Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý
Hiện tượng doanh nghiệp (DN) vốn điều lệ vài chục tỷ đồng nhưng phát hành trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng, lãi suất phát hành trái phiếu cao bất thường… được coi là bất cập, thậm chí là rủi ro trên thị trường trái phiếu DN.
Những điều kiện thông thoáng của Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 bước đầu thể hiện mặt tích cực là giúp nhiều DN giảm phụ thuộc vào kênh ngân hàng cùng việc huy động được một lượng không nhỏ vốn trung và dài hạn.
Song bên cạnh đó, đã nổi lên các rủi ro bất cập đáng lo ngại như, nhiều DN huy động trái phiếu "bằng mọi giá" khi đẩy lãi suất huy động lên cao, làm tăng rủi ro cho chính DN và cả nhà đầu tư. Trong khi đó, hiện ở Việt Nam chưa có công ty đủ uy tín cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm để cung cấp sản phẩm chuẩn nhằm làm cơ sở định giá trái phiếu DN.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, đã có gần 30 DN phát hành trái phiếu với khối lượng vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 11 DN phát hành vượt 50 lần và 6 DN vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu.
Để thị trường trái phiếu DN phát triển lành mạnh, không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu DN, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự; quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của DN khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập DN.
Ngoài ra, để ngăn ngừa các DN có quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, việc sửa đổi Nghị định 163 sẽ giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu như phát hành riêng lẻ không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất.
Bên cạnh đó, để hạn chế DN chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, cũng như hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định 163, dự thảo nghị định sửa đổi đã bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng; quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính sửa đổi điều kiện phát hành trái phiếu DN hoàn toàn không nên hiểu là "siết" thị trường trái phiếu mà chính là tạo thêm "đường ray" pháp lý để thị trường này thực sự là của DN, vì DN.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận