Phát hành trái phiếu ra công chúng đang trong tay ai?
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu trầm lắng và khó khăn hiện nay, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra công chúng dù nhen nhóm trở lại nhưng tỷ trọng vẫn còn thấp so với trái phiếu riêng lẻ. 9 tháng đầu năm 2023 có gần 25 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, tập trung chủ yếu là nhóm ngân hàng.
Phát hành trái phiếu ra công chúng, cuộc chơi trong tay ngân hàng
Theo tổng hợp của VietstockFinance, tính tới ngày 25/09 có 22 đợt phát hành TPDN ra công chúng với tổng giá trị lên tới 24,858 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng chiếm tới 62%, tiếp đó là hệ sinh thái Tập đoàn Masan 31%, Tập đoàn Vingroup chiếm 6%.
Trái phiếu do ngân hàng phát hành đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng theo quy định. Lãi suất trung bình dao động từ 9 - 10%/năm, kỳ hạn từ 6 tới 10 năm.
Gần đây nhất, ngày 15/09, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) đã phát hành ra công chúng thành công 5,580 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, lô LPB7Y202205 hơn 2,125 tỷ đồng có kỳ hạn 7 năm, lô LPB10Y202206 gần 162 tỷ đồng có kỳ hạn 10 năm.
Trước đó cuối tháng 6, LPB phát hành hai lô trái phiếu mã LPB7Y202203 hơn 2,944 tỷ đồng (kỳ hạn 7 năm) và lô LPB10Y202204 gần 349 tỷ đồng (kỳ hạn 10 năm). Lãi suất kỳ đầu tiên dao động từ 9.1 - 9.9%/năm, các kỳ tiếp theo được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2.8%/năm (kỳ hạn 7 năm), hoặc 3.1%/năm (kỳ hạn 10 năm).
Tính đến ngày 15/09, LPB có hơn 16,148 tỷ đồng trái phiếu chưa đáo hạn, giảm gần 3 ngàn tỷ so với 6 tháng đầu năm 2023.
Ngày 20/07, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) huy động thành công 5,000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng (đợt 1).
Trước đó, ngày 29/05, CTG được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng khối lượng 9,000 tỷ đồng, chia thành hai đợt với kỳ hạn 8 năm và 10 năm. Lãi suất thả nổi, tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 1.2%/năm đối với kỳ hạn 8 năm và 1.3%/năm với kỳ hạn 10 năm.
Có hơn 6,500 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã tham gia mua toàn bộ trái phiếu đợt 1 của CTG. Sau khi kết thúc đợt 1, CTG còn đợt 2 gồm 15 triệu trái phiếu mã CTG2230T2/02 và 25 triệu trái phiếu mã CTG2232T2/02). Thời gian chào bán đợt 2 không được kéo dài quá 90 ngày, khoảng cách giữa đợt 1 và đợt 2 không quá 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) ngày 22/08 đã phát hành thành công hơn 384 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, tương ứng 54.14% tổng số chào bán trong đợt 3. Được biết, trái phiếu đợt 3 có tổng mệnh giá 710 tỷ đồng, kỳ hạn 6 năm (đáo hạn ngày 22/08/2029), lãi suất 9%/năm.
BVB cho biết, mục đích phát hành nhằm bổ sung vốn cho vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức.
Ngoài ra, còn hai nhà băng khác cũng đã phát hành trái phiếu ra công chúng trong 9 tháng đầu năm là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank, UPCoM: VBB) với 1,900 tỷ đồng, kết thúc đợt chào bán ngày 29/06, kỳ hạn 7 năm. Và Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, HNX: BAB) với hơn 2,564 tỷ đồng, phát hành ngày 27/02; trong đó, có 2,063 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và hơn 501 tỷ đồng kỳ hạn 8 năm.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có gì đáng chú ý?
So với các ngân hàng thì kỳ hạn và lãi suất của các doanh nghiệp sản xuất hấp dẫn hơn, một phần có thể do biên độ an toàn thường không bằng ngân hàng (rủi ro cao hơn). Cụ thể, lãi suất thấp nhất là 9%/năm cho tới 15%/năm của tập đoàn Vingroup, với kỳ hạn dao động từ 2-5 năm.
Công Ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty con của Tập đoàn Masan sở hữu 86.4% vốn) có 4 lô phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 2,200 tỷ đồng vào ngày 27/07, kỳ hạn 60 tháng (đáo hạn ngày 27/07/2028). 4 lô trái phiếu gồm mã NPMPO2328003 (700 tỷ đồng), NPMPO2328004 (500 tỷ đồng), NPMPO2328005 (550 tỷ đồng) và NPMPO2328006 (450 tỷ đồng).
Tất cả đều là trái phiếu không chuyển đồi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất hai kỳ đầu là 9%/năm, các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu cộng 4.1%/năm.
Như vậy, tạm tính tới 27/07, Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo có dư nợ trái phiếu lên tới gần 9,482 tỷ đồng.
Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) cũng huy động 5,500 tỷ đồng từ 4 lô trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 5 năm. Tất cả được phân phối cho hơn 99% nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Cũng trong tháng 9, Vingroup đã chào bán thành công 1,429 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng gồm trái phiếu VICH2326001 (đợt 1) hơn 736 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng; và VICH2325004 (đợt 1) hơn 692 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng.
Đây đều là trái phiếu không chuyển đồi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của VIC.
Được biết, với lô đầu mã VICH232600, theo công văn gửi UBCKNN ngày 14/09, tổng số lượng chào bán là 6,000 tỷ đồng và chia thành 3 đợt (2,000 tỷ đồng/đợt). Như vậy, kết quả đợt 1 chỉ bán được hơn 736 tỷ đồng, tương đương 36.82% tổng số chào bán của đợt. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức chiếm phần lớn khi mua 540 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư cá nhân 196 tỷ đồng.
Còn với lô đầu mã VICH232500, tổng giá trị cần huy động là 4,000 tỷ đồng, chia thành 2 đợt (2,000 tỷ đồng/đợt). Đối với lô này, tỷ lệ thành công so với kế hoạch là 34.63%. Trái ngược với lô mã VICH232600, phần lớn là nhà đầu tư cá nhân mua gần 610 tỷ đồng, còn tổ chức là hơn 82 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) đã phát hành 300 tỷ đồng ra công chúng trái phiếu BAFH2225002 vào ngày 04/07, kỳ hạn 36 tháng (đáo hạn 04/07/2026), lãi suất 10.5%/năm. Đây là doanh nghiệp hiếm hoi khi có tỷ lệ thành công toàn bộ. Trong đó, tổ chức mua 296.6 tỷ đồng, chiếm 99%, còn lại là nhà đầu tư cá nhân.
BAF cho biết, số tiền thu được từ trái phiếu trên để thanh toán chi phí mua hàng 225 tỷ đồng, chi phí thuê trang trại 25 tỷ đồng và còn lại 50 tỷ đồng cho chi phí phụ gia, nguyên liệu sản xuất cám.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng từ đầu năm tới 25/09/2023
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận