Pháp toan tính gì khi dự kiến ngân sách quốc phòng khủng?
Pháp - trụ cột an ninh của NATO - dự kiến thông qua khoản ngân sách quân sự lớn nhất trong nửa thế kỷ qua. Nhưng hiệu quả của nó vẫn bị đặt dấu hỏi trước bối cảnh an ninh phức tạp.
Dự luật ngân sách quốc phòng mới của Pháp dự kiến sẽ được thông qua vào cuối tháng 7 tới, đưa chi tiêu quân sự của nước này trong 07 năm tới lên 413 tỷ euro, tăng khoảng 100 tỷ euro so với giai đoạn trước. Mục tiêu của Tổng thống Macron là đến năm 2027, chi tiêu quốc phòng Pháp sẽ đạt 2% GDP - điều mà suốt nhiều năm qua, chính phủ Pháp đã nhiều lần hứa hẹn nhưng không đáp ứng được.
Thế nhưng, kế hoạch tham vọng đó sớm bị các chuyên gia chỉ trích. Họ cho rằng số tiền tăng thêm sẽ không “giúp ích gì nhiều” trong việc giúp quân đội thuộc loại mạnh nhất EU đối phó với các nguy cơ mới trên toàn cầu nảy sinh từ sau chiến sự Nga - Ukraine.
Dự luật ngân sách của Pháp cho giai đoạn 2024-2030 đã cam kết tăng khoảng 3 tỷ euro hàng năm ban đầu, với ưu tiên nâng cấp vũ khí hạt nhân, bổ sung kho vũ khí và tăng cường dịch vụ cho thiết bị quân sự. Các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân chiếm khoảng 60% ngân sách, với ưu tiên hiện đại hóa đầu đạn, tên lửa phóng từ trên không và trên biển, máy bay chiến đấu Rafale và tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân mang vũ khí.
Giới chuyên gia lo ngại rằng dự luật ngân sách thiếu tập trung vào các thiết bị “phần cứng” như xe tăng, máy bay phản lực và trực thăng - vốn có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.
Trước hết, giới chuyên gia lo ngại rằng dự luật ngân sách thiếu tập trung vào các thiết bị “phần cứng” như xe tăng, máy bay phản lực và trực thăng - vốn có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Chương trình bị chỉ trích là đã “không rút ra được bài học” từ cuộc chiến Ukraine – nơi cả kho đạn của NATO cũng không đủ để cung cấp cho Ukraine chiến đấu liên tục, là hệ quả của nhiều thập kỷ cắt giảm ngân sách quốc phòng.
“Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy một lần và mãi mãi rằng các cuộc chiến đều được quyết định trên thực địa. Dự luật của Pháp hoàn toàn không đủ để xây dựng một đội quân quy mô lớn, cũng như tăng kho dự trữ vũ khí thông thường”, ông Vincent Desportes, một vị tướng Pháp đã nghỉ hưu, hiện là giáo sư tại trường đại học Science Po, cho biết.
Các kế hoạch chi tiêu khác bao gồm khoảng 268 tỷ euro hiện đại hóa và tăng cường thiết bị quân sự, và 16 tỷ euro để bổ sung kho dự trữ đạn dược đang cạn kiệt của Pháp. Dự kiến số quân nhân dự bị sẵn sàng nhập ngũ sẽ tăng gấp đôi. Tuy nhiên một phần không nhỏ ngân sách khác được dành cho khả năng răn đe hạt nhân, tàu sân bay mới, phòng thủ mạng, hoạt động không gian và xây dựng cơ sở hạ tầng ở các lãnh thổ hải ngoại của Pháp.
Theo các nhà quan sát, với mức tăng ngân sách quốc phòng này, các xe tăng và máy bay đời cũ của Paris sẽ chậm được hiện đại hóa hơn so với các kế hoạch nhiều năm trước đó. Theo dự thảo mới, đến năm 2030, Pháp sẽ có tổng cộng 160 xe tăng tối tân (thay vì 200 như trước), 178 máy bay chiến đấu Rafale thay vì 225, và chỉ 20 trong số 169 trực thăng Guépard mới đặt hàng vào năm 2021. Số quân được triển khai tối đa ở nước ngoài là 15.000, thấp hơn nhiều so với con số 60.000 vào giữa những năm 1990.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn là một sức ép không nhỏ đối với kế hoạch ngân sách của Pháp
Ngoài ra, một khoảng trống lớn của kế hoạch này là một nửa trong số ngân sách dự kiến sẽ được phân bổ sau năm 2027, tức nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống đương nhiệm E.Macron.
“Chúng tôi có tầm nhìn cho đến năm 2027 và kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron. Sau đó, Pháp đơn giản là không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Lập kế hoạch ngân sách khoảng 200 tỷ euro trong khoảng thời gian mà không chắc có thể kiểm soát được quả là khó hiểu”, Michel Goya, một nhà sử học quân sự và cựu đại tá trong lực lượng thủy quân lục chiến Pháp, nhận định.
Quả thật, Pháp đang đứng trước thách thức lớn trong hài hòa giữa chi tiêu bị cắt giảm và nhu cầu quốc phòng đang tăng lên. Suốt nhiều thập kỷ kể từ 1990, Paris đã chứng kiến sự thu hẹp đáng kể về quy mô và năng lực quân sự bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng. Đến năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Pháp đã giảm từ gần 3% GDP xuống chỉ còn dưới 2%. Đất nước chỉ còn lại một phần ba quân số, một phần tư số pháo và một phần mười số xe tăng, theo ông Goya.
Nguy cơ an ninh từ Nga và cuộc xung đột Ukraine là nhân tố gia tăng sức ép với Pháp. Năng lực sản xuất vũ khí lỗi thời không thể bắt kịp nhu cầu tiêu thụ đạn dược của chiến trường, trong khi mọi lĩnh vực của quân đội Pháp đều cần tiền để đổi mới và hiện đại hóa. Đó là lý do dự thảo ngân sách này cũng được nhiều ý kiến ủng hộ - nó chia đều các khoản ngân sách cho mọi khía cạnh.
Ông Thomas Gassilloud, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, cho rằng dự luật đạt được sự cân bằng hợp lý giữa số lượng và chất lượng, dần dần nâng cao thứ hạng nhưng cũng đảm bảo thiết bị hoạt động và nâng cao năng lực nhân sự hiệu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận