24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Vũ Lương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phát hiện nhiều thủ đoạn gian lận xuất xứ hàng hóa sau thông quan

Thanh tra hải quan đã phát hiện nhiều thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa khi kiểm tra.

Theo ông Âu Anh Tuấn, đối tượng vi phạm đã sử dụng những hành vi gian lận như: Đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”…

phat hien nhieu thu doan gian lan xuat xu hang hoa sau thong quan
Kiểm tra hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: BCĐ 389 Quốc gia.

“Đối tượng còn sử dụng những sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa, nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam” hoặc “Xuất xứ Việt Nam”, lông Âu Anh Tuấn chia sẻ.

Thủ đoạn nữa được các lực lượng chức năng phát hiện là phương thức thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng ghi "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Xuất xứ Việt Nam" để tiêu thụ tại thị trường trong nước, nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.

Trước tình hình này, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố, khi kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, công chức hải quan phải kiểm tra trên hàng hóa, bao bì có nhãn hay không; trường hợp hàng hóa không có nhãn (trừ các hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP) thì thực hiện xử phạt theo quy định tại Khoản 7 Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP); đồng thời, chuyển thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát việc dán nhãn phụ trước khi lưu thông.

Trường hợp hàng hóa có nhãn thì nhãn hàng hóa phải thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể: Vị trí nhãn phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa, ở vị trí dễ quan sát, có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Đặc biệt, đối với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ngoài việc kiểm tra các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định, trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc.

Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là lương thực, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, rượu, đồ uống, Tổng cục hướng dẫn cụ thể các đơn vị kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo từng nhóm hàng theo quy định tại Phụ lục I Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng tiến hành mở rộng điều tra các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ ván ép, gỗ dán có số lượng tăng đột biến, bên cạnh đó tiếp tục điều tra xác minh làm rõ hành vi vi phạm đối với các công ty trên, để xử lý theo theo quy định pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh thu thập thông tin, kiểm tra đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn giả mạo C/O, đối với một số mặt hàng trọng điểm có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn.

Theo Tổng cục Hải quan, các nước trong khu vực và trên thế giới hiện đã có những chính sách thay đổi lớn như: Tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, trong hoạt động thương mại… có tác động lớn đến nền kinh tế của Việt Nam. Không chỉ vậy, Việt Nam đã và đang chịu tác động bởi các Hiệp định thương mai tự do FTA, nên hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... nhằm lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng.

“Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”, đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả