Phát triển tiền kỹ thuật số quốc gia: Phù hợp và thận trọng
TS. Cấn Văn Lực cũng chia sẻ, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể chưa phù hợp đối với thực tiễn tại Việt Nam. Song cũng cần có sự chuẩn bị và đưa ra những kịch bản, giải pháp phù hợp, thận trọng để nắm bắt xu thế của thế giới.
Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các NHTW nhanh chóng thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, hay nói cách khác là tiền điện tử cấp độ quốc gia của NHTW (Central Bank Digital Currency - CBDC).
Từ đầu tháng 5/2020, Trung Quốc đã chính thức thử nghiệm đồng Nhân dân tệ (CNY) điện tử ở 4 thành phố lớn, một số DN của quốc gia này cũng chấp nhận thanh toán sản phẩm, sử dụng dịch vụ của họ bằng đồng tiền trên; đầu tháng 4/2020 NHTW Hàn Quốc (BoK) thông báo triển khai chương trình thí điểm đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng này phát hành.
Hay như trường hợp ở Pháp là quốc gia thử nghiệm thành công đồng EUR kỹ thuật số hoạt động trên nền tảng blockchain (chuỗi khối) của NHTW Pháp (BoF); NHTW Nga (CBR) đang xem xét phát hành đồng RUB điện tử; Thuỵ Điển cũng đang thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số E-Krona do NHTW phát hành; Uruguay đã thực hiện một chương trình thí điểm là e-Peso; Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đang nghiên cứu tính khả thi của tiền kỹ thuật số;…
Cần phải nhấn mạnh lại rằng, cả tiền điện tử và tiền ảo đều hoạt động dựa trên nền tảng số, kết nối các bên liên quan bằng phương thức điện tử và xử lý giao dịch qua hệ thống máy tính kết nối mạng. Chính sự giao thoa này nhiều lúc dễ gây nhầm lẫn giữa tiền điện tử và tiền ảo. Sự khác nhau nằm ở chỗ tiền điện tử là cách thức thể hiện dưới dạng số giá trị tiền pháp định của một quốc gia (như USD, EUR…) và được bảo đảm bởi NHTW quốc gia đó hay các tổ chức tài chính chịu sự quản lý của NHTW.
Còn với tiền ảo thì hoạt động phân tán, mang tính ẩn danh cao, không chịu sự quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiền ảo không phải là tiền pháp định, không được phát hành hay bảo đảm bởi bất kỳ Chính phủ hay NHTW/cơ quan quản lý tiền tệ ở bất kỳ quốc gia nào.
Một trong những nghiên cứu gần đây của NHTW Anh (BoE) cho rằng một đồng tiền kỹ thuật số của NHTW có thể “củng cố, tăng cường sự truyền tải những thay đổi chính sách tiền tệ tới nền kinh tế thực”. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia nêu quan điểm: Phát triển tiền điện tử trong tương lai là xu thế tất yếu, song tiền điện tử sẽ không thay thế tiền pháp định bằng vật chất (giấy, kim loại…) hoặc các tài sản tương đương tiền mà sẽ phát triển song song.
Bên cạnh đó, cũng có không ít các NHTW dù thừa nhận lợi ích mang lại của đồng tiền kỹ thuật số nhưng vẫn có sự thận trọng, cân nhắc về công tác giám sát, quản lý các giao dịch để ngăn ngừa gian lận, rủi ro khi cho phép phát hành đồng tiền này.
Về phía NHNN, cơ quan quản lý cũng nhìn nhận, để thực sự NHTW có thể phát hành tiền kỹ thuật số dưới dạng đồng tiền điện tử của đồng tiền pháp định hay dưới dạng nào khác là vấn đề khá phức tạp và cần thời gian nghiên cứu. Được biết, phía Vụ Thanh toán vừa qua đã tham mưu trình Thống đốc và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan vấn đề này, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xây dựng Tổ công tác, trong đó ngoài NHNN còn có sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công an…
Trước khi có thể đưa ra ứng xử phù hợp với việc ban hành đồng tiền kỹ thuật số NHTW, cơ quan quản lý vẫn cần thời gian để có thể nghiên cứu sâu hơn, đề xuất bước đi, lộ trình cụ thể hơn để báo cáo Thủ tướng. Khi bắt tay vào triển khai cũng đòi hỏi cần có sự tham gia của nhiều chuyên gia công nghệ.
TS. Cấn Văn Lực cũng chia sẻ, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể chưa phù hợp đối với thực tiễn tại Việt Nam. Song cũng cần có sự chuẩn bị và đưa ra những kịch bản, giải pháp phù hợp, thận trọng để nắm bắt xu thế của thế giới.
Theo ông Lực, trước hết cần phải chuẩn hoá các khái niệm, định nghĩa về tiền kỹ thuật số để có thể xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý tương ứng, theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với đó phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả, hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số…
Chuyên gia cho rằng, phải tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), trong đó sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM; phát triển hệ thống thanh toán liên ngân hàng tốt hơn nữa. Đồng thời hoàn thiện khung pháp lý đối với công nghệ hiện đại ứng dụng lĩnh vực ngân hàng, trong đó có blockchain; ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox)…
Nhìn chung, điểm mấu chốt cần lưu ý trong việc ban hành một đồng tiền kỹ thuật số của NHTW là cần có cách tiếp cận mở, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, song vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro. Vì trong tương lai, chuyên gia dự báo việc phát triển như vũ bão của CNTT sẽ dẫn tới một hệ thống tiền tệ toàn cầu với những giao dịch điện tử diễn ra theo thời gian thực. Cần thêm công cụ kiểm soát khi tổng phương tiện thanh toán tăng lên, tránh làm giảm khả năng kiểm soát cung tiền của NHTW. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý sẽ ngăn chặn rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, tính riêng tư của dữ liệu khách hàng…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận