menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Nga

Phí ship tăng cao, giao hàng chậm trễ

Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, nhu cầu mua sắm, đi chợ online của người dân tăng cao. Trong khi đó, số lượng nhân viên giao hàng (shipper) lại bị hạn chế di chuyển khiến phí giao hàng hiện tăng gấp đôi, gấp ba so với trước, nhưng thời gian giao hàng thường chậm trễ.

Chị Mai (Linh Đàm) đặt mua 2 hộp pate ở đường Nguyễn Khang, được người bán báo giá cước vận chuyển hàng hoá (phí ship) 135.000 đồng! Khi chị phàn nàn giá cước cao gấp đôi giá một hộp pate, người bán dường như cũng ái ngại, mong chị thông cảm và giải thích rằng do đang là lúc cao điểm, cửa hàng không có lựa chọn nào khác nên nếu khách đồng ý thì giao, không thì có thể hủy đơn hàng.

Hủy đơn vì không chịu được “nhiệt”

Không chỉ người mua mà nhiều chủ bán hàng online cũng “đau đầu” về việc phí ship tăng cao khiến khách hủy đơn liên tục. Chị Ngọc - chuyên kinh doanh bánh ngọt ở Cầu Giấy cho biết, những ngày này, có khách đặt hàng thì chị mới dám làm, bởi giá ship tăng chóng mặt.

“Mỗi ngày, trước khi đăng bài bán hàng, tôi phải thông báo giá ship rất cao để khách hàng lựa chọn mua hay không. Thực tế, người bán hàng cũng thấy xót ruột thay cho khách, mỗi đơn hàng đi gần cũng 50 nghìn, xa hơn hơn chút thậm chí lên đến 100 nghìn đồng phí ship. Phí ship cao nhưng giao hàng lại rất chậm, nhất là hàng ăn cần phải giao nhanh kẻo hỏng hết đồ của khách nên chỉ khi nào khách phản hồi đã nhận hàng thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, chị Ngọc cho hay.

Ngoài ra, chị Ngọc cho hay, cùng một điểm nhận nhưng giá cước giao hàng thay đổi liên tục. Có đơn hàng từ Cầu Giấy giao qua Phạm Hùng kèm chung đơn 2 khách (thường cộng thêm cước), giá cước mà shipper tính hôm trước là 90.000 đồng, nhưng hôm sau đã “nhảy lên” 135.000 đồng/đơn.

Tương tự, chị Thu Châu, chủ một cửa hàng hoa quả ở Hoàng Mai thông tin, gần một tuần nay, chị phải dừng nhập một số trái cây ở các tỉnh về Hà Nội do giá cước vận chuyển tăng cao. "Nếu như trước đây, giá cước cho một thùng hàng khoảng 40 kg từ Hoà Bình xuống Hà Nội là 50.000 đồng thì nay tôi phải trả 200.000 đồng cho lượng hàng tương tự. Chưa kể thời gian giao, nhận hàng cũng kéo dài thêm vài tiếng đồng hồ", chị Châu cho biết.

Trao đổi với VnBusiness, một nhà xe vận tải hàng hóa chuyên tuyến Hoà Bình- Hà Nội cho biết, nguyên nhân phí giao hàng tăng là do tài xế của hãng thường xuyên phải đi xét nghiệm Covid-19 nên nhà xe phải tăng giá cước để bù chi phí.

Hầu hết các đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng xác nhận, phí cước giao hàng trong thời gian giãn cách xã hội tăng cao do việc nhận, giao hàng của shipper khó khăn, tốn thời gian hơn. Trong khi đó, số lượng shipper được cấp phép hoạt động ít đi.

Cần sự chia sẻ

Tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đưa ra những quy định nhằm "siết" hoạt động giao hàng trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh từ 26/7 yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper thực hiện ngay việc rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy. Hay như tại Hà Nội cũng quy định những shipper được cấp phép hoạt động mới được lưu thông trên đường khiến số lượng shipper giảm đi rất nhiều.

Ông Phan Tường Bách, Giám đốc vận hành AhaMove cho biết, một nguyên nhân khiến giá cước tăng là do số lượng shipper của hãng được cấp phép hoạt động ít, chỉ khoảng 2.000 người tại Hà Nội và không phải lúc nào 100% số lượng này cũng tham gia vận chuyển. Bởi shipper của hãng có người trong vùng phong tỏa, cách ly, có người lại về quê, có người sợ dịch bệnh không đi làm. Trong khi đó, nhu cầu trong những ngày này tăng đột biến dẫn đến cung cầu chênh lệch, nên mức giá cũng thay đổi.

"Mức giá tăng không duy trì và cố định trong một khoảng thời gian dài, mà sẽ thay đổi liên tục tùy theo thời điểm trong ngày, theo lượng cung cầu, thời tiết, khu vực. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ điều chỉnh và khống chế mức trần đơn giá tăng không quá 1,5 - 2 lần", đại diện AhaMove thông tin.

Đại diện Gojek cũng nêu lý do tương tự khiến phí giao hàng tăng: “Hệ thống Gojek ghi nhận mỗi ngày có hàng chục nghìn đơn hàng, tăng 5-6 lần so với trước lúc giãn cách. Lượng shipper lại giảm, việc nhận hàng, vận chuyển đều tốn nhiều thời gian hơn trước nên phải tăng giá cước để vừa đảm bảo quyền lợi của tài xế, vừa đáp ứng được đơn hàng của khách”.

Ngoài ra, các đơn vị vận chuyển cũng cho rằng, chi phí tăng này cũng là cách để hỗ trợ các shipper đang chấp nhận rủi ro đi giao hàng cho khách khi phải mất rất nhiều thời gian, phiền phức khi đi qua các chốt phong tỏa.

Một vài đơn vị không tăng phí cước trong cao điểm dịch COVID-19, nhưng việc vận chuyển hàng chậm hơn rất nhiều so với trước đây do khối lượng đơn hàng tăng lên từng ngày. Đại diện Vietnam Post khẳng định, tất cả các chi phí giao hàng hiện nay của hãng đều không có điều chỉnh tăng giá cước. Tại mỗi bưu cục của hãng đều niêm yết bảng cước dịch vụ rõ ràng để tiện cho khách hàng theo dõi và cân nhắc dịch vụ sử dụng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại