Phân khúc bất động sản công nghiệp: Tích cực tạo nguồn cung mới
Làn sóng di chuyển, thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam do lo ngại thương chiến Mỹ - Trung đã giúp phân khúc bất động sản khu công nghiệp phát triển mạnh.
Từ câu chuyện của một liên doanh đón đầu cơ hội
Ông C.K.Tong, Tổng giám đốc của BW Industrial tiết lộ, Liên doanh sẽ tiếp tục tăng quỹ đất lên gấp 3-5 lần trong vòng 4 năm tới để khai thác triệt để tiềm năng của thị trường công nghiệp - thương mại điện tử - logistic tại Việt Nam.
Lãnh đạo BW Industrial cho hay, thương chiến Mỹ - Trung đang thúc đẩy các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ tại Trung Quốc và nhiều thị trường khác đưa ra quyết định dịch chuyển về Việt Nam nhanh chóng hơn so với trước đây.
“Nếu lấy cột mốc từ tháng 10/2018, thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng, đến tháng 5/2019, số lượng đơn hàng từ khách thuê nhà xưởng, kho bãi của BW Industrial tại Việt Nam tăng lên gấp đôi”, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Nhận định này cũng đồng nhất với Báo cáo nêu trên của Savills. “Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có tác động tích cực đến cơ hội của bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, thương chiến này hướng các công ty đa dạng hoá quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy sang một bến đỗ mới ít rủi ro, nhiều cơ hội hơn và Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm”, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc điều hành của Savills nhận xét.
Cùng với đó, các yếu tố khác như chi phí xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam thấp; các hiệp định thương mại tự do mới đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam; tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ổn định; Việt Nam là nền kinh tế dễ hòa nhập; tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang khá cao… là các yếu tố khiến thị trường bất động sản công nghiệp cất cánh.
Cùng thời điểm Savills công bố báo cáo, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng công bố Báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp với những nhận xét tương tự.
“Bất động sản công nghiệp đang chứng kiến các động lực tăng trưởng hiện hữu. Đó là tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các hiệp định thương mại mới ký gần đây (CPTPP và EVFTA), kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, nguồn lao động lớn, mức lương cạnh tranh, cơ sở hạ tầng phát triển... khiến thị trường bất động sản khu công nghiệp hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới”, Nhóm nghiên cứu MBS nhận xét.
Đến việc “cầm vàng” của các doanh nghiệp khu công nghiệp
Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp như Amata, Becamex, VSIP, Vilacerga… đang đạt doanh thu, lợi nhuận tốt nhờ tỷ lệ lấp đầy cao, giá thuê tăng. Năm thị trường công nghiệp hàng đầu tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu) đều có tỷ lệ lấp đầy trung bình là 81% trong quý II/2019. Đây là một tỷ lệ khá cao.
Theo ông Masahico Makata, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức, hiện hơn 200 ha tại Khu công nghiệp Long Đức (Đồng Nai) đã cho thuê gần hết, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào đây, nên doanh nghiệp đang đề xuất tỉnh cho mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
“Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp ở các tỉnh trọng điểm tăng trưởng mạnh theo năm. Các chủ đầu tư trong thị trường bất động sản công nghiệp đang tích cực tạo nguồn cung mới cho thị trường”, ông John Campbell, tư vấn cấp cao Phòng Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cho hay.
Giá thuê bất động sản khu công nghiệp đang tăng trưởng khá tốt. Tại các khu công nghiệp phía Nam, giá thuê trung bình quý đầu năm 2019 tăng 15,9%, phía Bắc tăng 7,6% so với cuối năm 2018. Hiện, TP.HCM là thị trường có giá thuê cao nhất, đạt mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê. Tiếp theo là Đồng Nai với mức giá thuê 160 USD/m2/chu kỳ thuê. Còn ở phía Bắc, Hà Nội có giá thuê đạt mức 140 USD/m2/chu kỳ thuê.
"Nhu cầu mạnh mẽ cùng với sự mở rộng của các nhà sản xuất đã đẩy giá đất lên một mặt bằng mới. Dự kiến có khoảng 9.800 ha đất gia nhập thị trường trong 3 năm tới. Miền Nam vẫn có vai trò cốt lõi là điểm đến đầy hứa hẹn cho đầu tư khu công nghiệp”, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam nhận định.
Cơ hội đang rộng mở cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng, còn cần rất nhiều sự thay đổi đồng bộ không chỉ về hạ tầng, mà còn là môi trường đầu tư, khung khổ pháp lý để nền kinh tế không bỏ lỡ cơ hội trước mặt.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, mà Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cho thấy, Việt Nam luôn nỗ lực hội nhập quốc tế. Điều này đem lại nhiều cơ hội khi hàng rào thuế quan giảm và tạo thêm động lực để Việt Nam tái lập môi trường kinh doanh. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận