Phía sau bản án tử hình của bị cáo Trương Mỹ Lan
Trong thời hạn 7 ngày kể từ thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật, bị cáo Trương Mỹ Lan được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Bị cáo cũng có quyền kháng cáo trong vòng 15 ngày, kể từ 12/4.
"Những bị cáo nào được trả tự do đề nghị đứng lên để lực lượng dẫn giải biết và sẽ không áp dụng biện pháp áp giải với các bị cáo", giọng của chiến sĩ cảnh sát thông báo lớn vào loa chiều muộn 11/4, hướng dẫn các bị cáo sau khi HĐXX kết thúc gần 8 giờ tuyên đọc bản án.
Phiên tòa sơ thẩm đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 với 86 bị cáo đã tạm khép lại bằng bản án nghiêm khắc nhưng vẫn có sự khoan hồng dành cho các bị cáo.
Đã có hình phạt cao nhất được HĐXX tuyên dành cho người chủ mưu, cầm đầu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; cũng có rất nhiều bị cáo được tuyên mức án dưới khung đề nghị; nhiều người nhận án treo và 9 người được trả tự do ngay tại tòa.
Án tử hình cho 3 tội danh
Bà Trương Mỹ Lan được áp giải đến tòa vào ngày tuyên án với ngoại hình không khác mấy so với ngày đầu xét xử. Bà mặc áo sơ mi trắng đó, tóc xõa ra, nhiều khoảnh khắc mỉm cười khi phóng viên chụp ảnh, quay phim.
Bà không còn khóc như giây phút nói lời sau cùng. Qua màn hình tivi không rõ nét, phóng viên tự hỏi khi đang đối diện với mức án tử hình, một người bình thường sẽ cảm thấy thế nào?
20 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù tội Đưa hối lộ và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt bị cáo Trương Mỹ Lan phải chấp hành là tử hình.
Vào buổi sáng 11/4, khi lắng nghe HĐXX đọc nhận định về hành vi của các bị cáo, trong đó nhấn mạnh "cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất", bà Lan quay qua quay lại gây ồn ào khiến HĐXX phải nhắc nhở bị cáo tập trung nghe tuyên án.
Đến khi HĐXX tuyên mức án tử hình với bị cáo, cảnh sát áp giải được điều đến đứng sát, choàng tay bà Lan, có lẽ để trấn an, nhưng vị Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vẫn đứng vững, không cần sự trợ giúp.
Bà đứng nghe phần tuyên án các bị cáo còn lại với ánh nhìn có phần vô định, hai bàn tay buông lỏng, thi thoảng thay đổi tư thế khoanh tay trước ngực, vuốt tóc. Không ai biết trong lòng người phụ nữ được gọi là "không có nước mắt", "tinh thần thép" kia có đang dậy sóng hay không.
Theo quy định pháp luật, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, bị cáo Trương Mỹ Lan được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 12/4. 7 bị cáo vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hoặc niêm yết.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được đăng tải công khai lên trang điện tử của TAND TPHCM.
Đứng không vững
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước mặc chiếc áo sơ mi trắng giống vào ngày bị cáo nói lời sau cùng. Khi lắng nghe mức án tù chung thân, bà gần như kiệt sức, nhắm mắt và ngã người vào các đồng chí áp giải.
Xuyên suốt những ngày xét xử, bị cáo chỉ bỏ khẩu trang ra vào lúc đứng trên bục trình bày. Những hình ảnh được ghi lại của bà Nhàn phần lớn là bộ dạng cúi mặt, có nhiều khi ngồi nép sát vào lưng các cán bộ dẫn giải. Hay lúc bị cáo chỉ ngồi nhìn thẳng, thì ánh mắt luôn ngấn lệ, như chất chứa nhiều nỗi niềm.
Số tiền 5,2 triệu USD mà bà Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ trong vụ án này được cho là lớn nhất từ trước tới nay bị phát hiện. Bị cáo nhiều lần nhắc lại cụm từ "xấu hổ", "nhục nhã" khi đề cập đến hành vi của mình.
Còn bị cáo Nguyễn Văn Hưng phải chống một tay vào ghế trước khi HĐXX tuyên mức hình phạt cho mình. Ông nhận mức án 11 năm tù.
Bà Nhàn và ông Hưng trong suốt quá trình thẩm vấn, tranh luận đã liên tục tranh cãi qua lại, đùn đẩy trách nhiệm trong việc ra báo cáo kết quả thanh tra bao che cho sai phạm của SCB. Thậm chí bị cáo Hưng còn từ chối rất nhiều câu hỏi từ luật sư bào chữa của bà Nhàn, tỏ thái độ không hài lòng.
Nhưng tới giờ phút nói lời sau cùng, ông Hưng vẫn xin HĐXX xem xét khoan hồng cho bà Nhàn. Họ trước khi hầu tòa là đồng nghiệp của nhau, là mối quan hệ "sếp - lính".
Phóng viên dự tòa nhớ cũng vào ngày nói lời sau cùng, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc SCB) đã tranh thủ giải thích rõ lời khai của mình trước đó khi nói về bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB). Theo Dung, bị cáo muốn lý giải để không có sự hiểu lầm nào, "vì sau này anh em còn nhìn mặt nhau ngoài đời".
Bà Trương Mỹ Lan, Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn và một số bị cáo khác trong những phần trình bày đều xin tòa khoan hồng, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho những cấp dưới của mình, cho rằng họ chỉ làm việc theo chỉ đạo.
Có lẽ các bị cáo trong vụ án này đều xác định tòa án hay trại giam không là nơi cuối cùng họ chạm mặt, vẫn nuôi hy vọng về ngày được tự do và gặp nhau ở đâu đó ngoài kia.
Những kiến nghị sau phiên tòa
HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản (nếu có) đối với 3 bị can đã chết trong vụ án, gồm Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành và Nguyễn Ngọc Dương.
Thông qua việc xét xử vụ án này và một số vụ án gần đây, HĐXX kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp cũng như ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, tái cơ cấu, thanh tra và giám sát đối với các tổ chức tín dụng để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Tòa cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan có quy định kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội nhưng vẫn khuyến khích, tạo động lực để phát triển kinh tế như chủ trương của Chính phủ đề ra.
Kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm toán; Kiến nghị cơ quan điều tra xác minh làm rõ dòng tiền hơn 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD mà bà Trương Mỹ Lan cho tài xế chở về tòa nhà Vạn Thịnh Phát để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả. Đồng thời, làm rõ các sai phạm có liên quan (nếu có) để xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có quy định chi tiết các điều kiện về tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay có khả năng thu hồi.
Kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan (hoặc cá cá nhân, tổ chức cho Trương Mỹ Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch trên nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn 2 theo quy định.
HĐXX đề nghị C03 Bộ công an, VKSND Tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan để có căn cứ xem xét giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận