Phân tích kỹ thuật: Đâu là điểm yếu lớn?
Có hai cách tiếp cận trong phương pháp phân tích thị trường tài chính nói chung, và chứng khoán nói riêng. Đó là phân tích kỹ thuật (technical analysis – TA) và phân tích cơ bản (fundamental analysis – FA). Trong bài viết này, bạn sẽ cùng làm rõ hơn về Phân tích kỹ thuật và đâu là những điểm yếu lớn nhất. Đồng thời, bạn cũng sẽ biết tại sao chúng vẫn được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam.
Khái niệm về hai cách tiếp cận
Mặc dù đã được đề cập, chúng ta sẽ nhắc lại khái niệm về hai cách tiếp cận này.
Phân tích kỹ thuật là phương pháp phân tích thường chỉ tập trung vào xem xét lượng và giá cổ phiếu. Đây là đặc điểm khác biệt so với phân tích cơ bản. Cụ thể hơn, phân tích cơ bản xem xét rất nhiều yếu tố. Nhưng chúng xoay quanh nội tại doanh nghiệp, môi trường vĩ mô và vi mô.
Tuy nhiên, mục tiêu chung của cả hai phương pháp là dự báo biến động giá tương lai. Phân tích kỹ thuật dựa trên giả định quan trọng là: Mọi yếu tố đều đã được phản ánh vào giá. Từ đó, các nhà phân tích đưa ra rất nhiều mô hình để dự báo.
Điểm yếu lớn của phân tích kỹ thuật
Điểm yếu lớn nhất của phân tích kỹ thuật nằm ở giả thuyết đã nêu trên: Mọi yếu tố đều đã được phản ánh vào giá.
Qua xem xét giả định, cách phân tích và mô hình dự báo, chúng ta thấy các điểm yếu lớn như dưới đây:
Nhấn mạnh giá quá khứ
Bạn đã biết rằng giả định trung tâm của phân tích kỹ thuật nhấn mạnh vào giá quá khứ. Cụ thể hơn, các nhà phân tích cho rằng mọi yếu tố đều đã được phản ánh vào giá. Trong khi nhà đầu tư cần biết các yếu tố nào, và ảnh hưởng của chúng là ra sao đến biến động giá tương lai.
Khó xác định mối quan hệ nhân quả
Thường các mô hình của phân tích kỹ thuật có tính độc lập cao. Nghĩa là người ta chỉ cần dựa vào một hoặc kết hợp một số mô hình để dự báo. Nhưng ngay cả khi kết hợp, người ta gần như khó thấy được mối quan hệ nhân quả (causal effects) giữa chúng. Nói cách khác, phương pháp phân tích kỹ thuật khá đơn giản.
Vì vậy, khi dùng phân tích kỹ thuật, điểm yếu lớn này rất dễ quan sát. Bởi vì thường trong mọi phiên giao dịch, người ta sẽ luôn thấy một số cổ phiếu được dự báo tăng. Trong khi một số cổ phiếu khác được dự báo giảm. Đó là khi bạn sử dụng các mô hình dự báo của phân tích kỹ thuật.
Tuy nhiên, giả sử xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng quan trọng của phân tích cơ bản. Chẳng hạn như lạm phát tăng vọt. Khi đó, mọi mô hình dự báo cho thấy giá cổ phiếu tăng đều trở nên vô nghĩa. Bởi vì thông tin lạm phát tăng vọt thường khiến thị trường lao dốc mạnh. Vì vậy, gần như rất hiếm cổ phiếu tăng giá trong những điều kiện như vậy.
Tại sao phân tích kỹ thuật được dùng rộng rãi?
Người ta thấy rằng dường như phân tích kỹ thuật được sử dụng khá rộng rãi tại Việt Nam. Chúng ta sẽ xem xét nguyên nhân tại sao.
Phân tích cơ bản rất phức tạp
Chúng ta đã xem xét bốn nhóm yếu tố quyết định giá cổ phiếu. Mặc dù vậy, việc phân tách thành từng nhóm nhỏ hơn cũng như xác định từng yếu tố không hề đơn giản. Chúng bao gồm rất nhiều yếu tố. Đồng thời, giữa chúng luôn có những mối quan hệ ở dạng ma trận.
Hơn thế, chúng ta cần sắp xếp mức độ quan trọng của từng yếu tố. Thứ tự quan trọng cũng thay đổi tuỳ vào từng thời điểm. Vì nếu không cẩn thận, bạn sẽ rất bất ngờ khi thị trường đi ngược dự báo.
Ví dụ tính phức tạp của phân tích cơ bản
Để lấy ví dụ về tính phức tạp của phân tích cơ bản, chúng ta quan sát biểu đồ chỉ số Dow Jones dưới đây. Biểu đồ được lấy trong vòng 1 năm qua, nên chủ yếu rơi vào năm 2022.
(Nguồn tradingview)
Ở thời điểm giữa tháng 7, một loạt các thông tin về kinh tế vĩ mô và doanh nghiệp được công bố. Lạm phát tháng 6 của Mỹ là 9,1%. Đây là mức lạm phát cao kỷ lục của nền kinh tế Mỹ trong vòng 40 năm qua!
Nhưng trên biểu đồ, bạn thấy thị trường vẫn tăng điểm rất tốt. Điều này khác hẳn so với phản ứng tiêu cực khi lạm phát của tháng 3, tháng 4, và tháng 5 được công bố. Trong khi lạm phát tháng 6 cao hơn tất cả các tháng trước đó của năm 2022.
Tại sao vậy?
Bởi vì giai đoạn này, nhà đầu tư không còn ưu tiên vào tỷ lệ lạm phát. Sự chú ý của họ đã chuyển sang đánh giá khả năng kiềm chế lạm phát của FED. Đồng thời, nhà đầu tư Mỹ tin rằng nền kinh tế đang dần được cải thiện. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng GDP của Quý II năm 2022 đã có dấu hiệu phục hồi. Bởi vì tốc độ tăng trưởng này của Quý II là -0,6%, so với -1,6% của Quý I (số liệu đã điều chỉnh).
Niềm tin được củng cố hơn trong giai đoạn này với số liệu tích cực từ báo cáo của các tập đoàn cũng như thị trường lao động.
Tất nhiên, trên đây chỉ là một ví dụ về tính phức tạp của các yếu tố trong phân tích cơ bản. Chúng ta đã tổng kết rằng:
– Rất khó xác định được đầy đủ các yếu tố;
– Không đơn giản để nhận biết cũng như lượng hoá các mối quan hệ nhân quả;
– Phức tạp khi xác định thứ tự ưu tiên.
Ít được đào tạo về kinh tế
Ở bài viết trước, chúng ta biết rằng các oker (tư vấn viên) ít được đào tạo về kinh tế. Trong khi thị trường chứng khoán đòi hỏi kiến thức rất rộng và chuyên sâu. Hiển nhiên, trọng tâm của kiến thức và kinh nghiệm luôn thuộc lĩnh vực kinh tế.
Ngoài ra, bạn cũng đã biết phân tích cơ bản khó và rất phức tạp. Trong khi rõ ràng, con người có xu hướng chọn giải pháp dễ dàng chứ không chọn phức tạp. Hơn thế, các mô hình của phân tích kỹ thuật có thể được lập trình để tạo ra các công cụ dự báo. Điều này là không thể trong phân tích cơ bản.
Chúng ta đã trả lời câu hỏi về điểm yếu lớn của phân tích kỹ thuật. Bạn cũng đã biết phân tích kỹ thuật dễ hơn nhiều so với phân tích cơ bản. Nhưng nhà đầu tư cần nhớ rằng tìm kiếm thu nhập, hay dùng cách nói thông dụng hơn là kiếm tiền, không bao giờ dễ dàng.
Tương tự, các chuyên gia trên thế giới thường coi trọng phân tích cơ bản, chứ không phải phân tích kỹ thuật.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận