Phấn đấu đạt tăng trưởng trên 5%
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đó là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại phiên họp
Quyết tâm đạt mục tiêu kép
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế trong tháng 4/2020, trong bối cảnh Chính phủ triển khai các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng thấp nhất trong nhiều năm qua; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn gặp khó khăn kép do hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi; chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh; lượng DN đăng ký thành lập mới giảm 13,2%, trong khi số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 DN, tăng 33,6%; vốn FDI thực hiện giảm 9,6%... Trong khi đó, lạm phát vẫn đứng ở mức cao, CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ tăng 4,9% - mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm đó là thương mại quốc tế. Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4%; trong đó xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%; xuất siêu trên 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện để phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chia sẻ về định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng nêu rõ phải đạt được mục tiêu kép trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó phải phấn đấu đạt tăng trưởng trên 5%, cao hơn mức dự báo của IMF về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay (cao nhất Đông Nam Á, đạt khoảng 2,7%).
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, cơ quan này đang xây dựng kịch bản điều hành để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Trong đó trước mắt sẽ ưu tiên phát triển thị trường trong nước do dịch có thể kết thúc sớm ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tập trung nghiên cứu và xây dựng kịch bản để đón bắt các cơ hội, thúc đẩy kinh tế trong nước. Trong đó, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các quốc gia là xu hướng cần chú trọng khi mà các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư và Việt Nam là điểm đến thuận lợi.
Ngân hàng tiên phong trong hỗ trợ DN
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo về các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế của ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, khi dịch Covid-19 xảy ra thì ngân hàng là một trong những ngành triển khai rất sớm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Các giải pháp mà NHNN đánh giá và lựa chọn cũng rất thiết thực và cấp bách trong tình hình hiện nay.
Theo đó, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người dân bị tác động, khiến nguồn thu bị ảnh hưởng, thì việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ là rất quan trọng; cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng cũng giảm lãi suất các khoản vay cũ và lãi suất các khoản vay mới để hỗ trợ khách hàng. Hiện các ngân hàng cũng chủ động nguồn vốn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các DN khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Đến nay toàn hệ thống các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 170.746 khách hàng, với dư nợ 128.210 tỷ đồng; giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng, với dư nợ 28.141 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng, với dư nợ 980.163 tỷ đồng, mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 - 2%, thậm chí một số TCTD hạ lãi suất lên tới 2,5 - 4%/năm; cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi dịch xảy ra khoảng từ 1-2% cho 147.630 khách hàng, doanh số cho vay mới luỹ kế từ 23/1/2020 đạt khoảng 533.000 tỷ đồng.
Bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay, NHNN cũng điều chỉnh giảm phí thanh toán điện tử liên ngân hàng, để từ đó các TCTD giảm phí với người dân; cũng như NHNN chỉ đạo Napas giảm 2 lần phí. Ước tính số phí giảm trong năm 2020 lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Liên quan tới câu hỏi về phản ánh của một số DN tiếp cận vốn khó khăn, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động trên diện rất rộng đến các DN và người dân, từ đó ảnh hưởng hoạt động của hệ thống TCTD trên 2 góc độ. Thứ nhất, TCTD cũng là DN cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ ngân hàng cho DN, nên khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ thì nguồn thu dịch vụ của các TCTD cũng bị giảm xuống, từ đó ảnh hưởng tình hình tài chính của các TCTD. Thứ 2, TCTD là trung gian tài chính, nhận tiền gửi của DN và người dân để cho vay. Khi DN và người dân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn trong trả nợ sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tài sản của các TCTD và khi nợ xấu phát sinh thì các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro, từ đó cũng làm ảnh hưởng tình hình tài chính của TCTD.
“Nếu hạ chuẩn cho vay, phá vỡ các tiêu chí thì hệ thống TCTD sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như giai đoạn trước đây. Suy cho cùng khi hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ tác động và gây hệ luỵ rất lớn tới nền kinh tế và ảnh hưởng kinh tế vĩ mô”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận