menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Phía sau cái kết chóng vánh của SVB

SVB trở thành ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tại một Hội nghị giới hạn khách mời ở Los Angeles (Mỹ) đầu tháng Ba năm nay, ông Greg Becker - CEO của SVB Financial Group (Tập đoàn tài chính SVB - công ty mẹ của Ngân hàng SVB) ngồi trên chiếc ghế đỏ, hai chân bắt chéo, tay vung lên và tuyên bố: “Chúng tôi tự hào là đối tác tài chính hàng đầu trong thời điểm khó khăn nhất”.

Nhưng tất cả đã đi vào dĩ vãng và SVB trở thành ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Vị trí đem lại lợi thế tuyệt đối

SVB có trụ sở tại Santa Clara, California - trái tim của Thung lũng Silicon. Vị trí này đem lại lợi thế tuyệt đối với SVB, khi ngành công nghệ của Mỹ phát triển như vũ bão.

Thành lập năm 1983, SVB có thể được coi là “non trẻ” so với nhiều ngân hàng “lão làng” trong hệ thống tài chính của nước Mỹ, nhưng nhanh chóng phát triển thành tổ chức tài chính quan trọng nhất đối với ngành công nghệ hàng đầu thế giới.

Tự gọi là “đối tác tài chính của nền kinh tế đổi mới”, ngân hàng này kết hợp chặt chẽ với cơ sở hạ tầng tài chính của ngành công nghệ, là đối tác cung cấp dịch vụ ngân hàng tin cậy của giới công nghệ tên tuổi, là đối tác hàng đầu của các công ty khởi nghiệp, chuyên phục vụ nhu cầu tài chính đặc biệt cho các start - up, nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ đang phát triển tại Thung lũng Silicon.

Khi ngành công nghệ phát triển và mở rộng ra ngoài Thung lũng Silicon, SVB cũng mở rộng, thành lập văn phòng tại các trung tâm công nghệ lớn khác tại Mỹ như: Boston, New York và Austin, cũng như tại Anh, Trung Quốc và Israel.

Dù sở hữu hàng trăm tỷ USD tiền gửi, SVB chỉ có chưa tới 20 chi nhánh và còn khá xa lạ với công chúng. SVB là một trong 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ, với tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD và khoảng 175,4 tỷ USD tiền gửi, theo thông tin của Công ty Bảo hiểm ký thác liên bang (FDIC).

Hiện tại, theo công bố, SVB đã cung cấp dịch vụ ngân hàng cho gần một nửa số công ty công nghệ, chăm sóc sức khỏe của Mỹ và cho hơn 2.500 công ty đầu tư mạo hiểm.

48 giờ “điên loạn”

Sự sụp đổ của SVB bắt đầu vào ngày 8/3, khi ngân hàng thông báo sẽ bán tháo một loạt chứng khoán và phải huy động vốn 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Động thái đã chính thức kích hoạt cuộc rút tiền gửi đột biến.

Chỉ trong 48 tiếng khi mọi thứ trở nên “điên loạn”, các công ty khởi nghiệp ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng vốn được coi là xương sống của giới start - up công nghệ, SVB chính thức sụp đổ.

Ngày 9/3, SVB Financial Group nỗ lực trấn an khách hàng rằng tiền của họ vẫn an toàn. Đến sáng ngày 10/3, mọi giao dịch cổ phiếu của ngân hàng này bị dừng. Giới chức Mỹ ập vào và tịch thu tài sản của SVB sau khi có thông tin rõ ràng việc rút tiền gửi khiến ngân hàng không còn khả năng tự tồn tại. FDIC tiếp quản SVB.

“SVB không có đủ số vốn cần thiết. Sẽ không thể ngăn chặn một khi nó đã sụp đổ. Đó là lý do SVB bị đóng cửa”, cựu Chủ tịch FDIC William Isaac nhận định sau vụ việc.

Còn Daniel Cohen, cựu Chủ tịch The Bancorp bình luận, “SVB đáng lẽ phải chú ý tới những điều cơ bản trong hoạt động của ngân hàng. Các khách hàng gửi tiền giống nhau sẽ hành động theo những cách giống nhau vào cùng một thời điểm. Các chủ ngân hàng luôn đánh giá quá cao mức độ trung thành của khách hàng”.

Như vậy, vẫn một lý do kinh điển trực tiếp đẩy SVB đến chỗ phá sản là khách hàng đồng loạt rút tiền và “tháo chạy”. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau có vẻ phức tạp hơn.

Phía sau cái kết chóng vánh của SVB
Sự sụp đổ chớp nhoáng của SVB tạo nên làn sóng chấn động khắp ngành công nghệ Mỹ, phố Wall, thậm chí là hệ thống tài chính toàn cầu. (Nguồn: TechCrunch)

Đi chệch hướng hay tự vào bẫy

Theo bình luận của giới quan sát, số phận của “thảm họa” này được định đoạt từ trước, khi cơn sốt tiền rẻ quét qua mọi ngóc ngách của ngành tài chính Mỹ trong thời kỳ đại dịch và SVB ngập trong tiền gửi.

Trong một thời gian dài, mọi thứ vẫn diễn ra rất tốt, khi các nhà đầu tư mạo hiểm liên tục rót tiền cho rất nhiều start - up công nghệ thông qua SVB. Nhưng mọi chuyện trở thành thảm họa khi mọi thứ đi chệch hướng.

Giai đoạn đầu đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất gần bằng 0 để thúc đẩy tăng trưởng trong thời kỳ kinh tế suy yếu. Lĩnh vực công nghệ được hưởng lợi đáng kể từ chính sách này.

Trong giai đoạn 2020-2022, SVB đã nhận hàng chục tỷ USD từ các khách hàng của mình. Theo tính toán của Bloomberg, đến tháng 3/2021, tổng tiền gửi của SVB đã tăng vọt từ 62 tỷ USD trong 12 tháng trước đó lên 124 tỷ USD.

Với số tiền khổng lồ trong tay, nhà băng này lập tức đem đi “đầu tư” bằng cách chuyển đổi thành lượng lớn trái phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ khác, trị giá hơn một nửa tài sản của ngân hàng, vì tin rằng lãi suất sẽ ổn định.

Giới phân tích nhận định, SVB đã tự tạo ra một cái bẫy. Vì động thái này trở thành nguồn cơn cho sự sụp đổ khi Fed liên tục tăng lãi suất trong năm 2022. Lãi suất tăng, đồng nghĩa giá trị trái phiếu giảm, buộc ngân hàng này phải thu hồi khoản lỗ. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề của SVB và cách xử lý rắc rối: Tại sao họ không lên trước kế hoạch phòng ngừa rủi ro khi ôm hàng tỷ USD tiền gửi từ những dự án công nghệ non trẻ và bấp bênh?; Lý do họ không đặt ra câu hỏi về kịch bản lãi suất tăng trở lại?... Liệu SVB có sai lầm khi chưa thể huy động được 2,5 tỷ USD trước lúc công bố khoản lỗ hàng tỷ USD hay không?

Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh vào năm ngoái để kiềm chế lạm phát, chi phí đi vay cao hơn làm chậm đà tăng của các cổ phiếu công nghệ, vốn là lợi nhuận và nguồn tăng trưởng của SVB. Lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị của trái phiếu có lãi suất cố định dài hạn mà SVB đã mua và thu lợi trong thời kỳ lãi suất gần như bằng 0, khiến ngân hàng này bị tổn thương trước sự thay đổi chính sách tiền tệ của Fed. Danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD của SVB có lợi suất trung bình là 1,79%, trong khi lợi suất trái phiếu 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ đã lên tới khoảng 3,9%.

Cùng lúc đó, vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt, buộc các start - up phải rút tiền đang gửi tại SVB để duy trì hoạt động. Vì vậy, ngân hàng này vừa lâm vào tình cảnh chịu lỗ trái phiếu, lại vừa phải xử lý tình huống ngày càng nhiều khách hàng rút tiền. “Hiệu ứng domino” sau đó xảy ra với tốc độ cực kỳ chóng vánh, trong bối cảnh lập trường cứng rắn của Fed đã gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế.

Chính sự lo ngại này đã khiến định giá của các quỹ đầu tư mạo hiểm và start - up công nghệ tụt dốc không phanh. Như một lẽ tất yếu, những khách hàng chính của SVB ồ ạt rút tiền. Thậm chí, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm không ủng hộ kế hoạch củng cố bảng cân đối kế toán của SVB đã ra cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn và gửi email hướng dẫn các start - up nhanh chóng rút tiền gửi khỏi SVB.

Những cơn sóng ngầm

Tuy nhiên, bên dưới phần nổi của tảng băng còn là những cơn sóng ngầm. Trong thời kỳ tiền gửi tăng trưởng nhanh, SVB ồ ạt mua các trái phiếu dài hạn và né được mọi sự kiểm soát nhờ những quy tắc về kế toán.

Tính đến cuối năm 2022, khoản lỗ tính theo thị giá của SVB đối với các chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn đã vượt quá 15 tỷ USD, gần như bằng toàn bộ vốn chủ sở hữu 16,2 tỷ USD. Nhưng sau khi ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, các nhà đầu tư vẫn rất lạc quan.

Sự sụp đổ chớp nhoáng của SVB tạo nên làn sóng chấn động khắp ngành công nghệ Mỹ, phố Wall, thậm chí là hệ thống tài chính toàn cầu. Câu hỏi được nhiều người đưa ra, liệu vụ việc của SVB có lây lan, rồi bùng phát thành khủng hoảng tài chính lớn như sau vụ Lehman Brothers hay không?

Giới chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại thì không và sẽ không có bất kỳ vấn đề nào lan rộng ra toàn bộ lĩnh vực ngân hàng. SVB lớn nhưng là ngân hàng duy nhất phục vụ gần như độc quyền thế giới công nghệ và các công ty được vốn đầu tư mạo hiểm hậu thuẫn. Các ngân hàng khác đa dạng hơn nhiều phủ rộng trên nhiều ngành, đối tượng khách hàng và khu vực địa lý.

Hơn nữa, vòng “kiểm tra sức chịu đựng” gần đây nhất của Fed đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn nhất cho thấy, tất cả sẽ sống sót sau cuộc suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể. Tuy nhiên, có thể có những hiệu ứng dây chuyền trong giới khởi nghiệp công nghệ, nếu số tiền còn lại không thể được giải phóng nhanh chóng.

Ngay sau vụ sụp đổ của SVB, Ngân hàng Signature (Signature Bank) đã bị đóng cửa vào ngày 12/3.

Signature là ngân hàng thương mại thành lập từ năm 2001, có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), chuyên cung cấp dịch vụ cho các quỹ đầu tư tư nhân ở New York, Connecticut, California, Nevada và North Carolina. Đây được xem là ngân hàng tiền ảo lớn nhất nhì tại Mỹ bên cạnh Silvergate, có thế mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp tiền mã hóa.

Theo CNBC, tính tới ngày 31/12/2022, Signature có tổng tài sản 110,4 tỷ USD và 88,6 tỷ USD tổng tiền gửi. Việc Signature đóng cửa đánh dấu sự sụp đổ lớn thứ ba trong lịch sử ngân hàng Mỹ sau trường hợp của SVB và Washington Mutual (2008). Signature là tổ chức tài chính thứ ba đóng cửa chỉ trong một tuần, bên cạnh SVB và Silvergate.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại