Phân cấp quản lý, giám sát đầu tư FDI
"Chừng nào trách nhiệm của người đứng đầu, của các tổ chức được nâng cao thì bất kỳ việc thực thi pháp luật nói chung và phân cấp quản lý đầu tư FDI nói riêng mới hiệu quả được".
Đó là chia sẻ của GS TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Chính trị đã có một Nghị quyết riêng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, một trong những giải pháp cụ thể có nhắc tới đó là hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư.
Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam đang thiếu rất nhiều các định mức kinh tế kỹ thuật quốc gia.
Cụ thể, hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động quản lý, giám sát đầu tư nước ngoài, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp quản lý, giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài.
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, khi tổng kết 30 năm thu hút FDI vấn đề phân cấp đã được đặt ra. Theo đó, có 2 luồng ý kiến về việc này, luồng ý kiến thứ nhất, các chuyên gia và một số bộ cho rằng đã đến lúc xem xét lại toàn bộ việc phân cấp, nên phân cấp như thế nào để bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời đảm bảo lợi ích địa phương.
Luồng ý kiến thứ hai, đặc biệt là các địa phương thì cho rằng, nên tiếp tục phân cấp, không nên rút lại phân cấp.
"Thậm chí có một vị nữ là giám đốc một sở kế hoạch và đầu tư đã từng bày tỏ thái độ tiêu cực và cho rằng: "Tùy các anh, muốn cho thì cho không cho thì rút" - ông Mại nói.
Ông cho rằng, Việt Nam đã có hơn 10 năm thực hiện việc phân cấp cho các địa phương, giờ rút lại là khó. Cho nên hướng để phân cấp hiệu quả trước tiên, cầnnâng cao tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp… ở đây phân cấp không phải là để nhận quyền mà là chịu trách nhiệm trước dân tộc này về thu hút đầu tư.
"Chừng nào trách nhiệm của người đứng đầu, của các tổ chức được nâng cao thì bất kỳ việc thực thi pháp luật nói chung và phân cấp quản lý đầu tư FDI nói riêng mới hiệu quả được" - ông nhấn mạnh.
Hiện nay, khi phân cấp Việt Nam đang thiếu 2 điều kiện. Một là, các định mức kinh tế kỹ thuật. Chúng ta biết rằng việc giải quyết vấn đề môi trường đâu phải là vấn đề đơn giản, nếu mà không có định mức kinh tế kỹ thuật cho từng loại dự án: công nghiệp, xây dựng, dệt may…thì không thể nào có thể giám sát được.
Việt Nam cũng đang thiếu rất nhiều các định mức quốc gia, vì vậy các Bộ sau khi đã hoàn thành phân cấp nên tập trung hoàn thành các định mức kinh tế kỹ thuật quốc gia. Ví dụ, trong xây dựng, chung cư, quỹ bảo trì do dân người dân góp vào nhưng mấy chủ xây dựng là tự tung tự tác… mà không giải quyết được. Một lần nữa cho thấy tính cấp thiết của việc hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật quốc gia.
Như vậy, để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị không chỉ các Bộ mà các địa phương không tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu, coi hoạt động phân cấp quản lý đầu tư là một trách nhiệm với dân tộc, không chỉ riêng địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận