Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sẽ cải cách tiền lương theo đúng lộ trình
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kỳ vọng mức lương mới sẽ bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức...
Nghị quyết số 27-NQ/TW (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp) đã đề ra mục tiêu từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kỳ vọng mức lương mới sẽ bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động; góp phần giảm tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng “vặt” trong hệ thống cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp.
*Chuyển dần sang trả lương theo chính sách mới từ năm 2021
Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập cải cách chính sách tiền lương, xây dựng kế hoạch triển khai việc thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, trong đó phân công các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất thực hiện để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo tiến độ được giao.
Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã họp 2 phiên nghe báo cáo về tiến độ, các phương án thiết kế bảng lương, chế độ phụ cấp, phương án bố trí nguồn cải cách tiền lương và những khó khăn trong việc thực hiện.
Đến nay, các bộ, cơ quan đang tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công tại Nghị quyết số 107/NQ-CP và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới thay thế chế độ tiền lương hiện hành.
Các bộ ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện và tổ chức các hội nghị phổ biến quán triệt chế độ tiền lương mới.
Mới đây, các đại biểu Quốc hội đã đồng thuận cao biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), thể chế hóa được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về độ tuổi nghỉ hưu và nhiều nội dung liên quan tới khu vực doanh nghiệp như tiền lương tối thiểu, hội đồng tiền lương, phương pháp trả lương...
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các quyết định về cơ chế tiền lương đặc thù đối với một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như một số đơn vị cấp cục của các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải...
Theo đó, Thủ tướng chỉ cho phép các đơn vị này thực hiện cơ chế tiền lương đặc thù tới hết năm 2020 để sắp xếp lại, chuyển dần sang trả lương theo chính sách mới từ năm 2021, bảo đảm minh bạch sự nghiệp công với dịch vụ hành chính công và tạo thuận lợi cho các vấn đề khác như kiểm tra chuyên ngành...
Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành Nghị định về thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính theo hướng áp dụng chung cho tất cả các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trên tinh thần quán triệt cụ thể Nghị quyết số 27 và 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập).
Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2012/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập và sửa đổi Nghị định số 41/2012/NĐ-CP về biên chế, vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị định mới về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
Như vậy, sau 1 năm kể từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chính phủ, Quốc hội và Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đã triển khai nhiều công việc để có thể thực hiện cải cách lương vào năm 2021.
Đồng thời kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia (bổ sung thêm chuyên gia độc lập); quy định thang lương, bảng lương theo hướng Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp (bỏ quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động), giao cho doanh nghiệp, người lao động xây dựng và thực hiện.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) có tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân và người lao động, hướng tới bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
*Thực hiện đúng các giải pháp tài chính, ngân sách
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu tăng trưởng kinh tế, thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng thu nội địa, dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để bố trí nguồn cải cách tiền lương.
Vì vậy, để thực hiện được cải cách chính sách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng các giải pháp tài chính, ngân sách tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đối với các địa phương có số thu thấp, không đảm bảo chi cải cách tiền lương, sẽ được điều tiết từ nguồn ngân sách Trung ương.
Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 86/2019/QH14 và Nghị quyết 87/2019/QH14về giao dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó đã thể chế hóa các chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW để làm cơ sở triển khai thực hiện, xác định rõ các giải pháp dành nguồn để cải cách tiền lương từ năm 2021.
Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hội có tính chất đặc thù, biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với tổng biên chế được giao năm 2015.
Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý năm 2019 giảm so với năm 2015 là 50.547 người, trong đó giảm 4,26% tại địa phương, giảm 11,85% tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
Các bộ, cơ quan, địa phương đã kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập với việc thể chế hóa và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương.
Việc thực hiện nêu trên chỉ là kết quả bước đầu. Các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, coi đây là công việc rất quan trọng để cải cách chính sách tiền lương một cách đồng bộ.
*Cải cách tiền lương theo đúng lộ trình
Đối với những người hưởng lương trong khu vực sự nghiệp công, chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong công việc, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo ra nguồn lực để cải cách tiền lương cho chính mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận