Phát triển công nghệ giúp Việt Nam đón đầu kinh tế số
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, CEO TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp dựa trên nền tảng chuyển đổi số tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 diễn ra ngày 23/12.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có FPT hưởng ứng nhiệt liệt chiến lược chuyển đổi số từ Chính phủ. Theo ông Bình, lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và cả các nước khác.
Theo ông Bình, kinh tế số là các sản phẩm nền tảng và chia sẻ. Ông nhắc lại thời điểm khởi đầu của FPT cách đây 20 năm. Tập đoàn lúc đó đứng trước nhiều khó khăn, quyết định vươn ra thế giới từ rất sớm với một đội ngũ kỹ sư công nghệ giàu nhiệt huyết. Tuy nhiên những công ty mở cửa tại Silicon Valley (Mỹ) đều phải đóng cửa vì không tạo ra doanh thu. Nhiều năm sau công ty đầu tiên của FPT mở tại Nhật Bản mới có lãi. Từ không có khách hàng nào, FPT hiện có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp top đầu. Từ một đơn vị nhỏ bé, FPT vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu
Đi sau nhưng lợi thế của Việt Nam là chưa có nhiều ứng dụng, quá trình trung gian có thể bỏ qua mà đi thẳng lên chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin, startup dễ dàng cùng nhau xây dựng sản phẩm cho người dân, Chính phủ. Đến giai đoạn 2, khi cả thế giới hướng về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Việt Nam công bằng hơn về điểm xuất phát.
"FPT muốn làm trí tuệ nhân tạo để giảm đi các công việc có tính lặp đi lặp lại trong ngành ngân hàng, dịch vụ, bảo hiểm. 11 triệu người đang tương tác với AI do FPT phát triển. Chúng tôi ban đầu xây dựng 135 con akabot để xử lý 135 tác vụ. 50 doanh nghiệp thế giới đã đặt mua akabot của FPT. Sản phẩm này đang nằm trong top 6 hay nhất thế giới. Tháng 6 này, FPT ra mắt một nền tảng cho giáo dục với nhiều điểm mới", ông Bình cho biết.
ngân hàng đang dần dần thành ngân hàng mở
Ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank chia sẻ kinh nghiệm thiết lập nền tài chính số Make in Vietnam trong chính ngân hàng này. Định hướng chuyển đổi số đem lại nhiều thành tựu. Từ vị trí đứng thứ 42 trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam, hiện TPBank là 1 trong 10 ngân hàng vững mạnh nhất về chất lượng, với tổng tài sản hơn 200 nghìn tỷ, bình quân tăng trưởng 30-40% mỗi năm, nhưng số nhân sự chỉ tăng 4-5%, vì các lao động giản đơn được thay thế bằng công nghệ. "TPBank định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số, vì không có sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn, lâu đời", đại diện nhà băng chia sẻ.
CEO TPBank Nguyễn Hưng
Lợi thế của TPBank là có cổ đông là các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như FPT, MobiFone, Softbank. Hiện TPBank là khách hàng lớn nhất của FPT Akabot, với 70 robot hoạt động ở từng quy trình khác nhau, có thể tương đương vài nhân sự toàn thời gian đến hàng trăm nhân sự, hoạt động liên tục.
Theo ông Hưng, ngân hàng trong thời đại mới chuyển dịch từ các lĩnh vực kinh doanh truyền thống như huy động, cho vay vốn sang coi khách hàng là trung tâm, dữ liệu là quan trọng. Sắp tới, một số nghiệp vụ của ngân hàng sẽ bị thay thế, chuyển từ mô hình truyền thống sang công nghệ mới, tự động hoá, sử dụng công nghệ, trí thông minh nhân tạo.
"Ngân hàng phải xây dựng hệ sinh thái, kết nối với các ngân hàng khác, fintech, doanh nghiệp, nhà bán hàng, nền tảng thương mại điện tử... Ngân hàng đang dần dần trở thành ngân hàng mở", đại diện TPBank nhấn mạnh.
Bên cạnh các sản phẩm dịch vụ, TPBank thực hiện số hoá ngay trong quy trình nội bộ, "phải số hóa, paperless". Ông Hưng cho biết, 90% hoạt động của TPBank hiện không cần dùng giấy tờ. 70 robot triển khai trong ngân hàng, dự kiến tăng lên 140 robot trong năm sau. Hệ thống sử dụng Big Data, AI, Machine learning, dùng khuôn mặt và vân tay để giao dịch, không cần giấy tờ, tài liệu. Với ứng dụng Big Data, Blockchain... theo ông Hưng, TPBank là ngân hàng duy nhất mà các chứng từ, hồ sơ nhận diện bằng OCR, áp dụng vào các giao dịch trên kênh số và quầy giao dịch, cho phép khách hàng truy cứu lịch sử giao dịch... hay chuyển tiền từ Hàn, Nhật qua công nghệ blockchain.
Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 23/12 là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Lần thứ hai diễn đàn diễn ra, với hai phiên thảo luận, Diễn đàn là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đột phát để huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận