Phát hiện mới về biến thể Omicron
Bên cạnh các nghiên cứu mới về đặc điểm của Omicron gây lo ngại, giới khoa học cảnh báo các nước không được lơ là cảnh giác trước biến thể Delta.
Omicron có thể tránh thoát miễn dịch?
Hơn một tuần kể từ khi Nam Phi lần đầu báo cáo việc phát hiện biến thể Omicron lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới vẫn chưa hiểu rõ về khả năng lây nhiễm và độc lực của biến thể mới này.
Reuters ngày 4.12 đưa tin các nhà nghiên cứu từ Công ty phân tích Nference (bang Massachusetts, Mỹ) phát hiện biến thể Omicron có thể đã sở hữu ít nhất một đột biến bằng cách lấy vật liệu di truyền của một vi rút gây bệnh khác tồn tại trong cùng tế bào.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy một chuỗi gien của Omicron không xuất hiện trong bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào trước đó, nhưng lại phổ biến ở nhiều loại vi rút khác, gồm vi rút gây cảm lạnh và cả trong gien người. Việc có được đoạn gien này khiến Omicron trông “giống con người hơn” và tránh được sự tấn công của hệ thống miễn dịch.
Điều này được các nhà khoa học Nam Phi tái khẳng định trong một báo cáo do Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD) Nam Phi công bố ngày 2.12, theo South China Morning Post. Các chuyên gia nhận thấy biến thể Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm lên gấp 3 lần so với biến thể Delta và Beta, tức Omicron có khả năng tránh thoát miễn dịch tự nhiên.
Bên cạnh đó, CNN ngày 3.12 dẫn lời bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nhận định các bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có thể còn lây nhiễm nhanh hơn Delta. Thực tế, số ca mắc Covid-19 mới ở Nam Phi đã tăng gần 4 lần chỉ trong 4 ngày, từ 4.373 ca trong ngày 30.11 lên 16.055 ca vào ngày 3.12. Kết quả giải trình tự gien trong tháng 11 ở Nam Phi cũng cho thấy biến thể Omicron đang chiếm ưu thế với việc gây ra khoảng 75% ca bệnh mới.
Vẫn cần cảnh giác trước Delta
Với các dấu hiệu này, nhà khoa học trưởng Soumya Swaminathan của WHO ngày 3.12 dự báo Omicron có thể thay thế Delta trở thành biến thể chính trên thế giới, theo Reuters. Chuyên gia này cũng lưu ý rằng hiện chưa thể kết luận Omicron chỉ gây bệnh nhẹ, ngay cả khi nhiều ca nhiễm đến nay có ít triệu chứng nặng hoặc không có triệu chứng.
Những lo ngại về biến thể mới đã khiến nhiều chính phủ thắt chặt các biện pháp hạn chế đi lại. Điều này có thể gây thêm bất ổn cho các nền kinh tế vốn đang bị các lệnh phong tỏa và đóng cửa ảnh hưởng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 3.12 thông báo họ có thể hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy Omicron đặt thế giới vào tình trạng báo động mới, biến thể Delta vẫn đang là tác nhân chính gây ra các làn sóng lây nhiễm và chiếm đến 99,8% kết quả giải trình tự gien đăng trên sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID trong 60 ngày qua. Theo AFP, người phát ngôn Christian Lindmeier của WHO ngày 3.12 đã nhắc các nước tiếp tục tập trung vào biến thể Delta. Giám đốc CDC Walensky cũng tuyên bố Delta vẫn là mối đe dọa lớn tại Mỹ khi gây ra 99% ca bệnh mới ở nước này.
Tiếp tục lây lan ra nhiều nước
Reuters ngày 4.12 đưa tin biến thể Omicron đã lây lan tới ít nhất 40 quốc gia kể từ khi được Nam Phi báo cáo cho WHO ngày 24.11. Dù Omicron đang lây lan nhanh chóng, WHO ngày 3.12 cho biết tổ chức này vẫn chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do biến thể mới gây ra.
Theo AFP, Mỹ và Úc là hai quốc gia mới nhất ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron không có lịch sử đi lại ở nước ngoài. Điều này cho thấy biến thể Omicron đã lây lan trong cộng đồng. Báo The Hill đưa tin ít nhất 10 bang của Mỹ đã phát hiện biến thể Omicron chỉ 2 ngày sau khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở California. TP.Sydney (Úc) ngày 3.12 cũng phát hiện ca mắc biến thể Omicron trong cộng đồng đầu tiên không rõ nguồn lây.
WHO cảnh báo Omicron có thể gây ra hơn một nửa số ca mắc Covid-19 mới ở châu Âu trong vài tháng tới. Ít nhất 13 người ở thủ đô Oslo của Na Uy đã nhiễm biến thể Omicron sau khi tham dự một buổi tiệc Giáng sinh vào tuần trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận