24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đoan Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phát triển cho vay tiêu dùng vì an sinh xã hội

Việc phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng nhằm hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, góp phần mang lại tác động tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời ngăn chặn tình trạng cho vay tự phát trong xã hội do quan hệ cung không đủ cầu (tín dụng đen).

Việc phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng nhằm hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, góp phần mang lại tác động tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, đồng thời ngăn chặn tình trạng cho vay tự phát trong xã hội do quan hệ cung không đủ cầu (tín dụng đen).

Đặc điểm của tín dụng cho vay tiêu dùng

Một là nâng cao cơ hội tiếp cận, đáp ứng nhu cầu tài chính cho người dân, đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, nhóm khách hàng dưới chuẩn, thường bị các tổ chức tín dụng từ chối cho vay do không chứng minh được khả năng trả nợ và không có tài sản thế chấp; giúp cho người dân thỏa mãn các kế hoạch tiêu dùng của mình giữa các chu kỳ biến động của thu nhập. Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng trong xã hội.

Hai là gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng bán lẻ của các tổ chức tín dụng. Tức là dịch vụ này sẽ giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác ngoài vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả các dịch vụ ngân hàng khác.

Ba là cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia…

Bốn là tín dụng tiêu dùng với đối tượng vay lớn, rộng, đa dạng, món vay thường nhỏ; việc quản lý vốn cho vay của các tổ chức tín dụng đòi hỏi nhiều công sức, trong khi lợi ích mang lại đi đôi với nhiều rủi ro tiềm ẩn cần có giải pháp thích hợp trong tổ chức quản lý của tổ chức tín dụng.

Thực trạng phát triển tín dụng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Ước tính, hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính tiêu dùng. Tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng gồm có hầu hết các ngân hàng thương mại, 6 công ty tài chính tiêu dùng và hầu hết là các công ty 100% vốn nước ngoài. So với hệ thống tín dụng của các ngân hàng thương mại, dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng hiện chưa nhiều, bởi vì các công ty tài chính tiêu dùng đang tập trung khai thác phân khúc khách hàng nhỏ lẻ với những khoản vay có giá trị nhỏ. Ngoài ra, chưa tính đến sự tham gia của các định chế tài chính là các ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng hợp tác xã cũng đã tham gia vào cho vay tiêu dùng thông qua các chương trình, kế hoạch an sinh xã hội theo ủy thác của Chính phủ và chính quyền địa phương…

Phát triển cho vay tiêu dùng vì an sinh xã hội

Ước tính, hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính tiêu dùng, trong đó đa phần là người nghèo

Có thể khẳng định rằng, tín dụng cho vay tiêu dùng đã góp phần đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận tầng lớp nhân dân với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường, từng bước góp phần phát triển thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ mà quan trọng hơn là góp phần đẩy lùi được nạn “tín dụng đen” đang hoành hành. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại trong phát triển tín dụng tiêu dùng như đã nêu, còn tồn tại bất cập trong loại hình này là lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn ở mức cao so với mức lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại do chi phí đầu vào của nguồn vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại do công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư; chi phí bù đắp rủi ro của khoản vay, lãi suất sẽ tỷ lệ thuận với rủi ro, chính vì vậy, cho vay tiêu dùng tín chấp có rủi ro cao, nên lãi suất phải cao hơn so với cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp của ngân hàng thương mại…

Giải pháp phát triển dịch vụ tín dụng cho vay tiêu dùng

Một là cần hoàn thiện chính sách tín dụng tiêu dùng gắn với chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Ngân hàng Thế giới, tình trạng thiếu khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính của các nhóm đối tượng thu nhập thấp trong xã hội là nguyên nhân quan trọng dẫn tới bất bình đẳng thu nhập và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Để thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam theo kịp với sự phát triển của thị trường thế giới, cần phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng để tạo nền tảng cho hệ thống ngân hàng thương mại và các công ty tài chính hoạt động, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh. Vì vậy, phát triển tài chính dân cư gắn với chính sách quốc gia về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội được coi là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Như nhiều nước trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam rất quan tâm đến phát triển tài chính, tín dụng dân cư toàn diện để đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính của mọi thành viên, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp dễ bị tổn thương trong xã hội.

Hai là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức tín dụng cho vay tiêu dùng.

Một điểm khác biệt khi lựa chọn tín dụng cho vay tiêu dùng chính là trải nghiệm khách hàng luôn được chú trọng và cải thiện trong suốt quá trình tham gia vay tiêu dùng. Đại bộ phận tầng lớp nhân dân có nhu cầu vay tín dụng tiêu dùng là người có thu nhập thấp, vẫn còn không ít người dân có thói quen chưa tìm hiểu tường tận các quy định cho vay tiêu dùng, nghĩa vụ và ý thức trả nợ lại kém, dẫn đến những mâu thuẫn, gây nên những cách nhìn không hay về dịch vụ cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen. Vì vậy, cần phải có giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức tín dụng cho vay tiêu dùng thông qua hoạt động của tổ chức Đảng và hệ thống đoàn thể chính trị - xã hội. Để làm tốt công tác này, cơ quan chức năng cần phải triển khai các chiến dịch tư vấn tốt cả trước, trong và sau quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ. Bởi vì thay đổi thói quen của người dân cần phải có phương pháp và thời gian cần thiết, gắn quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn cho vay tiêu dùng. Đồng thời với việc nâng cao hiểu biết về tín dụng an toàn cho người dân, các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cần hợp tác xây dựng cẩm nang thông tin giúp người dân hiểu rõ sự minh bạch của tín dụng cho vay tiêu dùng gắn với sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Ba là cần có chính sách hỗ trợ phát triển tín dụng cho vay tiêu dùng.

Cùng với việc tiếp tục khắc phục tồn tại trong tín dụng cho vay tiêu dùng hiện nay về yếu tố lãi suất, khả năng giảm thiểu rủi ro của các tổ chức tín dụng, cần đa dạng các sản phẩm mới như: Các khoản cho vay theo lương, hoạt động cho vay đồng cấp - những sản phẩm hiện đã được phát triển mạnh ở rất nhiều quốc gia trên thế giới nhằm quản lý hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính, đó là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mọi người dân.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các chương trình giảm nghèo đa chiều và đảm bảo an sinh xã hội thông qua chính sách trợ cấp lãi suất hoặc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng (khoản chênh lệch giữa cho vay tiêu dùng và cho vay thương mại); sửa đổi chính sách tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo hướng cho phép huy động vốn tiền gửi gắn với chức năng cho vay (Theo quy định tại Nghị định 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014, khác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng bị hạn chế tiếp cận với các nguồn vốn chi phí thấp do không được phép thực hiện hoạt động huy động tiền gửi dân cư).

Bốn là cần đổi mới quy trình, thủ tục tín dụng cho vay tiêu dùng.

Quy trình, thủ tục tín dụng cho vay giúp tổ chức tín dụng nắm, quản lý khách hàng. Quy trình thẩm định đòi hỏi phải thuận lợi, chặt chẽ giúp tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng phân định hành vi, xu hướng, quản lý suốt hành trình sau vay của khách hàng để chủ động trong biện pháp quản trị rủi ro.

Về nghiệp vụ tín dụng, khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết thì cần đơn giản quy trình, quy định, thủ tục theo hướng đơn giản, gắn việc quản lý khoản vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Ngoài ra, cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng với những vấn đề như lãi suất, phí, cách tính, thời hạn, phương thức đòi nợ, mức phạt khi trả nợ muộn hay thanh toán trước hạn…

Trước áp lực tham gia của những thành viên mới và những ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay, sự cạnh tranh trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Xu thế này đem đến lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý để giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia.

Để gia tăng được tín dụng tiêu dùng, các quy định, thủ tục cần có những bước thay đổi hỗ trợ khách hàng thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Đối với quy trình cho vay của các ngân hàng, với các khoản vay tiêu dùng hoặc phát hành thẻ tín dụng, thấu chi, việc thẩm định hồ sơ của nhiều ngân hàng đã được tự động hóa thay vì phải tốn nhiều thời gian trình duyệt như trước đây.

Theo đó, Ngân hàng số sẽ là bước tiến tiếp theo của ngân hàng bán lẻ nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng nhằm mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mới ưu việt và cắt giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam đều đang phải hoạch định và triển khai chiến lược về ngân hàng số nhằm đơn giản hóa thủ tục xét duyệt khoản cho vay.

Năm là ứng dụng công nghệ mới trong quản lý đối với tín dụng cho vay tiêu dùng.

Hình thức cho vay ngang hàng đúng nghĩa là sự kết nối người vay vốn và nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi thông qua hệ thống công nghệ. Tính ưu việt của hình thức cho vay ngang hàng so với hoạt động cho vay truyền thống là sự tiết giảm chi phí đáng kể cho trung gian tài chính (ngân hàng hoặc công ty tài chính). Mức chênh lệch giữa lãi suất người cho vay nhận được và lãi suất người đi vay phải trả ở mức thấp do chỉ để trả phí kết nối.

Ngoài ra, ứng dụng cho vay ngang hàng sử dụng công nghệ thẩm định tín dụng và các thuật toán phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp đưa ra quyết định giải ngân nhanh chóng. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cho vay tiêu dùng không chỉ đến từ số lượng đơn vị tham gia.

Chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu người dùng cũng đang tạo ra không ít thách thức và là động lực cho các nhà cung cấp dịch vụ tín dụng cho vay tiêu dùng. Bên cạnh việc ứng dụng, phát triển các công nghệ mới, các ngân hàng và công ty tài chính cũng phải số hóa quy trình cho vay để đáp ứng yêu cầu về tốc độ, sự tiện lợi và chi phí cấp tín dụng.

Thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay nhanh chóng với việc tích hợp thông tin về khách hàng như lịch sử mua hàng, thanh toán tín dụng của cơ quan ngân hàng, công an…

Ngoài ưu điểm về thời gian quyết định món cho vay, sự phát triển của công nghệ số trong thời gian qua cũng giúp cho những khách hàng có điểm xếp hạng tín dụng thấp hay chưa có lịch sử tín dụng dễ dàng tiếp cận được vốn vay thông qua các kênh phi truyền thống.

Sáu là đổi mới cơ chế bảo hiểm đối với tín dụng cho vay tiêu dùng.

Bảo hiểm rủi ro cho người vay tín dụng tiêu dùng là rất quan trọng, đặc biệt là đối với người vay có thu nhập thấp, nhằm tránh các rủi ro có thể xảy ra. Bảo hiểm sẽ giúp khách hàng thanh toán khoản vay mà không gây ra những áp lực tài chính lên gia đình khi khách hàng tử vong hoặc mất khả năng lao động do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm.

Bên cạnh việc cung cấp các khoản vay với thủ tục nhanh chóng, mang lại cho người đi vay lựa chọn tốt, các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cần tham gia tích cực vào các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng an toàn, có trách nhiệm với khoản vay.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các chính sách khác kết nối với cơ quan quản lý giữa doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và người dân nhằm tạo nền tảng cho phát triển tín dụng cho vay tiêu dùng gắn với các loại hình tài chính số và ngân hàng số; áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro và đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu quản trị của các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng là các điều kiện cần thiết để phát triển tín dụng cho vay tiêu dùng của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả