Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Chưa giảm lãi suất điều hành thời điểm này
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc giảm lãi suất điều hành chưa phải là giải pháp thích hợp và phát huy tác dụng trong thời điểm hiện nay.
Theo Phó Thống đốc thời điểm này, cần cân đối bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời, dưới góc độ vĩ mô là kiểm soát lạm phát trong năm 2021 cũng như những năm tới.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích, không như lãi suất cho vay, để có lãi suất điều hành phù hợp thì phải phụ thuộc vào diễn biến khách quan của nền kinh tế, dựa trên yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tài chính. Để điều hành kinh tế vĩ mô, cần phải căn cứ vào biến động của tình hình kinh tế thế giới, các chính sách tiền tệ phải bảo đảm theo hướng linh hoạt, bảo đảm ổn định kiểm soát lạm phát, giữ các cân đối lớn của nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Do đó, đối với việc tăng hay giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc, tính toán kỹ, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan. Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 3 lần lãi suất điều hành. Đến nay, dưới góc độ vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước cho rằng mặt bằng lãi suất điều hành, lãi suất thị trường cơ bản ổn định và phù hợp.
Cùng với việc phân tích diễn biến thị trường thực tế, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, hay còn gọi là thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dồi dào, lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp. Ở đầu ra, trong bối cảnh hiện nay, cầu tín dụng ra nền kinh tế còn khá thấp, do đó, việc giảm lãi suất điều hành chưa phải là giải pháp thích hợp và phát huy tác dụng trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi chặt các diễn biến để có các công cụ hữu hiệu, vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ đúng thời điểm, từ đó phát huy tác dụng, đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 được ban hành trong bối cảnh khác hiện nay.
Cụ thể Thông tư 03 được ban hành khi dịch COVID-19 được dự báo sẽ qua trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp dần trở lại hoạt động bình thường nhưng đến nay tình hình không như vậy. Hiện nay, đặt trường hợp nhanh nhất các địa phương dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau tháng 8 này thì đến hết năm, các doanh nghiệp vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại.
Ngân hàng Nhà nước hiện đang thu thập các ý kiến, thiết kế lại các Thông tư theo hướng bảo đảm sự hỗ trợ tốt hơn, quyết liệt, chủ động hơn để trợ lực kịp thời các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong số đó, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét điều chỉnh nhiều quy định như mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đối với cả các khoản nợ phát sinh từ sau ngày 10/6/2020 cho đến một thời điểm phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trên cơ sở đánh giá tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4…
Khi xây dựng chính sách, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán bảo đảm hài hòa, giải quyết nhiều câu hỏi đặt ra giãn, hoãn thế nào, kéo dài bao lâu, thời điểm nào, trích lập dự phòng rủi ro thế nào? Đây là bài toán không đơn giản, phải đáp ứng “thước đo kép”, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng cũng phải bảo đảm không để lại hậu quả. Nếu cơ cấu không hợp lý, không phản ánh khách quan nền kinh tế, nợ xấu cao thì sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, dự phòng rủi ro trong tương lai.
Bên cạnh đó, khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính dài hạn hơn, vừa giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lúc đang giãn cách trước mắt, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn lực phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách.
Đối với việc 16 tổ chức tín dụng vừa họp và thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú ước tính nguồn tín dụng từ số lợi nhuận cắt giảm sơ bộ vào khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát huy vai trò tiên phong. Ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết thêm khoảng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 và phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Các ngân hàng này đã triển khai miễn phí 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là dù các ngân hàng thương mại cũng hoạt động kinh doanh như một doanh nghiệp nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, khi tình trạng dịch căng thẳng, việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực. Để có điều kiện chia sẻ trách nhiệm đồng hành, giảm sâu hơn lãi suất cho doanh nghiệp, đòi hỏi các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động và chia sẻ nguồn lợi nhuận./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận