24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Văn Thái
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phí vận chuyển toàn cầu tăng vọt vì xung đột Nga - Ukraine

Xung đột Nga Ukraine làm tất cả mọi thứ đều tăng

Các công ty tăng cước thuê tàu, nâng giá vận chuyển bằng máy bay, thậm chí áp phụ phí rủi ro chiến sự do tình hình căng thẳng.

Xung đột Nga – Ukraine đang gây gián đoạn nghiêm trọng với hoạt động vận tải đường biển và hàng không trên thế giới. Các công ty tham gia chuỗi cung ứng cho biết Nga đã đóng nhiều tuyến vận tải biển, các hãng logistics thì ngừng cung cấp dịch vụ tại đây, còn chi phí vận chuyển bằng đường hàng không đang tăng vọt.

Dylan Alperin – Giám đốc dịch vụ tại hãng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng Keelvar cho biết hải quân Nga đã chặn việc ra vào biển Azov – một trong các cửa ngõ với thương mại đường biển tại Ukraine. "Việc này khiến lượng tàu xếp hàng chờ đi qua eo biển Kerch ngày càng nhiều. Vì 70% xuất khẩu của Ukraine là qua đường biển, sự tắc nghẽn này đang tồi tệ hơn theo từng giờ", ông cho biết trên CNBC.

Christian Roeloffs – CEO công ty đặt tàu container Container xChange thì nói: "Nhiều khu vực tại Biển Đen và biển Azov đang trong tình trạng nguy hiểm hoặc không thể đi qua. Có nhiều tàu đã bị tấn công bằng tên lửa, bị bắt giữ. Làn dành cho vận tải thương mại cũng bị đóng rồi".

Giá vận chuyển tăng vọt

Nhiều doanh nghiệp cho biết khi không phận Ukraine đóng cửa với các chuyến bay dân sự và các hãng bay né không phận Nga, giá cước vận tải bằng đường hàng không đang tăng mạnh. "Lệnh cấm bay đã khiến rất nhiều chuyến bị hủy. Tổng độ dài các tuyến vận tải hàng không toàn cầu bị cắt ngắn 10 triệu km", Alperin cho biết, "Khi hàng không chỉ đảm nhận chuyên chở khoảng 20% hàng hóa, việc này sẽ càng làm giảm năng lực của các hãng".

Judah Levine – Giám đốc Nghiên cứu tại hãng đặt dịch vụ vận tải Freightos Group cho biết khi các hãng bay né không phận Nga, họ sẽ phải chọn các tuyến thay thế dài hơn, khiến chi phí nhiên liệu tăng. Thêm vào đó, giá dầu lên cao sẽ càng khiến triển vọng của các hãng vận chuyển u ám, Alperin cho biết. "Chúng tôi dự báo tồn kho và chậm giao hàng sẽ lên mức kỷ lục. Giá vận tải cũng vậy", ông nói.

Levine cho biết giá chuyển hàng bằng máy bay từ Trung Quốc sang châu Âu mà Freightos Air Index theo dõi đã tăng hơn 80% cuối tháng 2, lên 11,36 USD một kg. Một số hãng bay thậm chí áp phụ phí rủi ro chiến sự.

Trên CNBC, các công ty cho biết việc vận chuyển hàng hóa bị đình trệ do các cảng Odessa và Mariupol tại Ukraine đã đóng hoặc bị tấn công. Odessa là cảng lớn nhất Ukraine và là cảng xuất khẩu ngũ cốc lớn của nước này. Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất với lúa mỳ, lúa mạch và ngô. Nga và Ukraine tổng cộng đóng góp 20% xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu. Trong khi đó, Mariupol là thành phố cảng quan trọng kiêm trung tâm công nghiệp của nước này.

Bindiya Vakil – CEO hãng quản trị rủi ro chuỗi cung ứng Resilinc cho biết một số hãng bảo hiểm đã tăng phí với hàng hóa vận chuyển trên Biển Đen. Nhiều công ty logistics đã ngừng chuyển hàng đi và đến Nga, Ukraine. Các hãng vận tải biển cũng tránh thị trường Nga. DHL cho biết đã đóng cửa văn phòng và hoạt động tại Ukraine. UPS thì dừng dịch vụ tại Ukraine, Nga, Belarus.

Alperin cho biết số hãng vận chuyển ngừng hoạt động tại Nga hiện đóng góp 62% vận tải đường biển toàn cầu. Cước thuê tàu chở cũng tăng vọt, từ 157% - 591%.

Thủy thủ đoàn mắc kẹt

Phòng Vận tải biển Quốc tế (ICS) tuần trước cảnh báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tồi tệ hơn do thiếu thủy thủ đoàn vì chiến sự. "Nhiều tàu đã bị trúng đạn, thủy thủ đoàn bị thương hoặc mắc kẹt tại nơi neo đậu ở cảng", ICS cho biết. Số thủy thủ tại Ukraine và Nga đóng góp 14,5% nhân lực ngành này trên toàn cầu.

"Để duy trì thương mại, các thủy thủ cần được tự do di chuyển. Tuy nhiên, các chuyến bay đã bị hủy, khiến việc này càng khó khăn", tổ chức này cho biết trong một thông báo. Họ cũng nhấn mạnh nhiều thủy thủ đã bỏ lại tàu ở Ukraine vì vấn đề an toàn. "Nỗi lo an toàn cho các thủy thủ và phí bảo hiểm tăng khi điều tàu đến Nga hoặc Ukraine đã khiến các chủ tàu ngại đưa tàu đến những nước này", ICS cho biết.

Hồi tháng 2, hiệp hội này cho biết "việc trả lương cho các thủy thủ cũng phải được đảm bảo thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế". Tháng trước, Mỹ, Canada và châu Âu đã đồng ý loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT – kết nối hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, "khi ruble Nga mất giá, nhiều công ty Nga cũng không thể chi trả cho hàng hóa trên tàu, khiến nhiều hàng bị bỏ không và tạo ra khối nợ chưa thanh toán lớn", James Coombes – CEO hãng dịch vụ vận tải Vector.ai cho biết: "Các đại lý giao nhận (freight forwarders) sẽ mắc kẹt với cả tấn đơn hàng chưa được thanh toán".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả