Phát hiện cá nhân khai gian giá bán bất động sản thấp hơn 40 lần giá thực
Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thông tin về việc kê khai số thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng bất động sản, trong đó đáng chú ý nhiều địa phương có hiện tượng cá nhân kê khai giá rất thấp.
Rà soát lại, cơ quan thuế đã tăng thu cho Ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồn. Có trường hợp, cơ quan thuế rà soát, xác định lại vi phạm, các cá nhân kê khai lại giá tăng từ 2 - 5 lần, cá biệt có nơi điều chỉnh tăng lên 20 - 40 lần.
Điều chỉnh giá chuyển nhượng bất động sản tăng 40 lần so với ban đầu
Theo Tổng cục Thuế, qua rà soát, cơ quan thuế căn cứ vào cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai tính thuế và tham khảo giá thực tế chuyển nhượng ở một số khu vực, vị trí tương đương đã phát hiện các rủi ro trong việc kê khai nộp thuế.
Qua yêu cầu kê khai lại các hồ sơ khai thuế có dấu hiệu vi phạm, ngành Thuế đã tăng thu cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt, qua kê khai lại của các tổ chức cá nhân tại một số địa phương đã kê khai giá chuyển nhượng bất động sản tăng từ 2-5 lần so với giá kê khai ban đầu, đặc biệt có hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng lên 20 lần, 40 lần.
Về số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng đất đai, trong 3 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết số thu tăng trên 63%, đạt 8.200 tỷ đồng, tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ 3 tháng của năm 2020.
Nguyên nhân dẫn đến số thu tăng đến từ việc áp dụng một số biện pháp để thu thập chứng cứ xác minh giá chuyển nhượng như xác minh với các văn phòng công chứng về hợp đồng đặt cọc, hợp đồng khác giá khai thuế, phụ lục hợp đồng với giá điều chỉnh; xác minh qua ngân hàng các thông tin về giao dịch liên quan chuyển nhượng bất động sản, vay để mua bất động sản…
Tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ bất động sản sau động thái siết chặt
Thực tế, hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên phạm vi cả nước thời gian qua luôn tồn tại hành vi kê khai giá thấp, để trốn tránh nghĩa vụ thuế hoặc nộp thuế ít hơn.
Thông thường người mua và bán bất động sản có thoả thuận riêng ngoài hợp đồng mua bán về giá trị giao dịch. Trên hợp đồng chuyển nhượng, giá chuyển nhượng bất động sản thường thấp hơn so với giá trị giao dịch giữa hai bên; thậm chí có nơi còn thấp hơn so với giá quy định của Nhà nước.
Việc khai giá trên hợp đồng mua bán là căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, phí trước bạ. Chính vì vậy, giá thấp làm lợi cho người bán bất động sản, trong khi người mua bất động sản vẫn phải trả số tiền cao, thậm chí cao hơn rất nhiều giá trị hợp đồng.
Hành động này khiến nhà nước thất thu về thuế phí, trong khi đó người tham gia chuyển nhượng bất động sản trở thành đối tượng bắt tay nhau, gây thất thoát của Nhà nước.
Ngày 28/4/2022, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn số 3849/BTC-TCT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương trong quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt tăng cường việc xử lý hình sự đối với hành vi trốn thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế thông tin về gần đây người dân phản ánh cơ quan thuế tại TP Thủ Đức xử lý hồ sơ chậm trễ. Theo cơ quan này, nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc thành lập TP. Thủ Đức trực thuộc TP. Hồ Chí Minh, dẫn đến phát sinh các hạn chế trong thụ lý, giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, chuyển nhượng bất động sản.
Ngay trong quý I/2022 Chi cục Thuế TP Thủ Đức đã giải quyết gần 11.000 hồ sơ mua bán nhà đất, trong đó người dân điều chỉnh lại 1.949 hồ sơ (chiếm gần 18% hồ sơ giải quyết) và số thuế tăng thu thêm cho Ngân sách Nhà nước đạt 92,5 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận