Phố Wall giảm phiên thứ 2 liên tiếp khi Dow Jones sụt hơn 800 điểm
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh vào ngày thứ Ba (25/02), khi đà lao dốc của lợi suất trái phiếu làm tăng lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc đáng kể vì sự lây lan COVID-19. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mức thấp kỷ lục khi Dow Jones nới rộng đà sụt giảm 1,000 điểm hôm thứ Hai (24/02), CNBC đưa tin.
Những nhận định từ các quan chức y tế cảnh báo về khả năng bùng phát dịch bệnh ở Mỹ cũng khiến nhà đầu tư hoảng sợ, gây ra sự đảo chiều trong chứng khoán Mỹ, vốn đã khởi sắc vào đầu phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 879.44 điểm (tương đương 3.1%) xuống 27,081.36 điểm sau khi tăng hơn 180 điểm vào một thời điểm ngay sau khi mở cửa. Chỉ số S&P 500 mất 3% còn 3,128.21 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite lùi 2.8% xuống 8,965.61 điểm. Phiên ngày thứ Hai (24/02) là phiên tồi tệ nhất của thị trường trong 2 năm. S&P 500 ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp giảm ít nhất 3% lần đầu tiên kể từ tháng 11/2008 trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, dựa theo dữ liệu từ Bespoke Investment Group. Dow Jones chuỗi 2 phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 02/2018 và đánh dấu phiên thứ 2 liên tiếp giảm ít nhất 800 điểm lần đầu tiên.
Đà giảm điểm cũng đưa Dow Jones và S&P 500 lao dốc hơn 7.8% từ mức cao kỷ lục đã đạt được hồi đầu tháng này. Nasdaq Composite cũng rớt 8.9% so với mức cao mọi thời đại ghi nhận từ ngày 19/02/2020. Nhóm cổ phiếu công nghệ như Apple và Facebook rơi vào vùng điều chỉnh, lao dốc hơn 10% từ đỉnh cao mọi thời đại vừa đạt được trong tháng trước.
Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ khi các quan chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho hay Mỹ đã sẵn sàng như thế nào nếu dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn trong nước.
“Chúng tôi đang yêu cầu công chúng Mỹ hợp tác với chúng tôi để chuẩn bị trong trường hợp dự báo có thể tồi tệ hơn”, Tiến sĩ Nancy Messonnier, Quan chức hàng đầu tại CDC, cho biết.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm ngay cả khi Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, Larry Kudlow, cho rằng COVID-19 cho đến nay đã được kiểm soát ở Mỹ và tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhà đầu tư cũng chú ý đến thị trường trái phiếu, vốn cho thấy tăng trưởng kinh tế suy yếu trên toàn thế giới. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 1.33%, mức thấp nhất mọi thời đại. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm cũng ghi nhận mức thấp kỷ lục. Giá trái phiếu thường di chuyển ngược chiều với lãi suất.
Đà sụt giảm của lợi suất trái phiếu đã khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng lao dốc. Cổ phiếu Bank of America sụt hơn 5%, còn cổ phiếu JPMorgan Chase rớt 4.5%. Cổ phiếu Citigroup và Wells Fargo lần lượt giảm 4.3% và 2.7%. Lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận biên của ngân hàng.
Động thái ngày thứ Ba diễn ra khi nhà đầu tư rút khỏi chứng khoán vào ngày thứ Hai (24/02) trong bối cảnh sự nhảy vọt số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về sự suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài.
Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên “mức cao nhất” vào cuối tuần qua, với số ca nhiễm tăng đột biến đã đẩy tổng số ca nhiễm của nước này lên hơn 800 người – khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia có số ca nhiễm bệnh nhiều nhất ngoài Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, Italy trở thành nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 bên ngoài châu Á, với hơn 130 ca nhiễm bệnh và 7 trường hợp tử vong. Iran cũng xác nhận đã có 12 ca tử vong vì COVID-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận