Phát ngôn ấn tượng trong tuần: “Tôi khẳng định không có ai có lợi ích nhóm ở Nhà máy nước mặt sông Đuống”
"Tôi khẳng định không có ai có lợi ích nhóm ở Nhà máy nước mặt sông Đuống. Thành phố làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các NĐT đầu tư vào lĩnh vực này" là phát ngôn ấn tượng BiLIVE ghi nhận trong tuần.
Chủ tịch Hà Nội nói về nghi vấn lợi ích nhóm trong dự án nước sạch
Giải đáp thắc mắc của cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, trước năm 2016 thành phố có 12 nhà máy nước, trong đó có nhà máy nước mặt sông Đà. Tổng công suất nước sạch các nhà máy đạt gần 700 nghìn mét khối một ngày đêm, đáp ứng 38% nhu cầu toàn thành phố. Hà Nội đã kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng hệ thống cấp nước và các doanh nghiệp đã đề xuất dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.
"Tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á", ông Chung nói. Theo ông, Aqua One là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An và "thành phố đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm".
Xử lý gian lận xuất xứ: Cần có quy định đầy đủ và rõ ràng
Thời gian qua, Việt Nam phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ trong cả hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, điểm chung trong các vụ việc này là sự khó khăn cho công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm do thiếu hệ thống quy định đầy đủ và rõ ràng. BizLIVE đã có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia quanh vấn đề này.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, điều rất quan trọng là Nhà nước phải có những quy định rành mạch và rõ ràng về việc sử dụng nhãn mác với hàng hoá tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ở Việt Nam. Trên cơ sở pháp luật đó, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ.
Còn hiện nay, các quy định của chúng ta về nhãn mác được ghi để tiêu thụ trên thị trường Việt Nam vẫn chưa đủ rõ ràng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc tuân thủ của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính nói gì về việc tính chi phí lãi vay, giá nước “gánh” hơn 2.000 đồng/m3?
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời UBND thành phố Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Theo đó, về việc định giá nước, Bộ Tài chính cho biết, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Nhưng riêng đối với chi phí lãi vay, bộ yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa tránh tính trùng chi phí.
"Về chi phí lãi vay, trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hoá vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hoá tránh tính trùng chi phí”, Bộ Tài chính cho biết.
Chủ tịch PVN: “Doanh nghiệp nhà nước làm bao nhiêu nộp bấy nhiêu, chả giữ gì cả, không thấy ưu ái hơn”
Thảo luận tại tổ về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 15/11, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư hay nói doanh nghiệp tư nhân chỉ mong như doanh nghiệp nhà nước, nhưng thực ra doanh nghiệp nhà nước lại chỉ mong được như tư nhân.
Theo ông Thanh, doanh nghiệp nhà nước được tiếp cận nguồn lực dễ hơn, song doanh nghiệp nhà nước hiện nay, như bản thân PVN, “bản chất là làm bao nhiêu phải nộp bấy nhiêu, không giữ gì, chỉ giữ một phần lại để tái đầu tư thôi, còn lại nộp hết, chả giữ gì cả, không thấy ưu ái gì hơn”.
Ông Thanh cũng cho biết, thủ tục với doanh nghiệp nhà nước vô cùng phức tạp, doanh nghiệp nhà nước như sống trong một ngôi nhà "ngũ đại đồng đường. “Thế hệ thứ 5 cũng làm ăn tốt, trưởng thành rồi, va đập rồi nhưng động tới cái gì cũng phải xin, không phải xin bố mình, mà phải xin tới "ông cố", ông Thanh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận