Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán và TPDN
Phát biểu trước Quốc hội chiều 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh các nội dung: Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá cả hợp lý; khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu; kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,...
Phát biểu giải trình tại phần chất vấn của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, bao quát đối với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các nội dung cụ thể đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời tương đối đầy đủ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và những vấn đề bất cập trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Về thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian qua, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển, tăng trưởng, đa dạng hóa sản phẩm, song đã xuất hiện một số hành vi tiềm ẩn rủi ro, vi phạm quy định pháp luật.
Trước tình hình trên, từ tháng 12/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 công điện và văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bất động sản.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả
Về đổi mới, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu cho rằng, "việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn chậm".
Ông dẫn chứng, giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 30% kế hoạch. Từ năm 2021 đến nay chỉ cổ phần hóa 5 doanh nghiệp, thoái vốn tại 38 doanh nghiệp.
Cho rằng, các nguyên nhân chậm đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Để đẩy nhanh tiến độ đổi mới, cơ cấu lại, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 Nghị định, 3 Quyết định, 1 Nghị quyết về cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Các chính sách này đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Về kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp xong phương án của các bộ, ngành, 63 địa phương và dự thảo kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã họp và cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp thu, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6/2022.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ tối đa lợi ích của nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận