menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thành Vương.

Phi đô la hóa: Sự chuyển giao quyền lực giữa Mỹ và BRICS

Theo trang mạng của Viện Lowy (Australia), hiện có một câu hỏi được đặt ra là: Liệu một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới có đe dọa ưu thế của đồng bạc xanh? Câu trả lời là “có”.

Ngày càng rộ lên thông tin về việc các quốc gia BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang phát triển một loại tiền tệ mới có thể cạnh tranh với đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trong tháng 8/2023, các nhà lãnh đạo của BRICS sẽ gặp nhau tại Nam Phi để thảo luận thêm về vấn đề này.

Áp lực về việc phải cho ra đời một loại tiền tệ toàn cầu mới đang ngày càng tăng sau khi đồng USD tiếp tục bị vũ khí hóa dưới hình thức trừng phạt và chiến tranh thương mại. Nhiều quốc gia đang tìm kiếm sự độc lập lớn hơn để không phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Mỹ. Tuy nhiên, điều gì khiến đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ thế giới ngày nay?

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, quân đồng minh đã tập trung tại Bretton Woods và thống nhất coi đồng USD là đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Đồng USD được “neo” vào vàng với tỷ giá hối đoái là 35 USD một ounce (tương đương khoảng 28,35 gram). Tuy nhiên, năm 1971, bằng cách tách đồng USD khỏi vàng và bãi bỏ thỏa thuận Bretton Woods, Mỹ phát hành đồng USD như đồng tiền định danh. Vài năm sau, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger đã đến thăm Vua Faisal của Saudi Arabia để “môi giới” hệ thống đô la dầu mỏ. Mỹ đồng ý cung cấp hỗ trợ quân sự và đổi lại, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ định giá dầu trên toàn cầu bằng đồng USD. Điều này có nghĩa là các quốc gia mua dầu sẽ cần đồng USD, từ đó tạo ra tính ưu việt cho đồng USD.

Tuy nhiên, sự thống trị của đồng USD có thể sắp kết thúc. Năm 2021, Saudi Arabia và Nga đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự. Mỹ không còn là “người bảo vệ” duy nhất của Vương quốc Saudi Arabia. Ngoài ra, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay ở Davos, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan đã tuyên bố rằng nước này sẵn sàng giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD - điều mà họ đã không làm trong gần 50 năm qua. Các dấu hiệu của quá trình phi đô la hóa đang xuất hiện.

Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng khối này đang nỗ lực tạo ra một “đồng tiền dự trữ quốc tế”. Điều này một lần nữa sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên lần thứ 15 trong tháng này. Người ta suy đoán rằng đồng tiền mà BRICS cho ra đời trong tương lai sẽ được hỗ trợ bởi vàng. Đây sẽ là sự trở lại lịch sử của bản vị vàng và mang lại sự ổn định cho đồng tiền mới.

Trên thực tế, các ngân hàng trung ương đã dự trữ vàng. Theo Hội đồng vàng thế giới, hai tháng đầu năm nay chứng kiến lượng mua vàng lớn nhất từ Singapore (51,4 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (45,5 tấn), Trung Quốc (39,8 tấn), Nga (31,1 tấn) và Ấn Độ (2,8 tấn). Rõ ràng, các quốc gia BRICS đang tích lũy vàng để chuẩn bị cho đồng tiền mới của họ (đáng nói là Thổ Nhĩ Kỳ, trong số nhiều quốc gia khác, đã đăng ký làm thành viên BRICS). Trong khi đó, tỷ lệ USD do các ngân hàng trung ương nắm giữ đang giảm. Các quốc gia đang chuẩn bị cho một hệ thống quốc tế mới.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ được coi là bá chủ toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia BRICS hiện chiếm hơn 40% dân số thế giới và có tổng GDP toàn cầu là 31,5%. Con số này vượt qua GDP của G7 (gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh) là 30,7%. Có thể hình dung được việc các quốc gia BRICS hoàn toàn tự cung tự cấp, giao dịch với nhau mà không cần bất kỳ sự phụ thuộc nào vào Mỹ. Đây có thể là kế hoạch của Trung Quốc, xét đến phạm vi của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) – dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử nhằm kết nối châu Á và châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ. Mỹ bị loại trừ một cách nghiêm trọng.

Cho dù quan hệ Trung-Ấn xen kẽ giữa hòa dịu và đối kháng, song cả hai nước dường như sẵn sàng hợp tác ở một mức độ nào đó, với việc Ấn Độ tham gia và đầu tư vào BRI trên cơ sở ủy quyền thông qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, Ngân hàng Phát triển Mới và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ngoài ra, 7 trong số 13 quốc gia OPEC cũng đã tham gia hoặc đăng ký tham gia BRICS, và tất cả các quốc gia OPEC đều được kết nối trong BRI. Môi trường địa chính trị và kinh tế trong tương lai đang được định hình, và Mỹ dường như không phải là một phần trong đó.

Khi sự phụ thuộc vào đồng USD giảm đi, các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu bán phá giá dự trữ đồng USD của họ. Điều này sẽ dẫn đến siêu lạm phát, lãi suất tăng đột biến để bù đắp cho việc mất sức mua và giá tài sản giảm, càng đẩy nhanh sự suy thoái của Mỹ. Xu hướng phi đô la hóa đang diễn ra, nhưng không phải là điều gì đó độc nhất. Sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế và đồng tiền dự trữ là điều hiển nhiên trong suốt lịch sử. Giới quan sát nhận định sẽ có một sự thay đổi trong trật tự thế giới, và đó có thể là thời của BRICS.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại