Phí giao hàng tăng chóng mặt
Cung giảm, cầu tăng, giá dịch vụ giao nhận hàng hóa (ship) tại TP.HCM ngày càng cao.
Tiền ship gấp hơn 6 lần tiền hàng
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về một đơn hàng vừa chọn trên sàn thương mại điện tử Lazada, anh Đoàn Chí (ngụ Q.10, TP.HCM) kể câu chuyện “cười ra nước mắt” giữa mùa dịch. Số là bà xã mang bầu thèm ăn chuối, nhưng xung quanh khu vực nơi anh ở không có chợ, không có siêu thị, mua sắm thực phẩm khó khăn nên anh quyết định đặt hàng online. Sau khi dạo một vòng trên trang Lazada, anh Chí tìm được một điểm đăng bán chuối xiêm miền Tây, giá 50.000 đồng/5 kg. Thấy rẻ, anh đặt luôn 5 kg, nhưng đến khi xuất đơn thì tá hỏa vì phí ship báo tới 327.800 đồng cho hình thức giao hàng tiêu chuẩn, thời gian ước tính từ 4 - 8 ngày.
“Tiền ship cao gấp hơn 6 lần tiền chuối thì làm sao mua? Mấy hôm sau mở ra đặt lại, thử đổi điểm giao hàng sang khu vực Q.1, phí ship vẫn báo hơn 300.000 đồng. Sau đó, tôi đặt hàng online tại siêu thị bên phường gần nhà, mấy ngày sau mới có, nhưng họ lại không có người giao hàng nên tôi phải tự đến lấy. Đặt một lần 7 nải chuối đủ loại luôn cho bõ công. Nhà có bà bầu sắp sinh, phải cố tìm chỗ mua thêm ít thịt cá, rau củ quả tẩm bổ nhưng cũng khó lắm. Muốn tuân thủ không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, nhưng nhiều khi không đi không được”, anh Chí thở dài.
Tương tự, ngày 4.8, chị Minh (Q.7) đặt một đơn hàng thực phẩm từ cửa hàng quen ở Q.3 về nhà, người bán thông báo phí ship 76.000 đồng theo giá đặt dịch vụ giao hàng qua ứng dụng Grab. Mức giá này gần gấp đôi so với ngày thường. Trước đó hồi cuối tuần, chị cũng được chủ một shop quen bán hàng online thông báo cộng thêm 25.000 đồng tiền ship, thay vì miễn phí như mọi khi với lý do chi phí vận chuyển tăng cao, mong cả người bán và người mua cùng chia sẻ.
“Lần khác, tôi muốn đặt một số bột làm bánh từ cửa hàng ghi địa chỉ tại Q.1 với giá 98.000 đồng, nhưng được báo phí ship là 74.000 đồng, “choáng” luôn. Tìm trên các cửa hàng tương tự tại nhiều sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee đều báo phí ship tương tự. Giá ship gần bằng giá hàng nên thôi, từ bỏ luôn kế hoạch làm master chef (siêu đầu bếp - PV) mùa dịch. Bánh kẹo ăn chơi còn bỏ được chứ thịt, cá, rau củ quả hằng ngày thì vẫn phải chấp nhận phí giao nhận tăng vọt do hạn chế ra siêu thị... Mà giá cao vậy chứ tìm tài xế cũng khó lắm, nhiều khi phí tăng gấp 2, gấp 3 mà vẫn không có shipper nào nhận hàng cho”, chị Minh kể.
Khảo sát trên trang Lazada, tùy từng shop tại các khu vực khác nhau sẽ hiển thị giá cước tương ứng. Một số cửa hàng trong nội thành TP.HCM tuy giá cước không tăng mạnh nhưng lại thông báo chỉ giao được trong địa bàn một quận, huyện nhất định. Nhu cầu mua sắm của người dân cũng vì thế mà bị hạn chế nhiều. Ngoài ra, không chỉ giá ship hàng trong khu vực nội đô tăng cao, nhiều người dân phản ánh giá cước viễn thông, gửi bưu điện liên tỉnh cũng tăng khoảng gấp đôi so với trước.
Khan hiếm tài xế, cầu vượt cung
Ghi nhận trường hợp giá ship hàng gấp hơn 6 lần giá hàng mà anh Đoàn Chí phản ánh, đại diện Lazada cho biết công ty đã lập tức rà soát để tìm nguyên nhân. Cụ thể, Lazada có hình thức đo kích thước, trọng lượng của sản phẩm để tự động tính giá vận chuyển. Trường hợp trên, do nhà bán hàng sơ suất, để sai kích thước nên phí giao hàng mới tăng cao như vậy. Hiện Lazada đã liên hệ với nhà bán hàng để điều chỉnh lại thông tin.
“Chúng tôi luôn nỗ lực giao sản phẩm tới tay khách hàng trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại như người giao hàng nằm trong vùng phong tỏa, không thể ra ngoài; các quy định kiểm soát của các phường, xã, quận khác nhau khiến gặp nhiều khó khăn trong việc giao nhận hàng hóa. Hiện nay, việc hỗ trợ cho khách hàng và nhà bán hàng là ưu tiên hàng đầu của Lazada. Mặc dù việc giãn cách xã hội có thể gây ảnh hưởng tới thời gian giao hàng nhưng chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cũng như tuân thủ các chỉ đạo, hướng dẫn để bảo đảm việc giao hàng hóa tới người tiêu dùng được an toàn và thuận lợi”, đại diện Lazada chia sẻ.
Tương tự, đại diện Grab thông tin giai đoạn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhu cầu đặt mua hàng hóa của người dân tăng cao, trong khi số lượng đối tác tài xế giảm đã dẫn đến trường hợp giá cước dịch vụ một số thời điểm trong ngày tại một số khu vực có tăng.
Để giải quyết tình trạng này, trong những ngày qua, Grab đã đẩy mạnh việc cung cấp bảng tên thẻ cứng và băng đeo tay cho đối tác tài xế, đảm bảo các đối tác có thể lưu thông trên đường và giao nhận hàng hóa đúng theo chỉ thị của cơ quan chức năng. Ngoài ra, bên cạnh lựa chọn hoạt động tại một quận đã đăng ký với Grab, các đối tác Grab cũng được lựa chọn giao hàng liên quận đến những khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 theo đúng quy định. Cũng bắt đầu từ ngày 4.8, doanh nghiệp này đã triển khai chính sách hỗ trợ khoản phạt vi phạm hành chính, hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/trường hợp trong trường hợp đối tác bị xử phạt vi phạm hành chính khi thực hiện chuyến xe dù đã thực hiện đúng quy trình vận hành theo yêu cầu của Grab và quy định của cơ quan chức năng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận