Phát triển ngành vật liệu xây dựng mới: Còn nhiều rào cản
Phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng mới tại nước ta hiện nay vẫn còn nhiều thách thức và cần có những giải pháp đồng bộ.
Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đạt khoảng 5,7% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc. Cũng vì thế mà tiềm năng sử dụng vật liệu xây dựng mới trong các công trình xây dựng ở Việt Nam để tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là rất lớn.
Theo ông Thái Duy Sâm - Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam: Hiện nay, trong ngành vật liệu xây dựng nói chung, các doanh nghiệp cũng đã và đang tích cực đầu tư đổi mới công nghệ và đầu tư các dây chuyền để sản xuất ra những sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu của ngành xây dựng hiện nay và trong tương lai. Đặc biệt là vật liệu xây dựng không nung, cách âm, cách nhiệt góp phần tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng.
Trên thực tế, ở một số nước phát triển trước đã chứng minh, đầu tư vào những vật liệu xây dựng “xanh” giúp mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng sử dụng, vốn đầu tư không quá cao, thân thiện môi trường, trong khi thời gian thu hồi vốn ngắn. Hiện nay, vật liệu xây dựng là sản phẩm hỗ trợ chủ yếu của ngành xây dựng. Đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 70% đầu tư xã hội, trong đó vật liệu xây dựng chiếm 30 - 50% tổng đầu tư xây dựng. Do vậy, phát triển vật liệu xây dựng sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện trạng vật liệu xây dựng mới tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Sâm cho biết, hiện nay có một số những khó khăn đối với nhà đầu tư. Thứ nhất, để đầu tư sản xuất những vật liệu mới đòi hỏi họ phải có năng lực tài chính, trong khi đó hiện nay các doanh nghiệp có năng lực tài chính rất hạn chế. Thứ 2, là đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ cao đáp ứng được cho công việc vận hành, sản xuất những vật liệu mới thì chúng ta vẫn chưa có.
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết thêm, tại Việt Nam, người dân đang sử dụng quen những sản phẩm truyền thống nên việc thay đổi nhận thức, cách thức sử dụng cũng là một vấn đề lớn. Hơn nữa, các sản phẩm mới bao giờ cũng có sự cạnh tranh với sản phẩm cũ nên bước đầu sẽ có những khó khăn nhất định.
Hiện nay Việt Nam đã ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, sản xuất những vật liệu mới nhưng các chính sách chưa đầy đủ và đồng bộ. Đặc biệt là các chính sách ban hành ra nhưng việc thực hiện ở một số địa phương, bộ ngành chưa tốt. Lý giải về vấn đề này, theo ông Bắc, cơ chế chính sách, quy chuẩn tiêu chuẩn, hình thức sử dụng của những vật liệu mới có nhiều cái mới, chưa được phổ cập nên việc đi vào sử dụng cũng gặp khó khăn. Bởi vậy, điều quan trọng nhất bây giờ là chúng ta phải gỡ được nút thắt cho thị trường này.
Giải pháp thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp mà đầu tư các sản phẩm mới phát triển. Giải pháp thứ 2 là đối với doanh nghiệp thì phải năng động, hoàn chỉnh công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và đồng thời tăng cường quá trình quản trị doanh nghiệp để nghiên cứu hợp lý hóa sản xuất, hạ giá thành sản phẩm từng bước đưa ra sản phẩm cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Theo các chuyên gia, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý vật liệu xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về môi trường cho các doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vật liệu xây dựng đi tắt đón đầu công nghệ. Từ đó tạo ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất vật liệu xây dựng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận