Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan: TP.HCM có 5 việc phải làm khẩn trương để vận hành dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: Sắp tới còn thành phố có ít nhất 5 việc nữa phải làm khẩn trương. Nếu thành phố làm không khẩn trương 5 việc này thì có nghĩa dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng này dù có xong cũng chưa thể vận hành được.
Ngày 22/8, phát biểu tại lễ lắp đặt cửa van cống Cây Khô (thuộc Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 – dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng), ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thời gian qua dự án đã trải qua nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng, kể cả tổ chức thi công ban đầu … đã khiến dự án bị trể hẹn.
“Người dân thành phố nhận thấy dự án có ý nghĩa, nhưng vì chậm đưa vào sử dụng nên người dân cũng rất là băn khoăn và lo lắng”, ông Hoan nói.
Dù vậy, theo ông Hoan, lãnh đạo TP.HCM, Trung Nam Group và tất cả các Sở, ngành, quận, huyện có liên quan đã có nhiều nỗ lực phối hợp rất tốt trong nội bộ để thống nhất cách xử lý, phối hợp giữa thành phố với các cơ quan trung ương để tìm con đường giải quyết những khó khăn, vướng mắc của dự án.
"Chúng ta đã vượt qua được những khó khăn này và hôm nay là những ngày cuối cùng của quá trình triển khai dự án. Chúng ta được chứng kiến việc tổ chức lắp đặt các cửa van phục vụ cho dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng của thành phố. Đây là một công việc rất quan trọng, có ý nghĩa, nhất là trong điều kiện toàn thành phố chúng ta đang nỗ lực trên tất cả các phương diện. Người dân thành phố, cán bộ công chức thành phố, các lực lượng vũ trang thành phố đều hướng tới Đại hội Đảng bộ lần thứ XI”, ông Hoan nhận định.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, trong Chiến dịch 200 ngày của Thành ủy và UBND thành phố có 10 nội dung thì trong đó vấn đề chống ngập và dự án ngăn triều này là một trong 10 nội dung phải triển khai thực hiện. Do đó, cần phải thực hiện tốt và có hiệu quả .
“Hiện thời gian thì ít, công việc sắp tới cũng không còn nhiều nhưng toàn là việc khó, nhưng đứng về phía UBND TP.HCM, sắp tới còn ít nhất 5 việc nữa phải làm khẩn trương. Nếu thành phố không làm khẩn trương 5 việc này thì có nghĩa dự án này dù có xong cũng chưa thể vận hành được”, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, dự án không chỉ lắp xong rồi để đó còn vận hành nó như thế nào?. Do đó, đây là một việc rất khó khăn, cần thiết lãnh đạo thành phố, các Sở, ngành, các quận huyện có liên quan cần phải phối hợp để thực hiện 5 việc này.
Việc thứ nhất là cần phải khẩn trương phê duyệt phương án tổ chức quản lý vận hành các hệ thống đi kèm của dự án này. “Nếu các hệ thống này không được vận hành thì dự án vẫn nằm đó thôi, bởi, không đi vào phê duyệt được thì sẽ giống như máy móc, thiết bị nhà xưởng có rồi nhưng điện chưa có, tổ chức bộ máy chưa có, phối hợp chưa có, thì chắc chắn dự án không bao giờ hoạt động. Đây là điều thành phố nên làm”, ông Hoan nói.
Việc thứ 2 là phải kiểm tra, kiểm toán để đánh giá quá trình đầu tư dự án làm cơ sở để quyết toán sau này.
Thứ 3 là cần phải chuẩn bị một đề án tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà tư vấn, quản lý dự án. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện nay dự án chưa có ai để quản lý. Trong khi đó, Trung Nam Group mới chỉ là nhà đầu tư để thực hiện dự án, còn khi có đề án quản lý vận hành thì phải có cơ quan quản lý, tổ chức bộ máy quản lý vận hành.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan với nhau và trong nội bộ của bộ máy quản lý vận hành dự án. Do đó, phải khẩn trương tổ chức đấu thầu, sớm chọn được nhà tư vấn quản lý cho dự án trong thời gian 3-5 năm, sau đó sẽ tiếp tục đấu thầu lại.
Việc thứ 4 là phải xây dựng một danh mục các khu đất để thanh toán cho các nhà đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, ông Hoan cho biết, hiện thành phố đang trình Ban Chỉ đạo 167 những vị trí đất để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký kết. “Vấn đề này thành phố phải làm nhanh. Vì các nhà đầu tư đã làm xong rồi mà thành phố vẫn chưa có phương án tính toán, thanh toán thì rất khó khăn cho các hoạt động của nhà đầu tư”, ông Hoan cho hay.
Việc cuối cùng mà Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề cập, là thành phố phải làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó khi đưa các cống van ngăn triều đi vào hoạt động. Bởi, khi đóng cửa van lại thì nước không vào bên trong nhưng nước ở bên ngoài sẽ cao hơn. Và từ đó những người dân hoặc những khu vực dân cư nằm ở ven sông, kênh, rạch này sẽ gặp khó khăn.
Theo đó, thành phố cần phải có chỉ đạo khẩn trương, trước hết, phải cảnh báo cho mọi người dân thành phố trước những tác động nói trên. Đồng thời, phải có kịch bản cụ thể để ứng phó với những trường hợp không ngập ở trung tâm thành phố nhưng có thể ngập ở những vùng ven sông.
“Đó là 5 việc mà thành phố phải làm từ nay cho đến cuối năm 2020. Tôi hy vọng rằng với sự nổ lực của các đơn vị liên quan trong thời gian qua và với khí thế đang hướng tới Đại hội Đảng Bộ thành phố lần thứ XI. Dự án của chúng ta sẽ không trễ hạn và sẽ hoàn thành đúng theo các nội dung đã cam kết”, ông Hoan nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận