Phần Lan gia nhập NATO: "Nước cờ" nguy hiểm với Nga?
Năm 2016, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: "Hiện nay, khi nhìn qua biên giới, chúng ta chỉ thấy Phần Lan. Nhưng nếu họ gia nhập NATO, chúng ta sẽ thấy kẻ thù".
NATO kết nạp thêm Phần Lan, ông Putin sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Vượt qua “cửa ải” cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ, con đường trở thành thành viên tiếp theo của Liên minh quân sự NATO đang gần hơn bao giờ hết với Phần Lan. Nhưng liệu động thái này có củng cố thêm sức mạnh cho châu Âu, hay lại tiếp tục là đòn kích động một nước Nga đang trở nên cứng rắn hơn bao giờ hết?
Phần Lan “tiếp sức” cho NATO
Bấy lâu nay, Moscow vô cùng quan ngại trước hành động mở rộng về phía Đông của NATO. Ukraine, Phần Lan, Belarus là những nước láng giềng có biên giới lớn nhất với Nga. Cuộc chiến với Kiev được phát động cũng bắt nguồn từ lo ngại của Moscow về khả năng Ukraine gia nhập NATO có thể kéo theo một nguy cơ lớn về an ninh sát sườn Nga.
Thế nhưng với việc Phần Lan tham gia vào khối NATO, biên giới của liên minh này với Nga sẽ được mở rộng gấp đôi. Chưa kể, quân đội NATO được bổ sung một lực lượng quân sự mạnh của Phần Lan, cũng như có quyền tiếp cận không phận, cảng và tuyến đường biển quan trọng của Phần Lan.
Ông Matti Pesu, một chuyên gia an ninh của Viện các vấn đề quốc tế Phần Lan, cho biết NATO cũng sẽ có khả năng bảo vệ tốt hơn các quốc gia vùng Baltic và Bắc Cực. Còn ông James G. Stavridis, cựu Đô đốc bốn sao của lực lượng Mỹ và NATO, đã gọi động thái này là “một điểm cộng rất lớn cho NATO. Về mặt địa lý, việc Phần Lan gia nhập liên minh sẽ tạo thêm một biên giới rộng lớn, làm phức tạp tính toán của ông Putin”, ông James G. Stavridis nhận định.
Biên giới dài hơn 1.300 km của Phần Lan với Nga có thể tạo ra những lỗ hổng mới, đồng thời tạo áp lực khiến Nga phải dàn trải lực lượng ra các vùng biên giới để bảo vệ các địa điểm trọng yếu. Đây sẽ là một thách thức lớn với Moscow khi họ đã huy động hầu hết lực lượng quân sự của mình cho cuộc chiến ở Ukraine.
Thế nhưng sẽ mất một thời gian trước khi Phần Lan và NATO có thể tích hợp đầy đủ các kế hoạch phòng thủ. Thậm chí, Phần Lan vẫn có thể quyết định liệu họ có cần sự hiện diện của quân đội nước ngoài hoặc vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình hay không.
Không giống như hầu hết các nước châu Âu, Phần Lan không thu hẹp quân đội sau sự sụp đổ của Liên Xô. Với dân số khoảng 5,6 triệu dân, Phần Lan duy trì khoảng 23 nghìn quân nhân tại ngũ. Nhưng khi cần, nước này có thể huy động 280.000 binh sĩ. Helsinki cũng có lực lượng pháo binh lớn nhất Tây Âu, với khoảng 1.500 khẩu pháo các loại.
Liệu có kích động "chú gấu Nga"?
Dù được cho là củng cố thêm sức mạnh phòng thủ của châu Âu, bước đi này của Phần Lan cũng đem lại thêm nhiều lo ngại cho an ninh khu vực và thế giới.
Trước đây khi mới nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, Phần Lan và Thụy Điển chỉ phải hứng chịu một số chỉ trích và đe dọa về mặt ngoại giao từ Nga. Tuy nhiên, khi thực sự đứng về phe chống Nga, Phần Lan đang đặt an ninh quốc gia vào một vị thế nguy hiểm với một đường biên giới chung khổng lồ.
Phần Lan (màu cam) sẽ mở rộng biên giới chung của NATO với Nga thêm hơn 1300 km
Nhiều chuyên gia cho rằng Nga chắc chắn sẽ có biện pháp đáp trả trong tương lai, khi họ giải quyết xong vấn đề Ukraine. Lập trường của Điện Kremlin đã rõ từ nhiều năm trước: sẽ có những hậu quả với tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Năm 2016, Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo: “Hiện nay, khi nhìn qua biên giới, chúng ta thấy Phần Lan. Nhưng nếu họ gia nhập NATO, chúng ta sẽ thấy kẻ thù”.
Lựa chọn từ bỏ vị thế trung lập của Phần Lan chắc chắn sẽ kích động Nga. Theo Trung tâm An ninh Mỹ Mới, trong ngắn hạn, Nga có thể tìm cách làm suy yếu vị thế của NATO ở khu vực Bắc Âu – Baltic – Bắc Cực thông qua các chiến thuật vùng xám và quan điểm hạt nhân hung hăng hơn nhằm thay thế cho hiện diện quân sự truyền thống đang thiếu hụt. Về lâu dài, NATO cũng sẽ phải lên kế hoạch phòng thủ khi Nga lên kế hoạch tái thiết các lực lượng thông thường ở miền Bắc để đối phó với các thành viên mới của NATO.
Điều nguy hiểm nhất như nhiều chuyên gia chỉ ra, Nga đang trong tình trạng thiếu hụt về lực lượng và khí tài thông thường do cuộc chiến tại Ukraine. Điều này sẽ khiến lực lượng hạt nhân Nga có khả năng sẽ trở thành vũ khí chủ lực để Moscow giải quyết các xung đột trong tương lai. Điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với thảm họa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận