Phi công Pakistan lấy bằng giả như thế nào?
Tại Pakistan chỉ có CAA chịu trách nhiệm cấp bằng lái cho các phi công mà cơ quan này đào tạo. Về khía cạnh này, mọi bằng lái do CAA cấp đều là “thật”.
Bằng thật hay bằng giả?
Pakistan mới đây tuyên bố cấm bay đối với 262 phi công đã gian lận thi cử trong đó có cả việc nhờ người thi hộ để lấy bằng lái máy bay. Sự việc dấy lên mối lo ngại trên toàn cầu, khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách thức phi công Pakistan lấy được giấy phép từ Cục hàng không dân dụng (CAA) Pakistan và sau đó làm việc cho các hãng hàng không quốc tế trên khắp thế giới.
Theo Dawn, tại Pakistan chỉ có Cục hàng không dân dụng (CAA) chịu trách nhiệm về việc cấp bằng lái cho các phi công mà cơ quan này đào tạo.
Mỗi hãng hàng không đều lựa chọn người huấn luyện trong số các phi công mà họ thuê và được CAA phê duyệt. Các chuyến bay kiểm tra cuối cùng đều do các thanh tra của CAA giám sát. Về khía cạnh này, mọi bằng lái do CAA cấp đều là “thật”.
Vấn đề bằng “giả” là nằm ở chỗ, một số thành phần nhất định trong CAA, đặc biệt là bộ phận cấp bằng và IT đã vượt các nguyên tắc cơ bản quốc tế để cố ý gây khó dễ trong quá trình kiểm tra. Vì thế, lựa chọn “nhờ vả” bằng các con đường không minh bạch là điều dễ hiểu, khi đôi bên cùng có lợi: người cần bằng lái dễ dàng “qua” được các bài kiểm tra trong khi các nhân viên CAA ăn hối lộ lại hốt bạc vào túi.
Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan cho biết, từ cuối năm 2018 giới chức Pakistan đã điều tra về sự câu kết giữa các phi công và giới chức hàng không dân dụng nhằm “qua cửa” các cuộc thi kiểm tra lấy bằng lái máy bay. Nhiều phi công đã nhờ người làm hộ 1 hoặc nhiều bài thi trên giấy, thậm chí một số trường hợp là thi hộ cả 8 phần bắt buộc để có bằng phi công.
Bê bối của hãng hàng không quốc gia Pakistan
Các cuộc điều tra của Pakistan về bằng lái của phi công bắt đầu từ sau vụ tai nạn hạ cánh năm 2018. Khi đó, các nhà điều tra nhận thấy rằng ngày thi trên bằng lái của phi công là ngày nghỉ. Điều này cho thấy bằng lái là bằng giả vì ngày thi không thể diễn ra vào ngày hôm đó. Kết quả là đầu năm 2019, có 16 phi công Hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA) bị cấm bay.
Vụ bê bối bàng giả khiến PIA trở thành tâm điểm của dư luận khi có tới gần 1/3 số phi công của hãng bị nghi ngờ có bằng giả thông qua các hành vi gian lận thi cử, hoặc nhờ người thi hộ.
Theo Bộ trưởng Khan, 262 phi công trong danh sách bị cáo buộc dùng bằng giả và đang chờ kết luận điều tra bao gồm 141 phi công Hãng hàng không quốc gia Pakistan (PIA), 9 phi công Air Blue, 19 phi công Serene Airline và 17 phi công làm việc cho Shaheen Airlines. Trong số này có 109 phi công lái máy bay thương mại và 153 phi công lái máy bay vận tải.
Theo Guardian, Liên minh châu Âu ngày 1/7 cũng đã cấm các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Parkistan (PIA) vào không phận EU ít nhất 6 tháng trong bối cảnh bê bối bằng giả.
Bộ trưởng Khan nói rằng việc cấm bay các phi công trong danh sách dùng bằng giả là một trong những nỗ lực minh bạch hóa ngành công nghiệp hàng không Pakistan cũng như xua tan mọi lo ngại trên toàn cầu về PIA.
“Chúng tôi sẽ tái cơ cấu PIA, một quá trình cải tổ sẽ được thực hiện trong năm nay”, Bộ trưởng Khan khẳng định.
Tuy nhiên, một số người khác coi đây là một sự “bẽ mặt” đối với ngành hàng không Pakistan, đặc biệt là PIA.
“Mọi người sẽ không còn nghĩ đến việc bay với PIA, hãng hàng không có các phi công sử dụng bằng giả. Giờ thì việc khôi phục PIA sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Khi mà niềm tin đối với phi hành đoàn đã mất, thì mọi thứ cũng mất. Động thái này không khác gì chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài”, Ijaz Haroon, người từng là Giám đốc điều hành của PIA trước năm 2011 cho biết.
Danh tiếng của phi công Pakistan bị tổn hại
Bộ trưởng Khan nói rằng, danh sách phi công bị cấm bay đã được gửi tới các hãng hàng không và sẽ được đăng tải trên trang web hàng không dân dụng.
Tuy nhiên, Hiệp hội phi công Pakistan đã đặt câu hỏi về tính xác thực của danh sách, đồng thời đề nghị ngành tư pháp điều tra vấn đề này.
Một phi công giấu tên nói với DW rằng, là người có 19 năm kinh nghiệm bay, anh rất bất ngờ khi mình có tên trong danh sách cấm bay.
Cựu Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi, người cũng là một chuyên gia hàng không, nói với DW rằng “Việc vội vàng chia sẻ danh sách [phi công nghi dùng bằng giả] không phải là một bước đi phù hợp của chính phủ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và cần phải được điều tra cặn kẽ vì có tới 40% tổng số phi công đang ở trong diện không minh bạch”.
Ông Abassi nói thêm rằng, động thái này làm tổn hại hình ảnh của các phi công Pakitan trên thế giới, đáng chú ý nhất là Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm bay 16 phi công Pakistan chỉ vì một người trong số họ có tên trong danh sách sử dụng bằng giả.
Các tổ chức hàng không quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về việc một số lượng lớn phi công Pakistan sử dụng bằng giả và nói rằng họ đang theo dõi thêm thông tin về vấn đề này.
“Chúng tôi đang theo dõi các thông tin từ Pakistan liên quan đến vụ bằng giả, điều đang gây lo ngại và cho thấy có sự sai sót nghiêm trọng trong quá trình cấp bằng lái máy bay”, người phát ngôn Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) nói./.
Theo DW, Dawn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận