Phạt nặng việc đổi tiền lẻ kiếm lời dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Càng gần đến Tết, những lời chào mời đổi tiền lẻ xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Hiện có hàng chục nghìn kết quả khi gõ tìm kiếm "đổi tiền lẻ" trên Goolge. Những website với nhiều tên gọi như: "Dịch vụ đổi tiền", "Đổi tiền Tết" hay "Đổi tiền giá rẻ",... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân trong khoảng thời gian cao điểm cận Tết Nguyên đán.
Cùng với đó là những lời chào mời đổi tiền xuất hiện trên các trang mạng xã hội ngày một dày đặc hơn khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề.
Phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá. Như các loại tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mức phí sẽ dao động từ 13 - 15%, loại 10.000 đồng, 20.000 đồng là 6 - 8%, còn với 50.000 đồng, 100.000 đồng thì chịu phí 3 - 5%.
"Tiền luôn trong tình trạng mới và liền series, nguyên niêm của ngân hàng. Luôn có sẵn tiền mới nhiều mệnh giá từ 500 đồng đến 100.000 đồng", một lời quảng cáo đổi tiền lẻ.
Theo nhiều quảng cáo thì khách hàng cần bao nhiêu tiền lẻ cũng sẽ được đáp ứng.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền.
Cụ thể, tại điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ như sau:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
- Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điểm b Khoản 3 Điều 3 Nghị định 88).
Vào cuối tháng 12/2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Tết Tân Sửu năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ như những năm trước. Đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiền lẻ đã qua lưu thông vẫn đủ cung ứng để phục vụ nền kinh tế. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông dịp Tết. Việc không phát hành tiền mới in vào dịp Tết giúp tiết kiệm cho ngân sách nhờ giảm chi phí in ấn, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, phân loại, kiểm đếm,...Phó thống đốc cho hay, việc hạn chế in tiền lẻ mới dịp Tết giúp ngân sách tiết kiệm 3.500 tỷ đồng trong các năm gần đây. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận