với công trình nghiên cứu về các thiên đường thuế, đã tweet rằng thỏa thuận này là "lịch sử, không đầy đủ và đầy hứa hẹn".
“15% là quá thấp, và không có trở ngại nào để đạt được một mức thuế cao hơn,” ông viết.
Nhìn chung, các quốc gia ở châu Phi và Nam Mỹ đang có mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn so với nhiều nước ở châu Âu và châu Á, theo dữ liệu của Tax Foundation, OECD và KPMG. Các nước nhỏ như Bulgaria và Liechtenstein cũng có mức thuế thấp.
Khoảng 15 quốc gia không áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp chung. Danh sách này có các quốc đảo như Bermuda, Cayman Islands và British Virgin Islands, nổi tiếng là những “thiên đường thuế xa bờ”, nơi các công ty lớn chuyển lợi nhuận đến để trả ít thuế hơn.
Những lãnh thổ này hưởng lợi từ công ăn việc làm được tạo từ các công ty đa quốc gia, ví dụ dịch vụ kế toán và pháp lý.
Các thiên đường thuế cũng kiếm tiền từ các khoản phí các công ty lớn trả để thiết lập công ty con.
Phố Wall đang lo lắng đến đâu?
Phố Wall lo ngại về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu, nhưng chưa tính đến rủi ro ở hiện tại, theo CNN.
Các nhà đầu tư cho rằng đàm phán sẽ cần nhiều thời gian trước khi mức thuế tối thiểu trở thành chính sách thực tế.
Jeffrey Sacks, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi của Citi Private Bank, nói: “Rõ ràng có động lực cho một tiêu chuẩn toàn cầu”.
"Nhưng điều thú vị hơn và khiến chúng tôi quan tâm là khung thời gian. Khi nào thì thỏa thuận đi vào cuộc sống? Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập doanh nghiệp."
Citi dự đoán thu nhập toàn cầu trên mỗi cổ phiếu sẽ tăng 30% trong năm nay và tăng 12% đến 15% năm 2022.
Ông Sacks cho rằng thuế tăng có thể khiến kỳ vọng cho năm tới kém đi, và các nhà đầu tư có thể không tính đến điều này.
Bà Elke Asen của Tax Foundation cho rằng có thể mất nhiều năm để một thỏa thuận về thuế như vậy đi vào thực tế, sau những thỏa thuận chính trị, và nhận được sự phê chuẩn ở cấp quốc gia.
Trong khi OECD ước tính mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15% có thể tạo ra thêm 50 tỷ - 80 tỷ USD tiền thuế hàng năm, số tiền thuế thực tế ra sao sẽ tùy thuộc vào các chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận toàn cầu cuối cùng.
Ngoài những vấn đề nguyên tắc, vẫn còn nhiều câu hỏi kỹ thuật chưa được giải đáp. Những câu trả lời sẽ dẫn đến những khác biệt về hiệu quả thực tế của thỏa thuận cuối cùng.
Ví dụ, những công ty nào sẽ thuộc phạm vi của thỏa thuận và cách xác định cơ sở thuế ra sao.
“Vẫn còn nhiều câu hỏi như mức thuế tối thiểu sẽ được áp dụng như thế nào và phần nào của thu nhập doanh nghiệp sẽ bị đánh thuế,” ông Daniel Bunn, phó chủ tịch phụ trách các dự án toàn cầu tại Tax Foundation, nói.
“Các thiên đường thuế có thể không biến mất hoàn toàn”. Ông Bunn nói thêm: “Không rõ tình hình sẽ ra sao trong vài năm tới. Vẫn có thể còn các kẽ hở cho tránh thuế hay trốn thuế, hoặc các quốc gia có thể sẽ thay đổi các quy định theo cách có lợi cho họ”.
Một số bộ trưởng G7 đã nói không công khai rằng sự cấp thiết phải thực hiện một thỏa thuận tại G7 cũng là để chứng minh rằng các nước giàu vẫn quan trọng, trong nỗ lực để cho thế giới thấy rằng thế kỷ 21 sẽ không bị chi phối bởi các quy tắc do Trung Quốc đặt ra.
(Theo CNN, Financial Times, CNBC)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận