Phát triển kinh tế đêm: Lối đi hiệu quả cho các hộ kinh doanh
Dưới góc nhìn doanh nghiệp hay ý kiến người dân, việc phát triển kinh tế ban đêm, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19 là một mô hình giàu tiềm năng, cần được khai thác hiệu quả. Bởi ngành kinh tế này không chỉ đem lại công ăn việc làm cho người lao động mà còn mang lại giá trị kinh tế gấp nhiều lần, đặc biệt là phát triển văn hóa du lịch. -
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch châu Á Thái Bình Dương (APT Travel) cho biết kinh tế du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, 'bản chất kinh tế ban đêm' đã đóng góp rất lớn vào hiệu quả du lịch. Với khó khăn của nền kinh tế như hiện nay thì việc thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm chính là một phương cách 'giải cứu' hiệu quả kinh tế cao hơn so với phát triển kinh tế thông thường.
Ví dụ, một nhà hàng hay khách sạn kinh doanh ban ngày đạt doanh thu chỉ 10 triệu đồng, nhưng hoạt động thêm ban đêm sẽ cho thu nhập tăng thêm từ 7-10 triệu đồng hoặc nhiều hơn. Như vậy, rõ ràng với một giá trị đầu tư nhưng đã tăng được hiệu quả gấp đôi là cực kỳ lợi.
Người ta vẫn nói 'để hiểu một quốc gia hay một vùng miền thì cách tốt nhất là hãy đi chơi và khảo sát vào buổi tối sẽ hiểu được văn hóa bản địa nhiều hơn'. Như vậy đồng nghĩa với câu chuyện nếu chúng ta mở được hoạt động kinh doanh và du lịch vào ban đêm thì khách du lịch sẽ thấy hứng thú hơn với các loại hình dịch vụ ẩm thực, những tụ điểm như quán bar, dịch vụ giải trí đặc thù của từng vùng miền, thành phố…
Với kinh nghiệm làm du lịch nhiều năm, ông Nguyễn Hồng Đài khẳng định hầu như 100% khách du lịch quốc tế đều mong muốn buổi tối phải 'đi chơi đâu đó, ăn cái gì đó...' Đây chính là nguồn thu lợi mang giá trị kinh tế cao từ chính khách du lịch. 'Nhu cầu' đã có vậy chúng ta cần phải đáp ứng được 'cung' khi sẵn sàng trải thảm từ mở cửa cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm đến đáp ứng mọi nhu cầu giải trí, tham quan, ẩm thực, văn hóa bản địa… gắn với sản phẩm du lịch đặc thù, nhiều sắc màu để phù hợp với thị hiếu và 'níu chân' được du khách. Với cách làm đó, ngành kinh tế du lịch ban đêm sẽ phát huy được hết thế mạnh, tiềm năng của mình, ông Đài cho biết thêm.
Đặc biệt, để phát triển du lịch, các quốc gia hay một tỉnh bắt buộc phải có những hoạt động về ban đêm. Qua giai đoạn dịch COVID-19 vừa rồi đã chứng minh hoạt động của phố đi bộ đã thể hiện được một số lợi thế. Nhưng thực tế, các phố đi bộ chưa làm được nhiều về dịch vụ về ăn uống ẩm thực, trong khi đây lại là một thế mạnh của Việt Nam cũng như của riêng Thủ đô Hà Nội.
Vì vậy, nếu hoạt động kinh tế ban đêm dừng lại ở 12h đêm thì các dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu cho du khách, nhất là du khách quốc tế. Khi chúng ta mở ra thì mặt lợi thế sẽ nhiều hơn hạn chế, những mặt trái chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ vì trên thực tế làm kinh tế ban đêm, từ chính quyền đến doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị và chấp hành hoạt động theo những quy định rõ ràng của Nhà nước, nhất là vấn đề an ninh, bảo đảm an toàn của người Việt luôn đặt lên hàng đầu.
Tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn từ du lịch
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời gian qua Công ty Du lịch APT cũng như các công ty lữ hành khác tập trung vào khai thác du lịch nội địa, điều chỉnh sản phẩm để tour phù hợp cho người Việt từ đồ ăn, phong cách phục vụ, chỉ dẫn, các hoạt động vui chơi, ca hát. Hiện nay Công ty chỉ duy trì hoạt động 30-40%, đây là con số rất khiêm tốn và mang tính chất cầm chừng, bởi để khôi phục lại được hoạt động, ngành du lịch cần rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các ban, ngành.
Trong khi đó, du lịch là một ngành đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi một nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam họ phải đi từ du lịch trước, đây chính là ngành mang tính chất dẫn dắt các ngành nghề khác phát triển, cần được quan tâm thiết thực khi đang 'ngắc ngoải tồn tại' để được 'cứu'. Vì theo ông Nguyễn Hồng Đài, khi doanh nghiệp đã đóng cửa rồi thì họ không còn thiết tha và muốn hoạt động trở lại nữa.
Chính vì vậy, hiện nay Nhà nước cần có những quyết sách để mở và phát triển kinh tế đêm nhanh và quan tâm đến du lịch nhiều hơn. Nhất là trong những năm vừa qua ngành du lịch rất thiếu về lao động, nếu hiện tại không làm nhanh thì lao động sẽ bỏ nghề chuyển sang ngành khác, khi đó việc phát triển du lịch sau phục hồi sẽ khó khăn hơn nhiều.
Bên cạnh việc đề xuất cần có những quyết sách nhanh, kịp thời cho phát triển kinh tế ban đêm, ông Nguyễn Hồng Đài cũng cho rằng, để phát triển kinh tế ban đêm hiệu quả nhất cần có sự phân bổ du lịch, các tụ điểm vui chơi ra các khu vực của thành phố theo các phía đông, tây, nam, bắc để giảm thiểu ùn tắc hay khách không phải đi xa. Như ở Hà Nội khách phải lên tận phố cổ mới có thể đi và ăn được.
Theo đó cần phải mở rộng các khu kinh tế đêm ở các địa bàn khác nhau như phố Lụa Vạn Phúc, sân vận động Mỹ Đình, quận Long Biên… để phát triển kinh tế ban đêm cũng như du lịch một cách cân đối và chia đều cung-cầu cho các khu.
Thực tế cho thấy, thời gian qua Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước đã tập trung khai thác thế mạnh vùng miền về du lịch, ẩm thực, hay sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) để kích cầu mua sắm, du lịch trên các tuyến phố đi bộ như phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ mở cửa cả buổi tối), Trung tâm Triển lãm nông nghiệp… Các hoạt động đó đã thu hút được một lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm, thưởng thức đặc sản ẩm thực, tinh hoa vùng miền hội tụ về Thủ đô.
Một thí dụ khác, việc khai thác thế mạnh từ phố Lụa ở Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng là một hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch, kích thích nhu cầu may mặc, ẩm thực đối với khách hàng nội địa và quốc tế.
Chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ phụ trách văn hóa thông tin về du lịch làng nghề phường Vạn Phúc, quận Hà Đông cho biết theo truyền thống phố Lụa Vạn Phúc vẫn đón khách du lịch vào ban ngày, nhưng từ năm 2018 do nhu cầu của khách muốn tham quan vào buổi tối và đặc biệt sau thành công của Tuần lễ văn hóa các làng nghề, phường Vạn Phúc đã tổ chức tuyến phố đi bộ và cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Vì vậy, phường đã động viên các hộ kinh doanh mở cửa hàng vào tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần để khách du lịch đến tham quan. Nhờ đó đã tăng thêm thu nhập cho các hộ kinh doanh và nâng cao đời sống người dân. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của tuyến phố cũng bị hạn chế nhưng nay đã dần đông đúc trở lại.
Khảo sát một số hộ kinh doanh trên các phố khu vực quận Hoàn Kiếm như: Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bè, Cầu Gỗ, Tống Duy Tân - những con phố vẫn được biết đến là 'phố ẩm thực' hoạt động tấp nập từ tối đến đêm - cho thấy, đa số đều ủng hộ phát triển kinh tế đêm, đặc biệt là khu trung tâm Hoàn Kiếm. Họ đều đồng tình với Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h sáng hôm sau, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh doanh.
Các hộ kinh doanh cũng nêu đề xuất về việc Chính phủ mở một số đường bay quốc tế, cho phép du khách vào Việt Nam trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả và công việc của người dân không bị gián đoạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận