Phố Wall chấn động vì margin call, lo ngại cú nổ "bong bóng chứng khoán" bắt đầu
Hàng loạt giao dịch cổ phiếu khối lượng lớn (giao dịch lô lớn – block trade) vừa được thực hiện tại thị trường Mỹ, thổi bay hàng chục tỷ USD giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp hàng đầu. Nhiều nhà đầu tư lo ngại đây là khởi đầu cho cú nổ của bong bóng chứng khoán Mỹ.
Các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Mỹ vừa có phiên giao dịch choáng váng ngày 26/3/2021. Cổ phiếu của các công ty giải trí hàng đầu nước Mỹ như ViacomCBS Inc và Discovery Inc đều giảm 27% - mức giảm mạnh nhất từ trước tới nay. Tựu chung, khoảng 35 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường.
Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường Mỹ cũng chung cảnh ngộ, trong đó có Baidu Inc và Tencent Music Entertainment Group. Những cổ phiếu của doanh nghiệp nhỏ hơn như GSX Techedu Inc, công ty cung cấp giải pháp giáo dục online Trung Quốc, thậm chí giảm tới 42%.
Trên thị trường xuất hiện hàng loạt thông tin liên quan tới việc các quỹ đầu tư lớn gặp rắc rối về thanh khoản, các nhà đầu tư tổ chức chịu cảnh “margin call” buộc phải bán giải chấp…
Dưới đây là những điều mà nhà đầu tư cần biết về diễn biến mới nhất này.
Điều gì kích hoạt các giao dịch lô lớn?
Các ngân hàng đầu tư, bao gồm Goldman Sachs Group Inc và Morgan Stanley đã bán ra hàng loạt cổ phiếu lô lớn. Các giao dịch lô lớn này là hoạt động bình thường trên thị trường, thường được thực hiện qua các thỏa thuận riêng biệt và giao dịch khi thị trường đóng cửa.
Điều khiến các giao dịch trên trở nên bất thường là quy mô của chúng – một số lô cổ phiếu có giá trị hơn 1 tỷ USD, theo thống kê của Bloomberg và việc một vài giao dịch diễn ra trong giờ giao dịch thông thường.
Tại sao nhà đầu tư tức tối?
Các giao dịch lô lớn, nhất là những giao dịch có giá cổ phiếu thấp hơn so với giá thị trường luôn khiến nhà đầu tư bực dọc, nhất là khi chưa rõ người bán là ai. Đó vốn là câu chuyện của tâm lý thị trường với nhiều câu hỏi như ai đã bán ra khối lượng lớn với giá thấp như vậy? Có điều gì tồi tệ đang xảy ra hay không?
Đây cũng là lý do tại sao giá cổ phiếu của Alibaba Group Holding Ltd giảm mạnh trong phiên giao dịch sáng ngày 26/3, khi nhà đầu tư hốt hoảng trước các giao dịch lô lớn của cổ phiếu Baidu – công ty cùng ngành, cùng tới từ Trung Quốc. Sau đó, giá cổ phiếu Alibaba đã hồi phục khi nhà đầu tư nhận ra động thái bán ra không xuất phát từ các yếu tố nhóm ngành.
Ai là người bán ra?
Theo thông tin của Bloomberg, Archegos Capital Management, văn phòng giao dịch của gia đình Bill Hwang là người đứng sau các lệnh bán bất ngờ.
Bill Hwang là nhà đầu tư lâu năm với sự nghiệp nhiều tranh cãi. Ông xây dựng quỹ đầu cơ Tiger Asia Management tại New York tập trung vào thị trường châu Á. Năm 2021, ông bị kết tội vì các giao dịch nội gián liên quan tới một số cổ phiếu nhà băng Trung Quốc, đồng ý nhận tội và nộp phạt hơn 60 triệu USD, cũng như đóng cửa quỹ đầu tư của mình.
Điều này không đồng nghĩa với việc Bill Hwang ngừng đầu tư. Thay vào đó, ông tập trung điều hành văn phòng đầu tư gia đình mang tên Archegos – hiện đã tăng trưởng với quy mô lớn hơn nhiều quỹ đầu cơ nổi tiếng. Những văn phòng quản lý tài sản gia đình thường không nhận tiền từ các nhà đầu tư ngoài, đồng nghĩa với việc họ có thể chấp nhận rủi ro lớn hơn và thường không chịu các quy định quản lý đối với quỹ đầu tư.
Điều gì đang xảy ra đối với Bill Hwang?
Theo thông tin của Bloomberg, Bill Hwang đang bị các nhà băng buộc bán ra hơn 20 tỷ USD cổ phiếu, sau khi một số giao dịch và hợp đồng phái sinh có diễn biến bất lợi với vị thế của nhà đầu tư này.
Khi các hợp đồng phái sinh rơi vào hướng tiêu cực, các nhà môi giới của Bill Hwang yêu cầu ông cung cấp thêm tài sản đảm bảo, cũng như thực hiện quyền bán giải chấp đối với một số hợp đồng để phần nào thu hồi tiền.
Các nhà môi giới này chính là các ngân hàng đầu tư, nơi cho vay đối với quỹ đầu cơ cũng như các văn phòng quản lý tài sản gia đình. Khi một nhà băng tiến hành bán giải chấp, nhiều ngân hàng khác cũng có động thái tương tự để tránh thua lỗ.
Hiện tại, cả Bill Hwang, Goldman và Morgan Stanley đều chưa đưa ra công bố nào.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Các thành viên phố Wall đang bật chế độ cảnh giác để chờ đợi xem điều gì xảy ra tiếp theo. Liệu hàng loạt giao dịch lô lớn xuất phát từ nhà Hwang có lan rộng trong hệ thống?
Chưa kể, không ít câu hỏi được đặt ra về việc tại sao nhiều ngân hàng lớn lại cho vay giá trị lớn đối với một văn phòng quản lý tài sản gia đình vốn đã có “vết đen” trong quá khứ.
Sáng 29/3/2021, Nomura Holdings Inc cảnh báo rủi ro thua lỗ lớn của một khách hàng Mỹ giấu tên, nhưng từ chối bình luận thêm. Bên cạnh đó, Credit Suisse Group AG cũng cho biết, ngân hàng có khả năng chịu lỗ sau khi một quỹ đầu cơ Mỹ gặp vấn đề và phải bán giải chấp.
Một số chiến lược gia cho biết, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện những vụ việc tương tụ, bởi nhiều quỹ đầu cơ có chung vị thế, cũng như rổ cổ phiếu tương tự nhà Hwang. Chưa kể, những diễn biến mới khi nền kinh tế Mỹ phục hồi khiến một số quỹ đầu tư từng mạnh tay rót vốn vào cổ phiếu Trung Quốc dần rời khỏi nhóm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận