Phát triển TTKDTM: Vướng vì chính sách chưa đồng bộ
Quyết tâm hướng tới xã hội không tiền mặt sẽ khó có thể thực hiện khi nền tảng pháp lý mở đường cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) còn thiếu đồng bộ ở một số ngành, lĩnh vực.
Còn khoảng trống cho TTKDTM
Theo ghi nhận từ một số tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT), nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ công đã tích hợp và triển khai thành công việc thu nộp các loại phí như điện, nước… qua đó đã tiết giảm chi phí, đem lại thuận lợi cho hàng triệu người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dịch vụ có thể TTKDTM qua các TGTT nhưng chưa được sử dụng, đơn cử như dịch vụ thu nộp thuế điện tử.
Thời gian qua, nhiều tổ chức TGTT như NAPAS, dịch vụ Ví điện tử MoMo, VinID đã đề xuất với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế các giải pháp thu nộp thuế điện tử mới. Tuy nhiên, đến nay các đề xuất này vẫn chưa được chấp thuận và triển khai trên thực tế do gặp nhiều vướng mắc.
Đại diện của một đơn vị cho biết, các văn bản pháp luật hướng dẫn trực tiếp thủ tục thu, nộp thuế điện tử bao gồm Thông tư 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; Thông tư 84/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa; và Thông tư 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Theo vị này, có hai vấn đề gây ra vướng mắc. Thứ nhất, các văn bản trên chỉ quy định cho NHTM tham gia thủ tục nộp thuế điện tử theo cơ chế uỷ nhiệm thu hoặc phối hợp thu, chưa mở rộng phạm vi cho các tổ chức TGTT được tham gia. Thứ hai, các văn bản nói trên chỉ công nhận hiệu lực của chứng từ nộp thuế do ngân hàng cấp. Do đó, tổ chức TGTT nếu có tham gia thủ tục cũng không thể cung cấp chứng từ nộp thuế hợp lệ cho người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý.
Một ví dụ thực tế khác: Bộ Tài chính đã có tiền lệ cho phép tổ chức TGTT được tham gia thu nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy theo quy định thí điểm tại Thông tư số 05/2018/TT-BTC ngày 22/1/2018. Tuy nhiên cho đến nay đơn vị đầu tiên được phép thực hiện là NAPAS vẫn chưa triển khai được do cơ quan đăng ký thuộc Bộ Công an không chấp nhận chứng từ điện tử do tổ chức TGTT phát hành mà yêu cầu phải có chứng từ giấy.
“Các tổ chức TGTT ưu việt hơn ở chỗ giảm chứng từ giấy, từ đó giảm chi phí quản lý, song các giao dịch đều được lưu lại đầy đủ trên hệ thống với độ bảo mật cao. Nếu đã xác định điện tử hoá, sao lại yêu cầu phải có chứng từ giấy?”, vị này đặt vấn đề.
Chủ trương tốt bị chính sách bỏ sót
Theo thống kê của NHNN, hiện có 29 tổ chức TGTT đã được cấp phép theo Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về TTKDTM, trong đó phổ biến nhất là hình thức ví điện tử với hơn 10 triệu người dùng trên toàn quốc. Thực tế này cho thấy hình thức thanh toán điện tử trên thiết bị di động thông qua các tổ chức TGTT ngày càng phát triển và được đông đảo người dùng lựa chọn do tính tiện lợi và an toàn.
Để khuyến khích ứng dụng ví điện tử và các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về chính phủ điện tử, trong đó giao Bộ Tài chính phối hợp triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng với các loại thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân…
Tiếp theo, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, với yêu cầu cụ thể như các bộ, ngành thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền; cho phép người dân, DN TTKDTM bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Ngay trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua hôm giữa tháng 6 vừa qua, Khoản 2 Điều 11 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại, thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của người nộp thuế”.
Như vậy, có thể thấy chủ trương phát triển đa dạng các hình thức TTKDTM được Chính phủ ủng hộ, đồng thời Bộ Tài chính cũng đã hưởng ứng bằng các quy định cụ thể trong nghị quyết và luật. Tuy nhiên, khi cụ thể hoá thành các chính sách trong thông tư, nghị định, thì vấn đề này lại đang bị bỏ sót.
Đơn cử, hiện nay Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế chủ trì soạn thảo thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng giao Kho bạc Nhà nước chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo các văn bản này đều không có cơ chế cho phép các tổ chức TGTT tham gia thủ tục thu nộp thuế điện tử.
Thực tế với việc mở rộng dịch vụ thu thuế, các tổ chức TGTT muốn nhằm tới đối tượng chính là cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ; bởi hiện nay khoảng gần 97% DN đang hoạt động đã nộp thuế qua các NHTM rất thuận lợi. Như vậy, sự vào cuộc của các tổ chức TGTT sẽ tạo điều kiện để hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng hơn. Đây cũng chính là nhóm đối tượng mà cơ quan quản lý nhà nước đang muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động để “nuôi lớn”, nhằm gia nhập đội ngũ DN trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận