Phép thử cho logistic
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vô tình đưa vận tải biển trong nước vào thế “ngư ông đắc lợi” khi lượng hàng hóa vận chuyển đi khu vực Thái Bình Dương ngày càng tăng.
Thế nhưng đây cũng là gánh nặng cho logistic khi dự báo cảng biển có thể sẽ quá tải, đặc biệt một số cảng khu vực Hải Phòng.
Việc mới đây Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) tiếp nhận tàu chạy thẳng tuyến vận tải biển xuyên Thái Bình Dương đang mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành một điểm trung chuyển vận tải biển quốc tế đầy tiềm năng.
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN): Việc các cảng biển, cảng nước sâu ở Việt Nam có đủ năng lực tiếp nhận các tàu mẹ trọng tải lớn, ngoài mục tiêu phục vụ cho nền ngoại thương Việt Nam, cơ hội Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực là rất lớn. Đây là tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu. Hàng hoá từ các nước trong khu vực như: Philippines, Campuchia, Thái Lan… sẽ được trung chuyển bằng các tàu gom hàng feeder về Cái Mép, Lạch Huyện để xếp lên tàu mẹ. Khi đó, các cảng nước sâu ở Việt Nam sẽ trở thành những trung tâm giao thương hàng hóa sôi động, phát huy đúng tiềm năng, năng lực thiết kế. Ông Yokoi Mitsuo, đại diện của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam: Bắc Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất và quan trọng của Tập đoàn Brother. Hiện tại, những container hàng xuất khẩu của chúng tôi tới Bắc Mỹ buộc phải trung chuyển tại Hong Kong, nhưng giờ tuyến dịch vụ mới tại HICT sẽ giúp đưa thẳng những container hàng xuất khẩu của chúng tôi đến nước Mỹ. |
Vận tải biển chia lại thị phần
Theo ông La Quang Trí - Giám đốc ShipOffer Corp, ngành vận tải biển là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên trong các thay đổi về thương mại toàn cầu. Bởi 80% sản lượng hàng hoá giao dịch thương mại trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đang có những diễn biến khó lường nhưng có một điều chắc chắn đó là đang làm cho hàng hoá giao thương giữa hai nước có thị trường lớn nhất thế giới này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để tìm lại sự cân bằng, các nhà thương mại của Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, mà Việt Nam là một trong những chọn lựa. Đã có những doanh nghiệp chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Một số sản phẩm xuất khẩu từ Mỹ cũng chuyển hướng sang thị trường Việt Nam với giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Nếu như trước kia các loại hàng hoá như thịt, trái cây Mỹ nhập về Việt Nam có số lượng khá ít với giá cao thì những tháng gần đây sản lượng cũng tăng đáng kể, giá cả đã giảm nhiều.
Việc tăng trưởng về số lượng hàng hoá giao thương bởi thương chiến Mỹ Trung và bởi sự thuận lợi đem lại khi Việt Nam ký nhiều FTA với các nước, tất nhiên, đem lại nhiều lợi thế cho thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường, trong khi các tuyến tàu biển ở các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ trực tiếp đi và đến Việt Nam hãy còn khiêm tốn thì tình trạng thiếu các tàu lớn cũng sẽ làm cho tình trạng ùn ứ nhiều hàng hoá, làm cho việc chậm trễ giao nhận hàng sẽ gia tăng.
Tuy một số cảng ở Việt Nam đã có tuyến trực tiếp tới các thị trường Âu Mỹ nhưng không nhiều bởi nhiều hạn chế của mớn nước ở các cảng do ngày càng kích cỡ của các loại tàu container càng to hơn để tiết kiệm chi phí cho tàu, chi phí cảng ở Việt Nam cũng đang ở mức khá cao, do đó phần nhiều hàng hoá từ Việt Nam vẫn phải trung chuyển bằng các tàu container nhỏ hơn đi các cảng như Singapore, Malaysia… để lên các tàu lớn.
Cảnh báo quá tải cảng
Với sự “đắc lợi” của vận tải biển từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại đặt ra bài toán khó cho dịch vụ Logisti trong nước, đặc biệt khu vực phía Bắc. Mặc dù được đánh giá là đầu mối giao thông quan trọng nhưng hệ thống cảng biển phía Bắc lại “tốt lỏi”. Nếu như Hải Phòng, Quảng Ninh là 2 đầu mối quan trọng thì cũng mới chỉ duy nhất Cảng container quốc tế Hải Phòng đủ năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn có thể chạy thẳng tuyến Thái Bình Dương và khu vực bờ Tây Hoa Kỳ & Canada. Cảng nước sâu Cái Lân dường như đã “lui” về quá khứ khi hiện nay chỉ đa phần khai thác hàng rời. Hệ thống gần 100 cảng lớn nhỏ còn lại của 2 địa phương này vẫn chỉ đáp ứng gom hàng và vận chuyển các tuyến trong khu vực là chính.
Cảng container Hải Phòng là 1 trong 20 cảng biển có thể đón được những con tàu siêu lớn. Đây là dấu mốc cho việc phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển xuyên đại dương của Việt Nam.
Hiện tại, khu vực cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) mới chỉ có 2 bến cảng số 1, 2 thuộc Cảng container quốc tế Hải Phòng đã đi vào hoạt động. Bến số 3, 4 mặc dù Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho Cảng Hải Phòng xây dựng, thế nhưng để đi vào hoạt động vẫn phải mất nhiều năm sau.
Mặt khác, lượng hàng hoá vận chuyển tăng gây nên một áp lực không nhỏ cho hạ tầng giao thông vốn đã có rất nhiều hạn chế. Trong khi cơ sở hạ tầng cho ngành vận tải chưa được cải thiện nhiều thì với việc tăng sản lượng hàng hoá sẽ tạo nên những tắc nghẽn ở các điểm vốn tồn tại bao nhiêu năm nay. Gần đây, Hải Phòng có những đầu tư chóng mặt về hạ tầng giao thông, đặc biệt các tuyến giao thông kết nối cảng biển. Thế nhưng, “giày” chưa đóng xong thì “chân” đã chật. Hạ tầng giao thông đường bộ cứ luôn… đuổi theo sự tăng trưởng. Minh chứng cho điều này là các tuyến giao thông đường bộ cửa ngõ Hải Phòng luôn trong tình trạng tắc nghẽn. Ngoài ra, những gánh nặng như: phí đường bộ, thủ tục xuất nhập khẩu chưa có nhiều cải tiến, các tuyến thuỷ nội địa chưa đáp ứng nhu cầu.
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển đội tàu; đôn đốc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa nguồn vốn, tăng hiệu quả đầu tư phát triển vận tải biển của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu về lâu dài, căn cứ Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải hàng hải; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận