Phần thưởng trăm tỷ: Công cụ của kẻ trục lợi
Chuyện về phát hành cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan) thu hút sự quan tâm rất lớn của các cổ đông tại các công ty niêm yết.
Liệu cổ phiếu ESOP có thật sự mang lại lợi ích cho công ty hay chỉ là một công cụ để trục lợi và tạo nên sự xung đột lợi ích, trong đó các cổ đông là những người chịu thiệt?
Tính hai mặt của cổ phiếu ESOP
ESOP được hiểu là kế hoạch xác lập tư cách cổ đông thông qua việc phát hành cổ phiếu cho người lao động. Trong quản trị doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu ESOP được thừa nhận là một công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược nhân sự hiệu quả. Tại Việt Nam, ESOP được hiểu là phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty đại chúng.
Cổ phiếu ESOP là một ưu đãi đối với những nhân viên có nhiều thành tích và cống hiến cho sự phát triển của công ty. Thông qua đợt phát hành cổ phiếu ESOP, những nhân viên đủ tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi sẽ được thưởng hoặc mua cổ phiếu của công ty với giá ưu đãi.
Thực tế cho thấy, cổ phiếu ESOP có thể bị lạm dụng và sử dụng sai mục đích bởi một kế hoạch phát hành thiếu minh bạch từ ban lãnh đạo công ty.
Mục tiêu lớn nhất của phát hành cổ phiếu ESOP là giữ chân nhân tài, khuyến khích họ nâng cao hiệu quả làm việc để góp sức cho sự phát triển của công ty mà chính họ cũng là cổ đông. Thông qua ESOP, nhân viên được khuyến khích thay đổi tâm thế làm việc, từ tư cách của “người làm thuê” sang tư cách của “người làm chủ”. Khi hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự công ty nâng lên sẽ tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của công ty trong dài hạn.
Tuy nhiên, việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ tác động trực tiếp và ngay lập tức đến quyền lợi của các cổ đông. Vì nguồn lực để thực hiện chiến lược ưu đãi được lấy từ tài sản của công ty, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông hiện hữu sẽ bị pha loãng tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu ESOP được phát hành. Chưa kể, giá cổ phiếu thường sẽ bị tác động tiêu cực do việc phát hành cổ phiếu mới. Chính vì vậy, các cổ đông thường khó đồng thuận với vấn đề này nếu như không cho họ thấy được một lợi ích rõ ràng, minh bạch trong dài hạn.
Thực tế cho thấy, cổ phiếu ESOP có thể bị lạm dụng và sử dụng sai mục đích bởi một kế hoạch phát hành thiếu minh bạch từ ban lãnh đạo công ty. Thông qua ESOP, ban lãnh đạo có thể hợp pháp hóa việc “móc túi” cổ đông để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần và trục lợi bằng việc đưa tên mình hay những nhân viên là người thân cận vào danh sách những người lao động được lựa chọn. Khi ấy, cổ phiếu ESOP có thể trở thành ngòi nổ cho sự xung đột lợi ích và mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo và cổ đông.
Cổ phiếu ESOP tại Việt Nam
Tại Việt Nam, công ty đại chúng có thể phát hành cổ phiếu ESOP để bán hoặc thưởng cho người lao động theo quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC. Trường hợp phát hành cổ phiếu ESOP cần đảm bảo bốn điều kiện: (1) Có chương trình lựa chọn và kế hoạch phát hành cổ phiếu được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua; (2) Tổng số cổ phiếu phát hành theo chương trình trong mỗi 12 tháng không được vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành; (3) Hội đồng quản trị (HĐQT) phải công bố rõ các tiêu chuẩn và danh sách người lao động được tham gia chương trình, nguyên tắc xác định giá bán, nguyên tắc xác định số cổ phiếu được phân phối cho từng đối tượng và thời gian thực hiện; (4) Phải có đủ nguồn vốn thực hiện từ các nguồn theo quy định nếu phát hành cổ phiếu để thưởng.
Qua sự nghiên cứu nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy thực trạng phát hành cổ phiếu ESOP ở Việt Nam tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về xung đột lợi ích.
Các quy định về phát hành cổ phiếu ESOP tại Việt Nam còn quá sơ sài. Do đó, để hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP thật sự phát huy được tác dụng, pháp luật Việt Nam cần phải được cải sửa, bổ sung các quy định về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cũng như kiểm soát chặt chẽ vấn đề xung đột lợi ích.
Thứ nhất, tiêu chí lựa chọn và danh sách người lao động không rõ ràng. Thông thường, HĐQT của các công ty sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc ủy quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định tiêu chí lựa chọn và danh sách người lao động được hưởng ưu đãi. Điều này dẫn đến tình trạng ban lãnh đạo phát hành cổ phiếu ESOP cho chính mình để gia tăng thu nhập từ quyền lợi của cổ đông. Năm 2016, đã từng có công ty niêm yết dành đến 55,54% tổng số cổ phiếu ESOP của đợt phát hành cho ba thành viên HĐQT. Thậm chí, vào năm 2017, một công ty niêm yết tại HNX đã phát hành cổ phiếu ESOP chỉ dành cho bảy lãnh đạo công ty.
Thứ hai, giá chào bán cổ phiếu ESOP thấp hơn rất nhiều so với thị giá. Có trường hợp giá mua cổ phiếu ESOP chỉ bằng 1/10 giá thị trường. Điều này làm cho hiệu quả của ESOP không đạt được dưới góc độ chiến lược dài hạn. Mục đích lớn nhất của ESOP là thúc đẩy nhân viên làm việc và gắn bó, kết quả công việc sẽ tỷ lệ thuận với lợi ích từ sự tăng giá cổ phiếu mà nhân viên được hưởng. Nếu giá chào bán quá thấp so với thị giá, thì ngay từ khi nhận cổ phiếu nhân viên đã được hưởng lợi ích rất lớn dù có thể sau đó không cố gắng quá nhiều. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam không quy định về thời hạn hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu ESOP mà để cho các công ty tự quyết định. Từng có một công ty niêm lớn trên sàn đã phát hành gần 18 triệu cổ phiếu ESOP với tổng giá trị gần 2.000 tỉ đồng cho 28 cá nhân và hoàn toàn không có điều kiện về hạn chế chuyển nhượng. Đồng nghĩa, những đối tượng này có thể ngay lập tức bán cổ phiếu và nhận được một khoản tiền mặt tương đương.
Thứ ba, việc phát hành cổ phiếu ESOP diễn ra quá thường xuyên. Thực tế cho thấy, có không ít công ty phát hành cổ phiếu ESOP mỗi năm nhưng không có bất kỳ giải trình nào cho cổ đông về tính hiệu quả do cổ phiếu ESOP mang lại. Khi cổ phiếu ESOP được phát hành liên tục với số lượng lớn nhưng tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp không theo kịp sẽ dẫn đến suy giảm lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu.
Trông người lại ngẫm đến ta
Ở Mỹ, để thực hiện kế hoạch ESOP, công ty phải lập ra một quỹ tín thác, góp vốn bằng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các định chế tài chính. Quỹ sẽ sử dụng nguồn vốn này để mua cổ phiếu quỹ hoặc cổ phiếu mới phát hành của công ty, sau đó chia cho người lao động trong quỹ. Điều này sẽ không làm ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Một điểm đặc biệt đảm bảo mục tiêu thúc đẩy nhân viên và giảm xung đột lợi ích là các quỹ ESOP phải tuân thủ điều kiện về không phân biệt đối xử. Theo đó, những cổ đông đã sở hữu 25% cổ phiếu đang lưu hành của công ty không được nhận phân bổ cổ phiếu từ ESOP. Ngoài ra cần đảm bảo quỹ ESOP không hoạt động duy nhất hoặc chủ yếu vì lợi ích của các nhân viên đặc biệt như: nhân viên đã sở hữu ít nhất 5% cổ phần công ty hoặc có thu nhập hơn 120.000 đô la trong năm trước(1).
Tại Thái Lan, phát hành cổ phiếu ESOP phải tuân thủ quy tắc về bảo vệ nhà đầu tư(2). Trình tự thủ tục, danh sách người quản lý và nhân viên mà ban lãnh đạo phải chuẩn bị được quy định chi tiết nhằm đảm bảo việc phát hành minh bạch và hiệu quả. Tính chặt chẽ trong điều kiện, trình tự thủ tục phát hành sẽ tương ứng với mức độ tác động của đợt phát hành đối với cổ đông. Có hai mức độ tác động của một đợt phát hành, bao gồm: (1) Đợt phát hành tạo nên hiệu ứng pha loãng cao với số lượng cổ phiếu được chào bán lớn hơn 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết và giá chào bán thấp hơn mức 90% giá thị trường; (2) Hiệu ứng pha loãng thấp (không thuộc trường hợp tạo ra hiệu ứng pha loãng cao).
Điển hình như để thông qua phương án phát hành ESOP trong trường hợp tạo nên hiệu ứng pha loãng cao, cần sự chấp thuận của ít nhất ba phần tư tổng số quyền biểu quyết của cổ đông tham dự cuộc họp và tỷ lệ cổ đông phản đối ít hơn 5% tổng số quyền biểu quyết của cổ đông tham dự cuộc họp. Điều kiện trên cũng áp dụng với trường hợp có bất kỳ người quản lý hoặc nhân viên nào nhận hơn 5% tổng số cổ phiếu ESOP của đợt phát hành. Ngoài ra trong hồ sơ trình ĐHĐCĐ bắt buộc phải có ý kiến đánh giá độc lập của ủy ban thù lao về lý do, sự cần thiết và lợi ích công ty đạt được khi phân bổ cho một nhân viên với tỷ lệ như vậy.
Bên cạnh đó, Thái Lan mở rộng đối tượng chứng khoán phát hành theo ESOP bao gồm cả chứng quyền, chứng khoán có thể chuyển đổi chứ không chỉ riêng cổ phiếu. Với các sản phẩm mới này, thời gian nhân viên thực hiện quyền mua có thể kéo dài trong nhiều năm giúp thực hiện các chiến lược dài hạn và giãn cách tình trạng pha loãng cổ phiếu. Hơn nữa, lợi ích của nhân viên khi thực hiện quyền sẽ gắn liền với mức độ tăng lên của giá cổ phiếu, do đó công cụ này cũng có tác dụng thúc đẩy năng suất làm việc của nhân viên.
Dưới góc độ so sánh có thể thấy các quy định về phát hành cổ phiếu ESOP tại Việt Nam còn quá sơ sài. Do đó, để hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP thật sự phát huy được tác dụng, pháp luật Việt Nam cần phải được cải sửa, bổ sung các quy định về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cũng như kiểm soát chặt chẽ vấn đề xung đột lợi ích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận