Phản ứng sau khi Fed giảm lãi suất: Thị trường tiềm ẩn yếu tố khó đoán
Phản ứng bất ngờ của thị trường ngoại hối, vàng… sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay giảm lãi suất 0,5% trong phiên họp chính sách kết thúc ngày hôm qua (giờ Việt Nam) cho thấy, thị trường luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó đoán.
Với riêng Việt Nam, quyết định của Fed giúp cơ quan quản lý dễ thở hơn khi điều hành chính sách tiền tệ, song cũng phải dè chừng nguy cơ lạm phát, cũng như diễn biến của các thị trường xuất khẩu chính. Những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế cũng đang khiến không ít chuyên gia kinh tế bất ngờ, nhất là khi USD quay đầu tăng giá, vàng tăng vọt rồi đột ngột giảm mạnh, chứng khoán Mỹ giảm điểm.
Nhiều người ví von, quyết định hạ lãi suất của Fed giống như con tàu lớn đang xoay bánh lái, phải mất cả năm mới có thể chuyển hướng thành công. Trong thời gian này, hy vọng về sự phục hồi nhờ chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ bắt đầu và nỗi lo về nguy cơ suy thoái nền kinh tế Mỹ đan xen khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn bất an.
Nhìn tổng thể, với kinh tế Việt Nam, việc Fed hạ lãi suất sẽ tác động tích cực trên nhiều khía cạnh.
Trước hết, là tác động tới tỷ giá hối đoái, bởi Fed giảm lãi suất đồng nghĩa khả năng USD sẽ yếu đi, áp lực với tỷ giá trong nước giảm. Tỷ giá trong nước từ trạng thái căng thẳng ngộp thở giữa năm nay với mức tăng gần 5%, đã hạ nhiệt nhanh trong hơn 1 tháng qua, hiện còn tăng 1,5% so với đầu năm.
Thứ hai, Fed hạ lãi suất sẽ khiến dòng vốn từ Mỹ có thể chảy sang các thị trường mới nổi để tìm kiếm khả năng sinh lời tốt hơn. Theo đó, dòng kiều hối, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và gián tiếp (FII) vào Việt Nam có thể tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cũng bởi vậy, dòng vốn đầu tư sẽ hạn chế rút ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thứ ba, Fed giảm lãi suất có thể giúp Việt Nam có điều kiện nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Trên thực tế, áp lực tỷ giá giảm và dòng vốn ngoại tăng sẽ tạo thêm dư địa cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, duy trì lãi suất thấp mà không lo ngại quá nhiều về tình trạng chảy máu ngoại tệ.
Tựu trung, với sự xoay trục chính sách tiền tệ của Fed cũng như nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu, những khó khăn lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam cũng vợi bớt. Mặc dù vậy, diễn biến của thị trường luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, nhất là khi những tác động tích cực có thể không diễn ra như kỳ vọng.
Minh chứng rõ nhất là sau khi Fed giảm lãi suất, Chỉ số USD Index đã tăng trở lại. Các nghiên cứu của Ngân hàng JPMorgan cho thấy, với 3 trong 4 chu kỳ nới lỏng tiền tệ gần đây, USD đều tăng giá bởi đồng tiền này phụ thuộc nhiều vào tương quan lãi suất của Fed và các quốc gia khác. Nếu các quốc gia khác hạ lãi suất nhanh và mạnh hơn Fed, thì giá USD sẽ không thể giảm.
Ngay trước khi Fed giảm lãi suất 0,5%, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ và Canada đều đã giảm lãi suất. Các nền kinh tế châu Á, thậm chí còn cắt giảm lãi suất từ sớm, dẫn tới nội tệ nhiều nước mất giá mạnh so với USD. Xét về mặt kỹ thuật, mốc 100 điểm của USD Index rất cứng và khó có thể bị xuyên thủng. Như vậy, nếu USD không yếu đi, dù áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt, thì đó vẫn là vấn đề mà cơ quan quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam phải canh chừng. Ngược lại, nếu USD suy yếu, đồng nghĩa tiền Việt (VND) tăng giá, thì nỗi lo mà Việt Nam phải đối mặt sẽ là suy giảm xuất khẩu do hàng Việt Nam sẽ đắt hơn, khó cạnh tranh hơn với hàng nước ngoài.
Một điểm đáng quan tâm nữa, là khả năng dòng vốn ngoại đảo chiều, chảy mạnh hơn vào các thị trường mới nổi thay vì trạng thái rút ròng liên tục cũng chỉ là kỳ vọng. Lý do là lãi suất của Mỹ tuy hạ nhiệt, nhưng vẫn đứng ở mức cao. Ngoài ra, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây sẽ tác động mạnh tới dòng tiền. Nếu tân Tổng thống Mỹ có chính sách gây áp lực với kinh tế Trung Quốc, buộc doanh nghiệp Mỹ phải rút sản xuất về nước, thì dòng đầu tư sẽ thay đổi. Tuy vậy, ngay cả trong trường hợp dòng tiền của Mỹ dịch chuyển, thì việc thu hút dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Nói cách khác, quyết định của Fed cũng như việc nhiều nước châu Âu giảm lãi suất sẽ giúp kinh tế Việt Nam dễ thở hơn, có cơ hội nhiều hơn, nhưng cũng đứng trước không ít thách thức do còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sức khỏe nội tại của nền kinh tế còn yếu. Bối cảnh đó đòi hỏi cơ quan quản lý, điều hành chính sách tiền tệ phải theo sát diễn biến của dòng vốn ngoại, cũng như diễn biến lạm phát để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận