Phản ứng nhanh chưa từng thấy của Mỹ có ngăn được kế hoạch của Nga với Ukraine?
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã có loạt phản ứng nhanh chưa từng có, sau khi thông tin tình báo nghi ngờ Nga sắp tấn công Ukraine.
Vào mùa thu năm nay, khi cộng đồng tình báo Mỹ lần đầu tiên ghi nhận những dấu hiệu cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới nhằm vào Ukraine, Tổng thống Joe Biden đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền hành động nhanh chóng.
Lo ngại lặp lại sai lầm vào năm 2014, thời điểm Mỹ và châu Âu không lường trước được khả năng Moscow sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ liên bang Nga, ông Biden đã yêu cầu nhóm an ninh quốc gia sử dụng mọi công cụ có thể để ngăn chặn Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra quyết định cuối cùng. Dù thực tế, giới tình báo Mỹ dự đoán nguy cơ tấn công còn vài tháng nữa mới xảy ra, một quan chức cấp cao Mỹ chia sẻ với CNN.
“Những gì chúng tôi đang làm đã được tính toán kỹ. Nhưng chúng tôi chỉ có thời hạn khoảng 4 tuần từ bây giờ để đưa ra được phương án”, quan chức Mỹ nói thêm.
Phản ứng nhanh chóng của Mỹ có thể được kể tới những hoạt động ngoại giao tăng cường ngay từ đầu mùa thu bao gồm chuyến thăm của Giám đốc CIA Bill Burns tới Moscow nhằm cảnh báo Tổng thống Putin về kế hoạch tấn công Ukraine.
Tuy nhiên, các binh sĩ Nga vẫn tiếp tục được huy động số lượng lớn tới sát biên giới Ukraine, phương án ngoại giao thầm lặng nhanh chóng biến thành những lời cảnh báo công khai và nghiêm túc như yêu cầu ông Putin hủy bỏ kế hoạch, hoặc sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt hà khắc, bên cạnh đó Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Các quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng hậu quả mà Nga phải hứng chịu sẽ vượt xa những gì Moscow đã đối mặt sau quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
“Các lệnh trừng phạt mà chúng tôi áp đặt với Nga vào năm 2014 chủ yếu ngăn chặn sự phát triển tầm trung và dài hạn của một số doanh nghiệp nhà nước của Nga bằng cách hạn chế sự tiếp cận của họ tới thị trường vốn và công nghệ của Mỹ”, một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Tuy nhiên, những phương án đang nằm trên bàn thảo luận “sẽ có tác động lớn hơn, ngay lập tức giáng đòn tổn thất lớn cho nền kinh tế cùng hệ thống tài chính của Nga”, quan chức Nhà Trắng nói thêm.
Quay trở lại năm 2014 khi ông Biden còn giữ chức Phó Tổng thống, cộng đồng tình báo Mỹ từng bị chỉ trích nặng nề vì đưa ra dự báo Nga sáp nhập bán đảo Crimea quá muộn. Sau động thái của Nga, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc bấy giờ đã tăng cường trang bị vũ khí cho Ukraine, song phần lớn những lệnh trừng phạt cực kỳ hà khắc với Nga lại bị ông chủ Nhà Trắng gạt bỏ.
Theo các quan chức Mỹ, Tổng thống Biden hiện muốn làm nhiều việc hoàn toàn khác so với thời ông còn là Phó Tổng thống Mỹ.
“Chính phủ Mỹ hiện chủ động hơn nhiều và nhạy cảm hơn với tình hình khi nhận định ông Putin sẽ phải chịu tổn thất nặng nề, nếu như có những nỗ lực gây tổn hại cho Mỹ và các đồng minh”, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ tại bang New Jersey, ông Tom Malinowski cho hay.
Một cựu quan chức cấp cao NATO nghỉ hưu hồi tháng Chín cũng cho biết, hoạt động chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ với Ukraine về các kế hoạch của Nga đang được thúc đẩy mạnh. Nguyên nhân là do chính phủ Ukraine hiện được xem là “đối tác đáng tin cậy hơn” so với trước đây. Bên cạnh đó, ông Biden tin chắc rằng Ukraine sẽ không bỏ lỡ bất cứ cuộc thảo luận nào liên quan tới tương lai đất nước.
Các nhà ngoại giao phương Tây nhận định chính quyền của Tổng thống Biden cũng đã chia sẻ “sớm bất thường” thông tin tình báo về các động thái của Nga với NATO, nhóm G7 và các đồng minh châu Âu.
“Tôi chưa từng thấy mức độ hợp tác như vậy trước năm 2014. Chính phủ Mỹ hiện đa phương hơn trong phương thức tiếp cận. Chuyện này là mới mẻ và là kết quả từ công tác chủ động đối phó dịch Covid-19 khi tăng cường liên kết chính trị và trao đổi thông tin giữa các đối tác”, cựu quan chức NATO nhận định.
Song ông Malinowski và một số quan chức Mỹ nhấn mạnh tình hình hiện tại hoàn toàn khác với năm 2014.
“Lực lượng mà Tổng thống Putin đang huy động chính xác là lực lượng chuẩn bị cho cuộc tấn công tổng lực trên mặt đất, chuyện này khác với những gì xảy ra vào năm 2014 khi có ít binh sĩ Nga tham gia”, ông Malinowski nói.
Quân đội Nga hiện cũng “ở một tầm hoàn toàn khác về năng lực, cấu trúc lực lượng và cách bố trí so với năm 2014 – 2015”, ông Michael Kofman, Giám đốc chương trình nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CAN) nói.
Cũng theo ông Kofman, Mỹ hiện cũng có năng lực hiểu rõ hơn về mọi động thái của Nga.
“Mỹ đã tăng cường năng lực tình báo, tăng cường căn cứ ở phía đông, hình ảnh vệ tinh cũng tốt hơn, và có thêm sự liên kết chính trị. Toàn bộ điều này cho phép Mỹ và các nước đồng minh đưa ra dự báo tốt hơn so với năm 2014”, ông Kofman cho biết.
Tuy nhiên, một số quan chức đương nhiệm và đã về hưu của Mỹ lại cho rằng chính quyền của Tổng thống Biden đang lặp lại một số sai lầm, khi gửi đi những tín hiệu cho Nga thấy lời đe dọa từ Mỹ không đáng lo.
Cụ thể, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Châu Âu, Trung tướng Ben Hodges nhắc lại tuyên bố hồi đầu tháng này của Tổng thống Biden về việc Mỹ không tính tới chuyện điều động binh sĩ tới Ukraine. Theo ông Hodges, đây được xem là sự “nhượng bộ” của Mỹ trong khi Nga liên tiếp đưa ra các yêu cầu.
Cũng theo ông Hodges, tuyên bố của ông Biden sẽ khiến Nga củng cố thêm niềm tin rằng sau quá trình rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ sẽ không muốn sa lầy vào một chiến khác ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng tỏ ra khá thận trọng khi lo ngại việc chuyển giao một số thiết bị và vũ khí như các hệ thống phòng không cho Ukraine có thể bị Nga xem là hành động khiêu khích, trong khi Mỹ và các đồng minh đang cố gắng thuyết phục Moscow hạ nhiệt căng thẳng. Điều này từng diễn ra dưới thời cựu Tổng thống Obama khi ông từ chối chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine để tránh khiêu khích Nga, nhưng Moscow cuối cũng vẫn bất ngờ sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ liên bang.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận