Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Năm 2021, xoay trục đầu tư vào du lịch văn hóa
Năm 2021, Tổng cục Du lịch sẽ định hướng các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch sẽ xoáy sâu vào lợi thế văn hóa, di sản, ẩm thực của để khai thác và phát triển ngành kinh tế xanh.
"Bởi đây là những tài nguyên vô giá, độc đáo, khéo khai thác sẽ càng nhân lên giá trị”, TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngày đầu năm mới 2021.
Năm khủng hoảng lịch sử
Thưa ông, Covid-19 đã tác động thế nào đến bức tranh du lịch Việt Nam năm 2020?
Đại dịch Covid-19 ập đến khiến 2020 trở thành năm khủng hoảng lịch sử chưa từng có đối với ngành du lịch thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Hoạt động đi lại bị hạn chế trên phạm vi toàn cầu, các nước chủ yếu tập trung vào việc hạn chế tối đa thiệt hại chứ không trông chờ, vớt vát bằng việc đón khách quốc tế.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ước tính, năm 2020, lượng khách quốc tế sẽ giảm từ 70% đến 75%, đồng nghĩa với việc du lịch toàn cầu sẽ trở lại mốc 30 năm trước. Lượng du khách giảm 1 tỉ lượt, doanh thu du lịch quốc tế giảm 1.100 tỉ USD.
Với Việt Nam, năm 2020, nhiều kế hoạch hầu như không thực hiện được, chỉ tiêu đặt ra đều giảm mạnh: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 312.200 tỉ đồng, giảm khoảng 58,7% so với năm 2019, tương đương giảm 19 tỉ đô la Mỹ.
Cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động 90-95%. Năm 2020 có 201 lữ hành xin cấp mới giấy phép nhưng có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép. Các công ty lữ hành quốc tế chuyển hết sang kinh doanh lữ hành nội địa.
Cả nước có 26.721 hướng dẫn viên, 16.965 phải chuyển sang hướng dẫn nội địa hoặc chuyển nghề. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước nhưng công suất phòng chỉ đạt 20- 25% ở các tỉnh/ thành phố; một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi.
Nhìn lại một năm du lịch đầy sóng gió, chúng ta rút được những bài học đáng giá nào, thưa ông?
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhà nước đã có những chính sách, biện pháp kịp thời để phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn do hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, thị trường quốc tế đóng băng. Ngoài những chính sách chung, các doanh nghiệp du lịch còn được hưởng ưu đãi về giá điện, thuế đất, phí tham quan…
Mặt khác, các cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương và địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tổ chức, triển khai thực hiện hàng loạt chương trình kích cầu du lịch nội địa ngay khi điều kiện cho phép. Đây là thành công lớn trong phối hợp liên kết công – tư trong năm qua và cần được thắt chặt, tăng cường trong năm 2021.
Có thể nói, so với mặt bằng chung của thế giới, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh ấn tượng về một điểm đến, một đất nước an toàn phòng chống dịch. Bài hát Ghen Covy được phát sóng ở nhiều quốc gia; năm thứ hai liên tiếp Việt Nam được World Travel Awards vinh danh là: “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á,” “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á… Đó là điểm cộng rất lớn cho du lịch Việt Nam.
Một điểm cộng nữa là chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm để duy trì ổn định và tiếp tục phục hồi du lịch nội địa trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giới. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã thảo luận và tổng kết thống nhất 4 nhóm vấn đề của du lịch Việt Nam trong giai đoạn trước mắt. Thứ nhất là tái cơ cấu lại thị trường du lịch thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới. Thứ hai, tiếp tục tăng cường liên kết hợp tác công – tư. Thứ 3, chuyển đổi số để phát triển du lịch và thứ tư là liên kết theo chuỗi, vùng.
Giải quyết 4 nhóm vấn đề này là “chìa khóa” để Việt Nam giải bài toán phát triển du lịch trong kỷ nguyên Covid-19. Phát triển du lịch cũng đồng thời tạo sự lan tỏa để góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác, tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, năm 2021, trước mắt chúng ta vẫn chưa thể đón khách quốc tế nên thị trường nội địa vẫn là cứu cánh
Đổi mới công nghệ là “át chủ bài”
Năm 2020, dẫu đầy sóng gió do Covid-19, song chúng ta vẫn ghi được nhiều ấn tượng đẹp đối với bạn bè quốc tế, đặc biệt là hàng loạt giải thưởng được vinh danh như ông vừa đề cập. Nhờ đâu chúng ta đạt được những thành tựu đó, thưa ông?
Những giải thưởng về văn hóa, ẩm thực, di sản ở các cấp độ khu vực và thế giới là ghi nhận quý báu từ bên ngoài đối với chúng ta một cách khách quan, chính xác nhất.
Đây là kết quả của cả một quá trình lâu dài chứ không chỉ trong năm 2020. Chúng ta đã cố gắng về mọi mặt, nỗ lực quảng bá văn hóa, di sản, ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài trên các diễn đàn đa phương như UNESCO, UNWTO, ASEAN…
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa với 5 nhóm lĩnh vực. Trong đó, di sản và ẩm thực là hai mũi nhọn, chìa khóa để tấn công ra thế giới.
Giai đoạn vừa qua, chúng ta phát triển nhanh về số lượng. Năm 2020 là bước ngoặt để chúng ta nhìn lại, tái cơ cấu, mở rộng về quy mô và đặc biệt chú trọng về chất lượng, chiều sâu, tinh chỉnh công nghệ. Từ đó, tạo ra chu kỳ tăng trưởng mới theo hướng kế thừa thành công, khắc phục những tác động tiêu cực của giai đoạn trước.
Trong đó, việc đổi mới công nghệ được xem là “át chủ bài” trong việc cơ cấu lại thị trường để cùng một quy mô đầu vào, cho ra giá trị lớn hơn, nhờ giảm được nhiều công đoạn, chi phí không cần thiết.
Dự báo năm 2021, xu hướng du lịch sẽ phát triển như thế nào, thưa ông?
Năm 2020, dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu tác động mạnh mẽ khiến cấu trúc, tính chất, nhu cầu du lịch bị biến đổi dẫn tới các dòng du khách không còn nhu cầu như trước, đòi hỏi người làm du lịch phải thay đổi theo những xu hướng mới.
Năm 2021, trước mắt chúng ta vẫn chưa thể đón khách quốc tế nên thị trường nội địa vẫn là cứu cánh. Những yêu cầu về an toàn, chăm sóc sức khỏe sẽ được đề cao. Du khách không còn thích những nơi tập trung quá đông người mà tìm đến các điểm đến mới, riêng biệt theo nhóm nhỏ. Do đó, du lịch có xu hướng cá nhân hóa, du lịch đại trà theo số đông giảm mạnh. Kéo theo đó, những nơi du lịch còn khá lạc hậu, nguyên sơ như Lai Châu, Yên Bái… có cơ hội bứt phá. Đây cũng là điều các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới.
Xu hướng thứ hai là du khách sẽ quan tâm đến những dịch vụ thiết thực gồm thực, trú, hành, lạc, y, trong đó đặc biệt quan tâm đến những cảm nhận về giác quan, sức khỏe, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, chứ không quan tâm nhiều đến các hoạt động mang tính phong trào.
Xu hướng ba là phân tán các dòng khách đòi hỏi sự kết nối tinh tế, thông minh và linh hoạt giữa các điểm đến các sản phẩm dịch vụ trong chuỗi cung ứng. Nhu cầu kết nối luôn gia tăng nhưng phải đảm bảo giữ khoảng cách. Do đó, phải nhờ công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động online, trực tuyến.
Đầu tư mạnh cho các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực
Cùng với xu hướng thay đổi, ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư trong năm 2021 và thời gian tới?
Năm 2021, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần hướng tới những điểm đến ở nơi xa xôi, tương đối vắng khách. Các công trình đầu tư quy mô nhỏ, giãn cách về địa lý rồi liên kết lại thành tổ hợp bằng cách ứng dụng công nghệ. Ở những khu nghỉ dưỡng cả ngàn phòng đã xây dựng trước đây thì cần phân khu chuyên biệt, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đầu tư mới phải hướng đến an toàn, chăm sóc sức khỏe con người. Loại hình du lịch văn hóa, thể thao, chữa bệnh, sinh thái gần gũi với thiên nhiên sẽ lên ngôi. Do đó, các nhà đầu tư cần coi thiên nhiên là suối nguồn làm nền tảng để thiết kế sản phẩm du lịch. Đây là xu hướng chung và càng được nhận thức sâu sắc hơn khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Mặt khác, các sản phẩm du lịch cần nhấn đậm vào yếu tố văn hóa bản địa. Đây chính là những giá trị nền tảng để khai thác, đầu tư ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, chiều sâu, phát triển bền vững.
Trong bối cảnh Chính phủ chuẩn bị bước vào một nhiệm kỳ mới, cá nhân ông kỳ vọng điều gì?
Cá nhân tôi tin rằng, Chính phủ mới chắc chắn sẽ có những chính sách mới với tư tưởng mới, mở ra thời kỳ mới cho ngành kinh tế xanh theo hướng phát triển tích cực.
Ngành du lịch đã được Đảng, Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, những đổi mới về chính sách cũng sẽ hướng tới có lợi cho ngành. Đây không chỉ là mong muốn mà còn là xu hướng, định hướng được Đảng, Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt những năm gần đây.
Ngành du lịch đã có kế hoạch gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, thưa ông?
Ngoài những kiến nghị tới Chính phủ về việc tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, kích cầu, từ đó mang du khách quay trở lại. Có lẽ, đây là biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất đối với doanh nghiệp trong lúc này. Bởi, hỗ trợ về thuế, tài chính chỉ là tạm thời, mang tính chất chữa cháy.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ định hướng các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch sẽ xoáy sâu vào lợi thế văn hóa, di sản, ẩm thực của Việt Nam để khai thác và phát triển. Đây là những tài nguyên vô giá, khai thác khéo sẽ nhân lên giá trị và không có giới hạn về giá trị.
Khi đời sống được nâng lên, du khách sẵn sàng chi vài triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng để xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật hay một trận bóng đá. Hưởng thụ văn hóa dần dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và là tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống. Do đó, cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế đều chuyển sang một thời kỳ mới chú trọng hơn về chất lượng, chiều sâu văn hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận