Phập phù cổ phiếu điện
Là nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ, nhưng bức tranh hoạt động của các doanh nghiệp ngành điện trong thời gian qua không lấy gì làm sáng sủa.
Thủy điện liên tiếp gặp khó
Theo số liệu thống kê quý II/2020, trong 20 doanh nghiệp thủy điện niêm yết, có 12 đơn vị chứng kiến lợi nhuận đi xuống; 6 đơn vị báo lỗ và chỉ có 2 công ty gia tăng lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Chẳng hạn, chỉ riêng việc thực hiện miễn/giảm giá điện đến hết tháng 6/2020 để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch theo quy định của Nhà nước đã lên tới 92,29 tỷ đồng. Một số trường hợp đáng chú ý có thể kể tới như Điện lực Khánh Hòa (KHP) thua lỗ gần 219 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, KHP ghi nhận doanh thu thuần giảm 11% (đạt 2,236 tỷ đồng) và giá vốn giảm nhẹ 5% (đạt 2.373 tỷ đồng). Kinh doanh dưới giá vốn nên KHP phải chịu khoản lỗ gộp gần 137 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) chứng kiến quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp. Theo đó, quý II, VSH có doanh thu gần 55 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước và lỗ hơn 2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 36 tỷ đồng). Lũy kế nửa đầu năm, Công ty lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Theo VSH, tình hình hạn hán kéo dài từ cuối năm 2019 tới giữa năm 2020 khiến lưu lượng nước về các hồ tương đối thấp. Vì vậy, sản lượng điện và doanh thu sản xuất lần lượt giảm 27% và 55% so với cùng kỳ năm 2019.
Với CTCP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh (TTE), diễn biến thời tiết bất lợi và đại dịch Covid-19 đều khiến Công ty khốn đốn. Hai nhà máy Đăk Ne và Đăk Blal của TTE chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tích trữ nước của Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số đơn hàng linh kiện máy móc từ Trung Quốc về Việt Nam không được thông quan. Điều này khiến một số tổ máy phải luân phiên hoạt động, không thể chạy hết công suất. Tính riêng quý II/2020, TTE đã ghi nhận lỗ hơn 17 tỷ đồng.
Nhiệt điện chưa có chuyển biến
Năm doanh nghiệp nhiệt điện trên sàn chứng khoán gồm NBP, NT2, POW, BTP và PPC có kết quả kinh doanh khả quan hơn nhiều so với nhóm thủy điện.
Tuy nhiên, so với những năm vừa qua, hoạt động của các doanh nghiệp nhiệt điện chưa thực sự khởi sắc, lợi nhuận tăng trưởng chủ yếu nhờ tiết giảm chi phí, trong khi doanh thu sụt giảm.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) đóng góp tới hơn một nửa tổng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp nhiệt điện với 735 tỷ đồng trong quý II/2020. Tuy nhiên, một phần lớn nhờ khoản thu tài chính gia tăng 127% trong kỳ, giúp lợi nhuận tăng khi doanh thu giảm 22%.
Cùng chung cảnh doanh thu đi xuống, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) vẫn báo lãi quý II tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 249 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu tài chính và khoản lãi khác tăng.
Một vấn đề “đau đầu” với doanh nghiệp nhiệt điện là câu chuyện thiếu khí. Theo NT2, trong quý IV/2020, mỏ Sao Vàng Đại Việt và Phong Lan Dại sẽ cung cấp cho hệ thống khoảng 4 triệu m3/ngày, phần nào đảm bảo không để tình trạng thiếu hụt như năm 2019 tái diễn.
Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, để giải quyết vấn đề thiếu khí hiện tại và phục vụ cho việc phát triển nguồn điện khí trong tương lai, phương án được đưa ra là PVGas sẽ nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để cung cấp cho các nhà máy hiện tại và nhà máy mới trong tương lai.
Triển vọng dài hạn
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB, điện là ngành chịu ảnh hưởng chậm nhất trong chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Trong trường hợp tăng trưởng sản lượng điện tiêu dùng duy trì mức 7,5% cho cả năm 2020, thấp hơn so với tăng trưởng dự kiến ban đầu 9,1%, EVN có thể điều chỉnh giảm tỷ trọng huy động điện từ nguồn điện chạy dầu có giá thành sản xuất cao. Theo đó, sản lượng huy động từ các nguồn điện khác bao gồm thủy điện, nhiệt điện khí và than sẽ không bị ảnh hưởng.
Trường hợp tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, việc phát triển các dự án mở rộng nguồn điện và hệ thống truyền tải điện sẽ chậm tiến độ, dẫn đến áp lực trong việc cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh các khó khăn nội tại của ngành điện Việt Nam về vấn đề giải phóng mặt bằng và huy động vốn đầu tư, diễn biến dịch bệnh làm cho việc tương tác với các chuyên gia, đối tác, cũng như việc nhập khẩu các thiết bị chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc bị gián đoạn, làm chậm tiến độ thi công.
Trong năm 2020, tình hình sản xuất thủy điện có khả năng sụt giảm đáng kể ít nhất trong 6 tháng đầu năm và kỳ vọng sẽ cải thiện trong các tháng cuối năm.
Mực nước tại các sông chính khu vực miền Trung và miền Nam tính đến đầu tháng 3/2020 đang thấp hơn 51% so với số liệu đầu 2020.
Đặc biệt, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, lưu lượng nước đến các hồ thủy điện thấp hơn 44% so với đầu 2020. Dự phóng lợi nhuận các công ty thủy điện giảm bình quân 13% trong năm 2020 và tăng mạnh trở lại trong năm 2021.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), sự thiếu hụt điện năng sẽ giúp tăng sản lượng huy động của các nhà máy điện hiện tại.
Theo báo cáo gần đây của Bộ Công thương, nhiều nhà máy nhiệt điện lớn bị chậm tiến độ theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Việt Nam sẽ thiếu điện khoảng 6,6 tỷ kWh năm 2021, khoảng 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm là 15 tỷ kWh vào năm 2023.
“Tình trạng thiếu điện này sẽ giúp các nhà máy nhiệt điện hiện tại được huy động phát điện với hiệu suất cao hơn, hoạt động hiệu quả hơn”, KBSV cho biết.
Bên cạnh đó, tình hình thủy văn sẽ được cải thiện khi hiện tượng thời tiết El Nino đã kết thúc làm tăng khả năng phát điện các nhà máy thủy điện.
Theo Trung tâm Nghiên cứu hải dương và khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) thì hiện tượng El Nino đã kết thúc khi chỉ số ONI (Oceanic Ni-o Index - Chỉ số chính được dùng để quan sát hiện tượng El Nino - La Nina) giai đoạn tháng 6/2019 - 8/2019 đã về mức 0,3, nhỏ hơn mức 0,5 - mức được xác định là hiện tượng El Nino đang diễn ra - và trở lại trạng thái trung tính (neutral).
Cũng theo cơ quan này, dự kiến xác suất của trạng thái ổn định sẽ được duy trì đến giữa năm 2020 là trên 50%.
Với việc hình thái thời tiết trở lại trạng thái trung tính (neutral), các nhà máy thủy điện sẽ thoát khỏi tình trạng khan hiếm nước do El Nino gây ra và gia tăng phát điện, làm giảm giá mua điện trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Một điểm đáng chú ý khác với các doanh nghiệp ngành điện là nợ vay đang giảm nhanh. Đặc điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất điện là cần số vốn đầu tư ban đầu rất lớn để đầu tư tài sản cố định. Trong đó, đa phần các doanh nghiệp đều sử dụng khoảng 70% vốn vay ngân hàng trong nước hoặc nước ngoài.
Với cấu trúc vốn như vậy, đa phần các nhà máy điện sẽ lỗ trong những năm đầu tiên bắt đầu đi vào vận hành do chi phí lãi vay lớn và kết quả kinh doanh dần dần được cải thiện khi số dư nợ gốc giảm xuống hàng năm.
Điển hình cho điều này là các doanh nghiệp như PVPower (POW), Nhiệt điện dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP)… Sau khi trả hết nợ vay và chi phí lãi vay, dòng tiền còn lại dành cho chủ sở hữu sẽ là rất lớn và tạo điều kiện để tăng mức chi trả cổ tức.
Theo tính toán của KBSV, tổng số dư nợ gốc của một số doanh nghiệp phát điện niêm yết sẽ giảm rất nhanh xuống mức 24.250 tỷ đồng vào cuối năm 2020, so với mức 44.440 tỷ đồng vào cuối năm 2018.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã hết một phần hoặc toàn bộ chi phí khấu hao hoặc phân bổ xong phần chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn xây dựng cơ bản cũng sẽ góp phần cải thiện kết quả kinh doanh của các đơn vị này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận