24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Tiến Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phi đô la Mỹ sẽ làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu

USD vẫn có vai trò rất lớn trong hệ thống toàn cầu. Nếu bỏ USD thì phải có ngay lập tức một đồng tiền mạnh để thay thế USD, điều không khả thi.

Theo nhận định của ông George Magnus, nhà kinh tế và nhà nghiên cứu độc lập tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, đã có các cuộc thảo luận sôi nổi trên thị trường tài chính trong vài tháng về chủ đề “phi đô la Mỹ”.

Ý tưởng cơ bản đằng sau điều này là đồng USD đang bị thách thức vì nhiều lý do, trong đó một số quốc gia không muốn đồng tiền của Mỹ có vị trí thống trị trong hệ thống tiền tệ thế giới. Họ muốn một thứ gì đó khác thay thế đồng USD - thứ gì đó thoát khỏi sự kiểm soát của Bộ Tài chính Mỹ và độc lập với hệ thống ngân hàng Mỹ.

Ở cấp độ toàn cầu, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra động lực mới cho vấn đề này. Bắc Kinh chắc chắn đã bất ngờ trước áp lực trừng phạt Nga mà Mỹ và EU áp đặt. Cũng như Iran và Bắc Triều Tiên, Nga đã cảm thấy ám ảnh về đồng USD. Do đó, nhiều quốc gia đã có những ý định riêng nhằm lật đổ sự thống trị của "đồng bạc xanh" hoặc ít nhất là thúc đẩy tính đa cực trong trật tự tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, đến nay vai trò của đồng USD trong hệ thống kinh tế toàn cầu không dễ dàng thay đổi. Và nếu đồng USD mất đi tính ưu việt của mình, toàn bộ hệ thống kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ bị đảo lộn.

Vị thế của đồng USD

Vấn đề phi đô la Mỹ không phải là mới, và cần lưu ý rằng vấn đề ở đây không phải là đồng USD mạnh hay yếu, hay có trải qua các chu kỳ tăng giá và giảm giá đều đặn hay không, mà nằm ở vai trò và vị thế của đồng tiền Mỹ trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.

Điều thường bị lãng quên trong cuộc thảo luận hiện nay là vị thế độc tôn của đồng USD trong nền kinh tế thế giới là duy nhất. Mặc dù đúng là đồng bảng Anh đã từng là đồng tiền dự trữ chính của thế giới, nhưng giá trị chủ yếu được gắn với vàng. Trước đó, vàng và bạc dưới nhiều hình thức khác nhau đóng vai trò là phương tiện tài trợ cho thương mại quốc tế và lưu chuyển vốn.

Như Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Guanghua của Đại học Bắc Kinh, đã chỉ ra rằng vai trò của đồng USD trong hệ thống thương mại và dòng vốn toàn cầu kể từ năm 1945 là chưa từng có trong lịch sử. Các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Thụy Sỹ, Singapore và bây giờ là cả Brazil chỉ có thể tiếp tục các chính sách kinh tế với thặng dư tài khoản vãng lai lớn bởi vì có một quốc gia hoặc hệ thống khác ở phía bên kia - đáng chú ý nhất là Mỹ và đồng USD - có thể hấp thụ khoản tiết kiệm dư thừa của họ bằng cách cho họ quyền truy cập tự do vào một danh sách dài các tài sản. Các tài sản này bao gồm trái phiếu công và tư nhân, cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng, bất động sản thương mại và nhà ở, vốn cổ phần tư nhân và các hình thức đầu tư khác tại Mỹ.

Vương quốc Anh, Canada và Australia cũng cung cấp quyền truy cập này, nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều so với Mỹ. Như ông Pettis lưu ý, gần 80% tổng số tiền tiết kiệm dư thừa của thế giới dành cho các nền kinh tế Anglo-Saxon, trong đó hơn một nửa trong số đó dành cho Mỹ. Đến lượt chúng, theo định nghĩa, phải tăng mức thâm hụt thích hợp để hấp thụ các khoản tiết kiệm dư thừa từ phần còn lại của thế giới.

Vai trò độc nhất của đồng USD, cả trong lịch sử và hiện tại, cũng luôn khiến các đối thủ khó chịu. Sự ác cảm với đồng USD bùng lên khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào năm 1971 và khi Nhật Bản được nhiều người dự đoán sẽ thống trị nền kinh tế thế giới trong những năm 1980. Đồng euro ra đời vào đầu thiên niên kỷ cũng mang đến kỳ vọng có khả năng cạnh tranh với đồng USD. Có lẽ giai đoạn cao trào nhất cho đến gần đây là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) khi đó kêu gọi một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới.

Lựa chọn thay thế thực tế

Nỗi ám ảnh về đồng USD hiện nay không phải là mới, nhưng rất đáng chú ý vì liên quan đến tham vọng trở thành một cường quốc kinh tế và tài chính toàn cầu của Trung Quốc. Giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc tin chắc rằng Mỹ đang suy tàn và đồng NDT có thể là đồng tiền kế thừa tự nhiên.

Do đó, hầu như không ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn sử dụng đồng NDT rộng rãi hơn trong các giao dịch xuyên biên giới. Trong khi bản thân đồng NDT là tâm điểm của sự quan tâm, những ý tưởng khác đã thu hút sự chú ý đến việc tạo ra một đơn vị tiền tệ trong đó đồng NDT sẽ là thành phần chi phối. Chẳng hạn, năm nay, ý tưởng về đồng tiền chung của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) đã được đưa ra; đồng thời có những cuộc thảo luận về việc mở rộng nhóm BRICS sang Nam Bán cầu.

Ai Cập, Iran, Kazakhstan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nằm trong số những quốc gia được mời tham dự cuộc họp của BRICS tại Johannesburg vào tháng Sáu. Các thành viên tiềm năng trong tương lai bao gồm Algeria, Argentina, Bahrain, Indonesia, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ nếu BRICS quyết định mở rộng nhóm.

Tuy nhiên, mục tiêu tạo ra một loại tiền tệ mà các quốc gia thù địch hoặc có mâu thuẫn với Mỹ có thể giao dịch là khá xa vời và chỉ phục vụ cho mục đích chính trị. Đơn giản là không khả thi để hỗ trợ một loại tiền tệ cho một nhóm các quốc gia có nhiều sự khác biệt, nằm ở xa khu vực tiền tệ tối ưu. Trong khi nền kinh tế, cán cân thanh toán, cấu trúc thị trường, lợi ích chính trị và an ninh quốc gia đều khác nhau rất nhiều.

Trung Quốc, chiếm khoảng 70% GDP của BRICS và là quốc gia thị trường mới nổi duy nhất đã tăng đáng kể tỷ trọng GDP toàn cầu trong 30 năm qua, thậm chí không có đồng tiền chuyển đổi hoàn toàn. Việc dỡ bỏ kiểm soát vốn là rất khó xảy ra. Nước này đầu tư số tiền thu được từ thặng dư tài khoản vãng lai chủ yếu vào Mỹ và các thị trường phát triển khác.

Không có khu vực tiền tệ BRICS cung cấp tài sản cho Trung Quốc, Nga và các quốc gia thặng dư khác để đầu tư. Nga là một quốc gia đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt. Brazil và Nam Phi là những nhà xuất khẩu hàng hóa có đồng tiền gắn với đồng USD. Ấn Độ là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo dân số và có thâm hụt thương mại lớn. Ngoài ra, Ấn Độ có đặc điểm dân tộc chủ nghĩa của riêng mình, ở xa Bắc Kinh và không hào hứng với việc gộp dự trữ của mình với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó là những câu hỏi mang tính kỹ thuật quan trọng: Một loại tiền tệ BRICS sẽ được neo vào loại tiền tệ nào? Đồng tiền đó có nên được tự do chuyển đổi? Và tại sao các quốc gia có đồng tiền được định giá bằng đồng USD như Saudi Arabia lại muốn giữ dự trữ NDT?

Nói dễ hơn làm

Sự chú ý hiện vẫn đang tập trung vào đồng NDT. Bắc Kinh đã thúc đẩy ý tưởng quốc tế hóa đồng NDT với nhiều mức độ khác nhau trong nhiều năm, nhưng đây vẫn là chủ đề bàn tán liên tục trong hơn một thập kỷ. Đối với nhiều người, phi đô la Mỹ chủ yếu là về vai trò suy giảm của "đồng bạc xanh" và sự gia tăng của "đồng bạc đỏ".

Phần lớn các cuộc thảo luận xoay quanh tỷ lệ ngày càng tăng của thương mại xuyên biên giới được thanh toán bằng đồng NDT. Điều này chắc chắn đúng với nước Nga. Kể từ sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giao dịch nhiều hơn với Trung Quốc và sử dụng đồng NDT nhiều hơn cho các khoản thanh toán.

Trong năm 2023, cũng có ý kiến cho rằng Saudi Arabia, Iraq, Thái Lan, Iran, Argentina, Pakistan và Brazil có thể muốn giao dịch nhiều hơn bằng đồng NDT. Đồng thời, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương khác để cung cấp đồng NDT cho tín dụng hoặc thanh khoản.

Bắc Kinh cũng đã cố gắng xây dựng kiến trúc Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) của riêng mình như một giải pháp thay thế cho hệ thống SWIFT toàn cầu dựa trên đồng USD. Mục tiêu của Trung Quốc tất nhiên là đảm bảo an toàn nhất có thể trước các biện pháp trừng phạt bằng cách hạn chế xử lý các giao dịch thông qua các ngân hàng Mỹ.

Tuy nhiên, so sánh hai hệ thống cho thấy kiến trúc của Trung Quốc thực sự không thể thay thế kiến trúc của đối tác toàn cầu, có lẽ ngoại trừ một nhóm nhỏ các quốc gia có cùng chí hướng. SWIFT là một hệ thống có hơn 11.000 thành viên tham gia ở 200 quốc gia, trong đó đồng USD chiếm 42%, đồng euro 35% và NDT 3% trong tất cả các giao dịch.

Mặt khác, CIPS là một hệ thống có 79 thành viên trực tiếp và 1.348 thành viên gián tiếp ở 138 quốc gia, chủ yếu bao gồm các ngân hàng Trung Quốc. CIPS cung cấp một kênh giao dịch thay thế đồng USD, nhưng không phải là một công cụ để quốc tế hóa đồng NDT.

Các lý do khiến đồng USD vẫn chiếm ưu thế cho đến nay

Không có sự thay thế khả thi nào cho đồng USD trong tương lai gần. Sức hấp dẫn tương đối của đồng bạc xanh vẫn mạnh mẽ và dựa trên 5 lợi thế. Thứ nhất là quán tính: cần phải có những biến động lớn để tách một đồng tiền dự trữ ra khỏi vai trò của nó và thay thế nó bằng một thứ gì đó có giá trị riêng. Thứ hai là hiệu ứng kết nối: đồng USD phổ biến, được chấp nhận, có thể giao dịch và đáng tin cậy nhất trên toàn thế giới. Thứ ba là thị trường vốn thanh khoản và linh hoạt: Mỹ có thị trường vốn lớn chưa từng thấy. Thứ tư là quản trị rõ ràng, minh bạch và pháp quyền - đây là những thuộc tính không thể thiếu đối với một loại tiền tệ thế giới đáng tin cậy. Thứ năm là ít phân biệt đối xử giữa người trong nước và người nước ngoài: Ngoại trừ những quốc gia không may bị Washington trừng phạt, tất cả những bên tham gia thị trường vốn của Mỹ đều được đối xử bình đẳng.

Đúng là tỷ lệ dự trữ ngoại hối chính thức được ghi nhận của đồng USD đã giảm từ khoảng 60-65% một thập kỷ trước xuống còn khoảng 58% hiện nay. Tuy nhiên, như dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã làm rõ, lý do cho tỷ trọng giảm chủ yếu là do sự tăng giá của đồng AUD và CAD, đồng krona Thụy Điển và đồng won của Hàn Quốc, chứ không phải đồng NDT vốn vẫn chỉ chiếm ở mức 3% một cách ổn định.

Hệ thống NDT cung cấp rất ít hoặc không có những phẩm chất được liệt kê ở trên, và việc chính phủ nước này chuyển hướng sang kiểm soát nhiều hơn, chiến dịch chấn chỉnh doanh nghiệp tư nhân trong những năm gần đây đã làm trầm trọng thêm tình hình. Những diễn biến này, cùng với các luật và quy định mới đã làm giảm nhu cầu đầu tư gián tiếp của Trung Quốc và làm gia tăng sự bất an của các công ty nước ngoài, ít nhất là đối với các khoản đầu tư trong tương lai.

Để Trung Quốc có đồng tiền thế giới lớn hơn đáng kể so với AUD và CAD, đồng yen Nhật Bản hoặc đồng bảng Anh, các nhà đầu tư nước ngoài cần có khả năng tích lũy quyền sở hữu đối với tài sản bằng đồng NDT. Để điều này có thể xảy khi Trung Quốc chịu thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và dai dẳng thay vì thặng dư.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, Bắc Kinh sẽ phải từ bỏ các chính sách trọng thương vốn duy trì thặng dư trong thời gian dài. Nước này có thể cũng cần thay đổi phương thức phát triển và thực hiện các cải cách sâu rộng để tăng vai trò của tiêu dùng tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, cải cách hệ thống thuế, mở rộng hệ thống phúc lợi và phân phối lại thu nhập và của cải từ nhà nước sang khu vực tư nhân. Tuy nhiên, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang xem xét một chính sách như vậy.

Lựa chọn thứ hai là từ bỏ các biện pháp kiểm soát vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ nhưng đã bị thắt chặt sau cuộc khủng hoảng tài chính 2015-2016. Trong trường hợp này, các công ty và hộ gia đình Trung Quốc có thể được phép đầu tư ra nước ngoài, nhưng xác suất của điều này xảy ra là nhỏ. Dòng vốn lớn chảy ra ngoài nền kinh tế sẽ dẫn đến sự mất giá mạnh mẽ của đồng NDT, ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính.

Chìa khóa nằm trong tay Mỹ

Trong trường hợp không có thảm họa chính trị hoặc khủng hoảng quốc tế thách thức khả năng của Mỹ trong việc tuân thủ các quy tắc của hệ thống tiền tệ hiện tại, rất khó đồng USD bị lung lay trong tương lai gần. Tiền tệ dự trữ toàn cầu không chạy theo mốt nhất thời. Vai trò của đồng USD là chưa từng có trong lịch sử và khó có thể thay thế, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Bất kể mong muốn của Bắc Kinh hay Moskva, số phận của đồng USD vẫn nằm trong tay Washington. Bởi vì sở hữu đồng tiền dự trữ toàn cầu không chỉ là một đặc ân. Có vẻ như Chính phủ Mỹ sẽ không cố gắng tổ chức lại hệ thống tiền tệ toàn cầu, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy niềm tin và các ưu tiên đang bắt đầu thay đổi.

Tuy nhiên, thông điệp quan trọng nhất là không thể đảo ngược hệ thống tiền tệ thế giới và đồng tiền dự trữ mà không làm đảo lộn toàn bộ hệ thống thương mại thế giới. Nếu một ngày nào đó Mỹ không còn sẵn sàng hấp thụ các khoản tiết kiệm dư thừa của các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, thì mọi thứ cũng sẽ phải thay đổi. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ sẽ giảm, tiết kiệm trong nước của Mỹ sẽ tăng lên.

Đổi lại, thặng dư của Trung Quốc và các nước thặng dư khác sẽ giảm hoặc biến mất, bởi vì đó là mặt trái của cán cân thanh toán toàn cầu. Điều này sẽ khiến Trung Quốc và các quốc gia khác phải trả giá đắt, đồng thời đòi hỏi một sự đảo ngược chính sách lớn, với những hậu quả bất ngờ và khó lường, bao gồm cả sự ổn định chính trị. Thuật ngữ phi đô la Mỹ nghe rất bắt tai nhưng những người ủng hộ dường như không nhận ra rằng họ đang đùa với lửa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả