Phó Thống đốc nói gì về nhận định tiền đang bị "ế"?
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã lý giải về tình trạng lãi suất liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế lại rất thấp và nhận định hiện nay tiền đang bị "ế".
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/7, phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng từ đầu năm đến nay lãi suất Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng thấp, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng đang “ế tiền”, nguyên nhân vì sao? Phải chăng đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp cần tiền lại không đủ điều kiện vay, trong khi doanh nghiệp khác đủ điều kiện lại không có nhu cầu vay? - Theo báo Lao động Thủ đô.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã lý giải các nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng lãi suất Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm nhưng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng thấp.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất cho vay từ 0,5 đến 2%, so với cùng kỳ năm ngoái là tăng 2 lần. Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm từ 0,7 đến 0,8%; lãi suất cho vay bình quân giảm từ 1 đến 1,2%.
Trong đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã có nhiều gói giảm lãi suất sâu cần có sự ưu đãi của Chính phủ, Nhà nước và xu hướng chung lãi suất tiếp tục giảm. Nhìn chung các lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành cũng như lãi suất cho vay.
Về dư nợ tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngay từ đầu năm đơn vị xác định 14 đến 15% tăng trưởng để phù hợp với chỉ tiêu của Quốc hội đưa ra là góp phần tăng trưởng GDP ở mức 6,5% và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, đến nay dư nợ tín dụng mới tăng được 4,2%; số tuyệt đối là 12.423 nghìn tỷ đồng; số tiền huy động được là 12.691 nghìn tỷ.
“Không hẳn là ế tiền, nhưng có thể khẳng định thanh khoản của các ngân hàng đang thừa, tốc độ tín dụng tăng trưởng chậm”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng lý giải các nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư nợ tín dụng thấp, trong đó đáng chú ý là những khó khăn của nền kinh tế; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; suy giảm mạnh về cầu đầu tư và cầu tiêu dùng.
Thậm chí cả các doanh nghiệp FDI cũng gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản vẫn chưa khởi sắc, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường này. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng vì khó có khả năng bảo đảm và trả nợ, vì thế Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp có điều kiện thì lại không có nhu cầu vay, trong khi những doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ lại muốn vay. Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra sự khác biệt so với các năm để lý giải vì sao lãi suất giảm nhưng dư nợ tín dụng lại không tăng.
“Cùng với các giải pháp đồng bộ thời gian tới, chúng tôi hy vọng lãi suất tiếp tục giảm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; các ngân hàng phải bảo đảm sự an toàn cho hệ thống. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số vào hệ thống ngân hàng để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp bằng chính sách giãn, hoãn các khoản nợ được triển khai… Tất cả nhằm hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận