Phản ứng trái ngược sau vụ Israel tập kích Iran
Mỹ, Anh cho rằng Israel thực hiện quyền tự vệ khi tập kích Iran, trong khi các nước Hồi giáo chỉ trích Tel Aviv khiến xung đột thêm trầm trọng.
"Phản ứng của Israel là hành động tự vệ, họ đặc biệt tránh các khu vực đông dân cư và chỉ tập trung vào các mục tiêu quân sự, trái ngược với việc Iran nhắm vào thành phố đông dân nhất Israel", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett nói với phóng viên ngày 26/10.
Savett cũng nhấn mạnh Mỹ không tham gia vụ tập kích của Israel. "Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường ngoại giao và giảm căng thẳng ở Trung Đông", ông cho hay, đồng thời kêu gọi Iran không đáp trả Israel để không leo thang tình hình.
Thủ tướng Anh Keir Starmer kêu gọi "giảm căng thẳng" và cũng cho rằng Iran không nên đáp trả cuộc tấn công của Israel.
"Chúng ta cần phải thực sự nói rõ rằng Israel có quyền tự vệ, nhưng chúng tôi đang hối thúc và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế", Thủ tướng Anh nói.
Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi tất cả các bên tránh mọi hành động leo thang, tránh thực hiện những hành động có thể làm trầm trọng thêm tình hình cực kỳ căng thẳng trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang giữa Israel và Iran, đồng thời kêu gọi đưa tình hình Trung Đông trở lại bình thường. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, chấm dứt bạo lực và tránh kịch bản thảm khốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết.
Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nước này đặc biệt lo ngại trước sự leo thang ở Trung Đông, đồng thời lên án mọi hành vi đe dọa an ninh và ổn định khu vực.
Trong khi đó, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lên án Israel và cảnh báo về nguy cơ xung đột mở rộng ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao UAE nhấn mạnh "tầm quan trọng của kiềm chế và hành động khôn ngoan ở cấp độ cao nhất để tránh rủi ro và xung đột lan rộng".
Lebanon, Pakistan và Oman lên án cuộc tập kích của Israel là sự vi phạm chủ quyền của Iran, mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Iraq cáo buộc các nước lớn không hành động để ngăn cản Tel Aviv. "Israel tiếp tục chính sách hung hăng và mở rộng xung đột trong khu vực bằng các cuộc tấn công trắng trợn mà không bị trừng phạt", phát ngôn viên chính phủ Iraq Basim Alawadi tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố cho rằng "chấm dứt hành động gây hấn do Israel gây ra trong khu vực đã trở thành một nhiệm vụ lịch sử nhằm thiết lập hòa bình và an ninh quốc tế". Nước này cũng chỉ trích các hoạt động của Israel ở Gaza, Bờ Tây và Lebanon. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cộng đồng quốc tế kiềm chế chính phủ Israel, đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Syria bày tỏ "đoàn kết" với đồng minh Iran và ủng hộ "quyền hợp pháp của Iran trong việc tự vệ, bảo vệ lãnh thổ cũng như tính mạng công dân".
Nhóm Hamas, được Iran hậu thuẫn và đang giao tranh với Israel ở Gaza, lên án Israel "bằng ngôn từ quyết liệt nhất".
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rạng sáng 26/10 mở chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào Iran để đáp trả vụ phóng tên lửa đạn đạo của Tehran hồi đầu tháng. IDF cho biết họ nhắm vào các mục tiêu quân sự tại Iran, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả nếu nước này trả đũa vụ không kích.
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA tuyên bố đòn tập kích của Israel đã bị hệ thống phòng không của nước này "đánh chặn hoàn toàn". IRNA xác nhận các cơ sở quân sự ở Tehran, Khuzestan và Ilam đã bị tên lửa Israel nhắm tới, nhưng chỉ chịu "thiệt hại hạn chế". Ít nhất hai binh sĩ Iran thiệt mạng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận