Phát huy nội lực trong sản xuất vắc xin
Quỹ vaccine phải đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất vaccine chứ không phải chỉ dùng để mua vaccine. Đó là quan điểm của TS.Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tác động thế nào đến nền kinh tế và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay?
Đợt dịch lần thứ tư này, số người nhiễm ở Việt Nam bằng cả ba lần trước cộng lại, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức độ thấp và có thể khẳng định, chúng ta sẽ xử lý được. Nhưng tình hình đang khó khăn hơn năm 2020 rất nhiều.
Khó khăn hơn bởi vì sau hơn một năm người dân, doanh nghiệp đã hết nguồn tích trữ; những gì tích lũy được, tiết kiệm được đã bỏ ra trang trải cho những đợt dịch vừa rồi. Đầu năm nay, người dân hy vọng sau Đại hội Đảng và khi có Chính phủ mới sẽ có những chuyển biến mới không khí sẽ tích cực, phấn khởi hơn, như thế có nhiều cơ hội cho đầu tư và phát triển. Nhưng chúng ta lại vấp phải hai đợt dịch trong tháng 2 và đợt dịch từ tháng 4 kéo dài đến tận bây giờ.
Bên cạnh đó, trên thế giới có những nước khôi phục rất nhanh như Mỹ, Trung Quốc. Khi tốc độ khôi phục kinh tế của các siêu cường như vậy đi kèm theo các gói hỗ trợ kinh tế cực lớn mà họ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động lẫn các doanh nghiệp đã đẩy tăng giá vật tư hàng hoá tương đối cao. Với độ mở của nền kinh tế hiện tại, chắc chắn cả ở sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động của chúng ta bị ảnh hưởng không nhỏ.
Hiện nay, chúng ta đang giữ được mức ổn định đời sống người lao động. Còn ảnh hưởng đến sản xuất, chắc chắn chúng ta phải chấp nhận vì Việt Nam hoạt động theo nền kinh tế thị trường; khi cầu cao, cung thấp thì giá sẽ bị đẩy lên, chi phí đầu vào của sản xuất tăng cao làm tăng thêm khó khăn.
Cách đây mấy tháng ông đã nói vaccine sẽ không chỉ là vấn đề y tế và kinh tế mà sẽ trở thành vấn đề chính trị. Vậy theo ông, phải làm gì để vaccine không trở thành vấn đề chính trị?
Hồi tháng 3, tôi có nói vaccine trở thành một vấn đề chính trị chứ không đơn thuần là vấn đề y tế, kinh tế nữa. Đến bây giờ, việc này đã thể hiện rõ. Việc công nhận một vaccine nào đó theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc không công nhận đều mang nhiều màu sắc chính trị.
Muốn vaccine không trở thành câu chuyện chính trị, phải quay trở lại định hướng của Đảng từ cách đây 15 năm rằng, ngoại lực là quan trọng, nội lực là quyết định. Điều này có nghĩa là chúng ta phải vừa tăng cường năng lực sản xuất vaccine, vừa cố gắng đàm phán mua vaccine về tiêm cho dân và mở cửa lại nền kinh tế. Nếu ta không chủ động được vaccine thì sức khỏe và đời sống của người dân cũng như tình hình kinh tế còn khó khăn.
Nhưng làm sao có đủ vaccine và chủ động được nguồn vaccine khi mà nguồn lực của chúng ta có hạn, thưa ông?
Chúng ta không thiếu tiền để mua vaccine. Chúng ta đã tiếp cận vaccine từ rất sớm. Nhưng việc mua đủ vaccine còn khó khăn vì 3 lý do. Thứ nhất, Việt Nam không phải vùng dịch như chúng ta và thế giới nhìn nhận. Thứ hai, quan hệ đối ngoại và sức mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế ngày hôm nay là kết quả của chủ trương đối ngoại độc lập và tự chủ; phương châm của chúng ta là không ngả về nước nào. Thứ ba, chúng ta cần tăng cường nội lực của quốc gia (trong sản xuất vaccine). Câu chuyện vaccine của nước ta cần nhìn nhận từ góc độ đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rõ: Phải sản xuất bằng được vaccine phòng chống Covid-19 để chủ động lo cho người dân.
Tôi cho rằng quỹ vaccine vừa được thành lập không chỉ để đi mua vaccine mà phải là để đầu tư cho sản xuất vaccine. Hiện nay quỹ này mới ở mức độ dùng để mua vaccine.
Quỹ là sự vận động đóng góp nên không bị trói buộc bởi Luật Đầu tư công, quỹ có thể vượt qua quy định chi tiêu công để đầu tư cho những mục tiêu mà nhà nước và nhân dân cần, ở đây là mục tiêu đầu tư ngay cho nhà sản xuất vaccine vì thế các nước mới lập quỹ vaccine.
Tôi tin rằng buổi làm việc của Thủ tướng với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine, đã tiếp thêm động lực cho việc nghiên cứu và sản xuất vaccine chống Covid-19. Tôi tin rằng sau buổi làm việc này, những khó khăn, vướng mắc trong việc nghiên cứu và sản xuất vaccine được tháo gỡ và quỹ vaccine được sử dụng đúng bản chất là đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất vaccine thì chúng ta sẽ chủ động được nguồn vaccine.
Vậy theo ông, trong nửa cuối năm 2021 phải làm những gì, cần những chính sách vĩ mô nào để thúc đẩy nền kinh tế phát triển?
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ vẫn đi song song với 3 trụ cột điều hành đó là phòng chống dịch, đẩy nhanh đầu tư công, mở cửa tạo ra sự thông thoáng cho nền kinh tế nói chung.
Những người làm công tác điều hành kinh tế vĩ mô phải bám vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII vì đây là bước phát triển cho Cương lĩnh 2011, đã quy định rõ: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế, tuân thủ theo các quy luật kinh tế thị trường, có sự quản lý và điều hành của Nhà nước.
Sự quản lý và điều hành của Nhà nước ở đây không phải là Nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các giải pháp về thuế, thủ tục hành chính… để rút ngắn quá trình sản xuất, tạo ra dòng luân chuyển vốn nhanh hơn, từ đó tạo hiệu quả nhiều hơn để bù đắp lại tăng giá của thị trường, giữ được lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trong mô hình đổi mới cơ cấu kinh tế Việt Nam phải thoát ra được tư duy nhùng nhằng giữa nền kinh tế thị trường với nền kinh tế thị trường có sự điều hành của Nhà nước. Cái gì nhà nước để nền kinh tế thị trường tự quyết định thì thị trường tự quyết định.
Khi Việt Nam tham gia vào chuỗi toàn cầu, phải đảm bảo được tất cả doanh nghiệp trong chuỗi này đều được hưởng lợi ích kinh tế mà nó đem lại. Hiện nay, trong công tác điều hành vĩ mô chúng ta đang làm những việc đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận