24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

"Phép màu kinh tế" Trung Quốc đã đến lúc tắt lịm?

GDP của Trung Quốc tăng hơn 8% trong năm 2021. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là năm cuối cùng họ đạt được thành tích vượt bậc này? Liệu chiến lược “Không COVID” và đại dịch COVID-19 có phải là dấu chấm hết cho chu kỳ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc sau 4 thập kỷ, kể từ cuộc cải cách mở do Đặng Tiểu Bình khởi xướng?

Cho đến tận những tuần cuối cùng của năm 2021, Bắc Kinh vẫn rất tự tin với mức tăng trưởng 8% trong năm bởi đó là dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 dường như không tác động đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đại dịch COVID-19 tàn phá hầu hết các nền kinh tế lớn, Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, với thặng dư mậu dịch tăng 60% so với năm 2020 và đạt gần 680 tỷ USD, trong đó có hơn một nửa số tiền thu được từ trao đổi thương mại với Mỹ.

Trên đỉnh cao quyền lực, Chủ tịch Tập Cận Bình hài lòng với các dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và trở thành siêu cường số một thế giới trước năm 2030. Tuy nhiên, đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài.

Trong dự báo đầu năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm và tất nhiên Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Theo IMF, tăng trưởng của Trung Quốc có xu hướng “chững lại”, thậm chí có khả năng giảm xuống còn 4,8% trong năm 2022. IMF giải thích nguyên nhân cho sự sụt giảm này là do khủng hoảng dịch bệnh kéo dài, biến thể Omicron và chính sách “Không COVID” của Bắc Kinh bắt đầu làm tê liệt một phần hoạt động kinh tế.

Người dân và nền kinh tế đang “mệt mỏi”

Theo giáo sư kinh tế Mary-Françoise Renard của Đại học Clermont Auvergne (Pháp), các biện pháp chống dịch quyết liệt của Bắc Kinh tuy hiệu quả về mặt y tế, nhưng về mặt xã hội và kinh tế thì Trung Quốc đang phải “trả giá đắt”. Giáo sư Renard nhận định: “Trung Quốc áp dụng chính sách ‘Không COVID’ và phải nhìn nhận rằng cho đến hiện tại, chính sách đó cho phép kiềm tỏa dịch bệnh tương đối tốt. Nhưng về mặt xã hội, chủ trương đó bắt Trung Quốc phải trả giá đắt. Các biện pháp phòng chống dịch rất khắt khe và các đợt phong tỏa chặt chẽ ngay khi mới phát hiện một vài ca mắc hay nghi ngờ dương tính đã khiến người dân mệt mỏi. Một số người dân chờ đợi chính phủ nới lỏng các biện pháp chống dịch sau Thế vận hội. Nhưng với sự xuất hiện của các biến thể mới, trong khi các loại vaccine của Trung Quốc lại không mấy hiệu quả, không chắc Bắc Kinh sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch. Do vậy, chính quyền lại càng phải theo dõi sát tình hình và cảnh giác, tránh để dư luận ‘tức nước vỡ bờ’”.

Trên phương diện kinh tế, một số hoạt động bắt đầu chững lại. Giáo sư Mary-Françoise Renard giải thích: “Một số lĩnh vực bị chững lại, chủ yếu là trong ngành dịch vụ, nhà hàng hay ngành giải trí. Tại Trung Quốc, đây là những lĩnh vực vốn rất năng động, nhưng đã bị SARS-CoV-2 giáng một đòn mạnh. Ngoài ra, COVID-19 làm lộ rõ những nhược điểm của hệ thống y tế nước này, đó là một hệ thống hoàn toàn không có khả năng đối phó với một đại dịch có quy mô toàn quốc. Thế rồi dịch COVID-19 cũng cho thấy rõ những khác biệt về mức độ phát triển giữa các tỉnh thành ở Trung Quốc, cách biệt giàu nghèo càng rõ hơn và người nghèo chịu thiệt hại trước tiên. Chỉ số tiêu dùng tại Trung Quốc chưa phục hồi, sức mua sắm của người dân không được như mong đợi. Kèm theo đó là câu hỏi về chuỗi giá trị toàn cầu khi môt số nhà máy của Trung Quốc phải đóng cửa, tất nhiên có cả sự chậm trễ trong việc giao hàng”.

Lo âu trong nội bộ

Chủ trì một hội nghị hồi tháng 12/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình kết luận Trung Quốc đang cùng lúc phải đối mặt với 3 khó khăn: mức tiêu thụ sụt giảm, sản xuất bị sa sút, mức độ yếu kém của khu vực sản xuất nghiêm trọng hơn dự báo”. Cũng trong tháng 12/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phải can thiệp đến 2 lần để “tiếp sức” cho các hoạt động kinh tế.

Ngày 5/1/2022, Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo Trung Quốc sẽ giảm thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Thông báo được đưa ra khi số lượng các doanh nghiệp mới thành lập giảm mạnh. Cựu Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) công khai đặt câu hỏi tại sao các thống kê chính thức “luôn mau chóng thông báo số công ty mới mở, nhưng chẳng bao giờ đề cập đến các hãng bị phá sản? Tại sao lại phải che giấu thông tin đó?”

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhiều doanh nhân vẫn chưa thể quay lại Trung Quốc, một số khác chán nản khi thấy nhà nước Trung Quốc gia tăng kiểm soát các hoạt động kinh tế tư nhân. Một số khác dự đoán trước về sự sụp đổ của ngành bất động sản Trung Quốc, tương đương 25% GDP của nước này.

Một năm Nhâm Dần chẳng lành?

Trong bối cảnh đó, giáo sư Mary-Françoise Renard cho rằng Trung Quốc không thực sự an tâm khi bước vào năm Nhâm Dần. Ông nói: “Trước mắt, thách thức đầu tiên là Thế vận hội lần này phải diễn ra trong những điều kiện tốt nhất. Cố gắng để số ca mắc COVID-19 bùng phát khi Olympic Bắc Kinh bế mạc. Trung Quốc cần thể hiện hình ảnh tốt đẹp đối với cộng đồng quốc tế cũng như trong nước. Về lâu dài, thách thức đối với Trung Quốc là đạt được mục tiêu “thịnh vượng chung” mà ông Tập Cận Bình đã đề ra. Để đạt được mục tiêu đó, cần có tăng trưởng để giảm thiểu những bất bình đẳng trong xã hội...

Hiện tại, những bất bình đẳng đó đã quá lớn và chúng xuất phát từ những chính sách kinh tế từ trước đến nay của nước này. Tập Cận Bình đang tìm cách giảm thiểu tác động bất cập đó, song Trung Quốc chưa thực sự có các biện pháp mang tính xã hội. Đồng thời, Bắc Kinh muốn đẩy mạnh công nghệ, nâng cấp mô hình kinh tế, giảm mức độ phụ thuộc vào một số công ty nước ngoài. Nói cách khác, Trung Quốc đang theo đuổi nhiều mục tiêu cùng lúc và những mục tiêu này đang mâu thuẫn với nhau”.

Ngoài ra, giới quan sát tuy nêu bật những yếu kém của mô hình tăng trưởng tại Trung Quốc nhưng cũng không quên rằng đến nay, Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế nhiều lần bất ngờ trước khả năng thích nghi với tình huống của họ. Nước này đã chứng minh cho dư luận thấy họ có khả năng “đảo ngược thế cờ”. Tuy nhiên, một số nhà phân tích theo dõi thời sự Trung Quốc lâu năm cho rằng cụm từ “kinh tế tăng trưởng ổn định” càng được nhắc tới nhiều thì đó càng là dấu hiệu cho thấy tình hình căng thẳng ở trong nước. Trong báo cáo gần đây nhất sau một hội nghị về tình hình kinh tế Trung Quốc, cụm từ này đã xuất hiện tới 25 lần.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả