Phía sau lạm phát thấp là nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng
Lạm phát vẫn là rủi ro của thế giới và đang tác động gián tiếp tới giá cả và nền kinh tế trong nước. Nhiều dự báo gần đây đưa ra đều cho rằng chắc chắn sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Nhiều dự báo đưa ra lạm phát chỉ ở mức 2-3%. Tuy nhiên, lạm phát thấp đang cho thấy nhiều nỗi quan ngại cho nền kinh tế.
Kiểm soát lạm phát hỗ trợ thực hiện 'mục tiêu kép'
Các tổ chức quốc tế cũng cho rằng khả năng lạm phát chung toàn cầu sẽ tăng trong trung hạn khi các gói hỗ trợ kinh tế tiếp tục được tung ra với quy mô lớn (các gói hàng nghìn tỷ USD của Mỹ về đầu tư cơ sở hạ tầng, kích thích kinh tế hậu COVID của EU...). Lạm phát vẫn là rủi ro của thế giới.
Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỉ lệ “nhập khẩu lạm phát”. Đây là những yếu tố sẽ tác động chung đến lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, trong nước áp lực tăng giá vẫn luôn có. Lại thêm do dịch COVID-19 lan rộng, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách cũng đã khiến có sự tăng giá cục bộ ở một số nơi.
Nhưng công tác điều hành giá luôn trên quan điểm thận trọng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu chung nên đã kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định vĩ mô và giảm bớt khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Đơn cử như để bình ổn giá xăng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã liên tục chi ở mức cao, nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Từ đầu năm 2021 đến nay, trong 14 lần điều chỉnh giá xăng dầu, có 10 lần tăng giá xăng, 2 lần giảm và 2 lần giữ ổn định; giá dầu có số lần điều chỉnh tăng ít hơn (7-8 lần tùy loại).
Về giá điện, để hỗ trợ người dân, Chính phủ đã thống nhất 4 đợt điều chỉnh giảm giá điện, tiền điện từ năm 2020 đến nay. Đã thực hiện 2 lần điều chỉnh với ước tính tổng số tiền hỗ trợ là trên 12.300 tỷ đồng. Sẽ tiếp tục thực hiện đợt 3 và 4, đồng thời giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly; giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế phục vụ chống dịch. Giảm từ 10-15% tiền điện (trước thuế VAT) cho người dân ở các nơi giãn cách. Mức hỗ trợ đợt 3 ước tính khoảng 1.200-1.300 tỷ đồng, đợt 4 khoảng 2.500 tỷ đồng.
Ban chỉ đạo điều hành giá và Bộ Tài chính đã kịp thời yêu cầu các biện pháp quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát để hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát không đáng lo nhưng lo cho sản xuất
Theo dự báo về những tháng tới của Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo điều hành giá, nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế (nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân xuất nhập khẩu...) vẫn được điều hành đảm bảo. Học phí ổn định. Giá thực phẩm cơ bản ổn định do các hoạt động sản xuất, chăn nuôi được phục hồi khả quan; Nguồn cung hàng hóa dồi dào trong khi sức mua, tổng cầu nền kinh tế còn thấp.
Giá nhiều mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý nhìn chung vẫn được giữ ổn định hoặc kiềm chế mức tăng giá. Bộ Tài chính khẳng định CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Theo kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ thì lạm phát bình quân cả năm quanh mức 3% nếu không có các yếu tố biến động quá bất thường, đột biến xảy ra.
Còn TS. Nguyễn Đức Độ (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính) dự báo lạm phát năm 2021 chỉ ở mức 2-2,5%, vĩ mô vẫn ổn định. Giá dầu đã chững lại, giá sắt thép cũng giảm mạnh. Việc giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao vừa qua chỉ là cú sốc tạm thời. Sang năm FED thực hiện chính sách thắt chặt nên giá hàng hóa mang tính đầu cơ nhiều nên có thể chững lại ở mức cao và sẽ giảm. Giá cả trong nước cũng sẽ không tăng cao do nguồn cung đủ nhưng quan trọng nhất là cầu rất thấp và chuỗi cung đứt gãy, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.
Theo các phân tích và dự báo thì rõ ràng, lạm phát không đáng lo. Nhưng diễn biến thị trường giá cả và tình hình lạm phát đã bộc lộ rõ những rủi ro của nền kinh tế đó là cầu rất thấp và chuỗi cung đứt gãy. Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do lưu thông gián đoạn, làm tăng giá thành sản xuất, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó chi phí sản xuất đã tăng rất cao do dịch bệnh. Giá lương thực, thực phẩm, tôm, cá rau và hoa quả giảm mạnh ở các tỉnh phía Nam là do lưu thông khó khăn do giãn cách, thương lái cũng không đi mua gom hàng được. Ngược lại, nhiều nhà máy chế biến hoặc thiếu nguyên liệu hoặc phải dừng hoạt động hoặc phải giảm công suất vì dịch bệnh.
Lạm phát thấp, giá không tăng cũng cho thấy cầu rất thấp và rất yếu. Nhiều hoạt động, nhu cầu tiêu dùng quan trọng như du lịch, đi lại, ẩm thực, mua sắm hàng công nghệ, cơ sở lưu trú, bất động sản, hàng không... gần như đã giảm xuống mức tối thiểu. Nhà máy đóng cửa, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập nên đã giảm chi tiêu đến mức tối thiểu. Cầu thấp có nghĩa là sản phẩm của doanh nghiệp làm ra giảm mức tiêu thụ kéo theo sự suy giảm khả năng chống đỡ của doanh nghiệp. Tinh trạng đình trệ sản xuất sẽ trầm trọng thêm.
“Nhìn vào mục tiêu lạm phát thì không đáng lo. Nhưng nhìn vào mục tiêu sản xuất thì thực sự đáng lo”, TS. Nguyễn Đức Độ nói.
Kiểm soát lạm phát song song với hỗ trợ doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn cho người dân, kích thích tổng cầu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng... đó cũng là những việc mà công tác điều hành những tháng cuối năm hướng tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận